Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Khám gan và xét nghiệm chức năng gan là những việc cần làm để chẩn đoán và theo dõi bệnh hoặc tổn thương gan. Những kết quả này bình thường hay bất thường không phải lúc nào cũng phủ nhận bệnh gan hay xác định bệnh gan mà cần sự phân tích của bác sĩ. Từ đó, việc theo dõi sức khỏe gan là điều cần thiết trong chăm sóc sức khỏe toàn diện, nhất là trên đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh gan.
1. Tại sao cần phải thực hiện khám gan?
Việc thăm khám gan và thực hiện các xét nghiệm chức năng gan là nhằm mục đích để:
Khi người bệnh có bất kỳ triệu chứng bất thường nghi ngờ đến sự rối loạn chức năng gan, bao gồm: mệt mỏi hoặc mất năng lượng, sụt cân, vàng da vàng mắt, cổ trướng, nước tiểu sẫm màu hoặc phân nhạt màu, buồn nôn hay nôn mửa, tiêu chảy kéo dài, đau bụng, có dấu bầm tím trên da hoặc chảy máu bất thường.
Kiểm tra nhiễm trùng tại gan, chẳng hạn như viêm gan do siêu vi rất thường gặp ở người trưởng thành
Theo dõi sự tiến triển của các bệnh lý tại gan, chẳng hạn như viêm gan do vi rút hoặc do rượu, và xác định xem phương pháp điều trị có hiệu quả như thế nào
Đo mức độ nghiêm trọng của bệnh gây tổn thương gan vĩnh viễn, đặc biệt là xơ hóa gan
Theo dõi các tác dụng phụ có thể có của thuốc, nhất là khi điều trị với thuốc có thể gây hại cho gan
Có các yếu tố nguy cơ của bệnh gan như uống rượu nhiều, thừa cân hay béo phì, bị tiểu đường và tăng huyết áp
2. Khám gan và thực hiện các xét nghiệm chức năng gan là gì?
Tại giai đoạn ban đầu, gan có thể đã bị tổn thương do các bệnh lý nhưng người bệnh chưa có biểu hiện ra ngoài. Do đó, việc đánh giá tình trạng sức khỏe của gan lúc này chủ yếu là dựa vào các xét nghiệm máu và hình ảnh học gan, phổ biến nhất là thông qua siêu âm cấu trúc gan, siêu âm đo độ đàn hồi mô gan.
Khi các bệnh lý của gan diễn tiến nặng hơn, bệnh nhân không chỉ xuất hiện các triệu chứng đặc hiệu do suy giảm chức năng gan mà thăm khám gan sẽ thấy gan lớn hơn, sờ rõ được dưới hạ sườn phải, ấn vào căng đau tức. Ngược lại, ở các bệnh nhân xơ gan, gan sẽ thô cứng, bề mặt sần sùi và có thể sờ thấy khối u gan nếu có.
Các xét nghiệm chức năng gan được thực hiện là nhằm kiểm tra nồng độ của một số enzym và protein trong máu do gan tổng hợp ra. Nồng độ cao hơn hoặc thấp hơn bình thường có thể cho thấy các vấn đề về gan. Một số xét nghiệm chức năng gan phổ biến bao gồm:
Alanin transaminase (ALT): ALT là một loại enzyme tương đối đặc hiệu được tìm thấy trong gan giúp chuyển hóa protein thành năng lượng cho tế bào gan. Khi gan bị tổn thương, ALT sẽ được giải phóng vào máu và nồng độ sẽ tăng lên.
Aspartate transaminase (AST): Tương tự như ALT, đây cũng là một loại enzym hoạt động tại gan giúp chuyển hóa các axit amin nên thường có trong máu ở mức thấp. Tuy nhiên, AST không có sự đặc hiệu cho mô gan cao như ALT. Theo đó, sự gia tăng nồng độ AST không chỉ có thể cho thấy tổn thương gan mà còn trong các tổn thương cơ.
Alkaline phosphatase (ALP): ALP là một loại enzym được tìm thấy trong gan và xương, rất quan trọng để phân hủy protein. Mức ALP cao hơn bình thường có thể cho thấy gan bị tổn thương, nhất là do các nguyên nhân dẫn đến ống mật bị tắc nghẽn hoặc một số bệnh lý về xương.
Albumin và protein toàn phần: Albumin là một trong số các protein được tạo ra trong gan. Cơ thể cần những protein này để chống lại sự nhiễm trùng và thực hiện các chức năng khác. Nồng độ albumin và tổng số protein thấp hơn mức bình thường có thể cho thấy gan bị tổn thương hoặc đang mắc các bệnh lý nặng.
Bilirubin: Bilirubin là một chất được tạo ra trong quá trình phân hủy bình thường của các tế bào hồng cầu. Bilirubin đi qua gan và sẽ được bài tiết chủ yếu qua phân, một phần qua nước tiểu nên tạo ra màu sắc vàng đặc trưng. Nồng độ cao của bilirubin bị ứng đọng trong máu sẽ gây vàng da, vàng mắt hay vào não gây ra vàng da nhân ở trẻ sơ sinh có thể cho thấy tổn thương gan đang diễn tiến.
Gamma-glutamyltransferase (GGT): GGT cũng là một loại enzym trong máu, hoạt động chủ yếu tại gan. Nồng độ GGT cao hơn bình thường có thể cho thấy gan hoặc ống mật bị tổn thương.
L-lactate dehydrogenase (LDH): LDH là một loại enzym được tìm thấy trong gan. Nồng độ LDH tăng cao cũng có thể cho thấy gan bị tổn thương nhưng không đặc hiệu vì cũng có thể tăng cao trong nhiều rối loạn khác.
Thời gian prothrombin (PT): PT là thời gian để máu đông lại. Tăng PT có thể cho thấy tổn thương gan, do thiếu các thành phần tham gia trong các phản ứng đông máu do gan sản xuất ra. Tuy nhiên, PT cũng có thể tăng lên nếu người bệnh đang dùng một số loại thuốc làm loãng máu, chẳng hạn như warfarin.
Các phương tiện hình ảnh học để khảo sát hình thái và cấu trúc gan thường dùng là siêu âm. Bằng cách phát ra sóng siêu âm và thu nhận sóng phản hồi, hình ảnh của gan và cấu trúc sâu bên trong tạng đặc này sẽ hiển thị trên màn hình máy tính. Từ đó, bác sĩ sẽ nhận định được các nguyên nhân gây tổn thương gan như do sỏi, khối u gan hoặc phân loại giai đoạn xơ hóa gan.
Các xét nghiệm tìm nguyên nhân bệnh gan khác cũng sẽ được thực hiện tùy vào từng bệnh cảnh như các xét nghiệm miễn dịch tìm siêu vi gây viêm gan, dấu ấn ung thư gan hay các rối loạn chuyển hóa tại gan bẩm sinh như chứng ứ đồng, ứ sắt...
3. Các kết quả trong xét nghiệm chức năng gan
Máu của người bệnh sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích theo chỉ định của bác sĩ cho trước về đánh giá xét nghiệm chức năng gan. Các kết quả xét nghiệm máu bình thường cho các xét nghiệm chức năng gan điển hình bao gồm:
- ALT: 7 đến 55 đơn vị mỗi lít máu (U/L)
- AST: 8 đến 48 U/L
- ALP: 40 đến 129 U/L
- Albumin: 3,5 đến 5,0 gam trên mỗi decilit máu (g/dL)
- Protein toàn phần: 6,3 đến 7,9 g/dL
- Bilirubin: 0,1 đến 1,2 miligam trên decilit (mg/dL)
- GGT: 8 đến 61 U/L
- LDH: 122 đến 222 U/L
- Thời gian PT: 9,4 đến 12,5 giây
Những kết quả này là điển hình cho nam giới trưởng thành. Kết quả bình thường khác nhau giữa các phòng thí nghiệm và có thể hơi khác đối với phụ nữ và trẻ em.
Bác sĩ sẽ sử dụng những kết quả này, kết hợp với các dấu hiệu lâm sàng và những yếu tố nguy cơ bệnh gan, để giúp chẩn đoán tình trạng gan của người bệnh cũng như xác định phương pháp điều trị nếu cần. Sau đó, thời điểm cần khảo sát lại sẽ tùy vào diễn tiến của bệnh lý, sau 2 tuần hay 4-6 tuần hay 3-6 tháng. Nếu người bệnh tổn thương gan cấp tính hay có các biến chứng của bệnh gan thì có thể cần nhập viện để theo dõi.
Ngược lại, nếu việc thăm khám và các kết quả xét nghiệm hoàn toàn bình thường thì bao lâu nên khám gan một lần nên kết hợp vào trong các lần thăm khám sức khỏe tổng quát định kì hằng năm, nhằm thuận lợi cho việc theo dõi lâu dài. Khám định kỳ 6-12 tháng hoặc khi có dấu hiệu như đau vùng gan, sụt cân, mệt mỏi, vàng da, sốt.
Tóm lại, do gan là một cơ quan cần thiết để tiêu hóa thức ăn và thải độc tố ra khỏi cơ thể. Bất kỳ một tổn thương nào tại gan cuối cùng đều có thể dẫn đến suy gan, một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Đây chính là lý do tại sao khám gan là một phần của chăm sóc sức khỏe định kì. Đồng thời, bao lâu nên khám gan một lần sẽ phụ thuộc vào tình trạng của mỗi cá nhân, bác sĩ sẽ quyết định điều này giúp cho việc theo dõi chức năng gan luôn hoàn thiện và chặt chẽ hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.