Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đỗ Xuân Chiến - Trưởng khoa Khám bệnh & Nội khoa Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Động mạch vành là những mạch máu nhỏ làm nhiệm vụ cung cấp máu nuôi cho quả tim hoạt động. Vôi hóa trong động mạch vành là một dấu hiệu sớm của bệnh mạch vành.
1. Hiện tượng vôi hóa mạch vành tim
Hiện tượng lắng đọng canxi mạch vành là một phần trong quá trình phát triển sang thương xơ vữa động mạch, chỉ xảy ra tại các động mạch bị xơ vữa và không hiện diện trong thành động mạch bình thường. Canxi xuất hiện với lượng nhỏ trong các tổn thương xơ vữa động mạch sớm (hình thành trong thập niên thứ 2 - 3 của cuộc đời) và được tìm thấy thường xuyên hơn khi tuổi cao.
Vôi hóa động mạch vành hầu như luôn luôn hiện diện ở những người bệnh mạch vành và có liên quan nhiều đến tuổi tác (tần suất tăng rõ sau 50 tuổi ở nam và sau 60 tuổi ở nữ).
Tình trạng mạch vành bị vôi hóa còn được hiểu là sự xơ vữa hoặc xơ cứng của thành động mạch, gây ra chủ yếu bởi sự lắng đọng của cholesterol và quá trình lão hóa, làm giảm tính đàn hồi của mạch máu theo thời gian, tuổi tác.
2. Yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch vành
- Nhóm yếu tố nguy cơ thay đổi được: Hút thuốc lá, tăng huyết áp, béo phì, ít vận động, thói quen dùng nhiều mỡ và rượu...
- Nhóm yếu tố nguy cơ có tiềm năng thay đổi: Tăng lipid/cholesterol/triglycerid huyết, giảm lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), tăng đường huyết, stress...
- Nhóm yếu tố nguy cơ không thay đổi được: Tuổi cao trên 30, thay đổi về hormon ở tuổi mãn kinh, tiền sử gia đình có người bị xơ vữa sớm.
3. Chẩn đoán bệnh mạch vành bị vôi hóa
Có thể thấy vôi hóa động mạch vành khi soi X-quang ngực, tuy nhiên không thể định lượng được mức độ vôi hóa với phương pháp này. Sự ra đời của máy chụp cắt lớp điện toán với chùm điện tử (electron beam computed tomography - viết tắt EBCT) vào giữa thập niên 1980 đã đánh dấu một bước ngoặt trong khảo sát vôi hóa động mạch vành.
EBCT cho phép định lượng một cách khách quan mức độ vôi hóa của hệ động mạch vành. Cuối thập niên 1990, phương pháp chụp cắt lớp điện toán với nhiều bộ dò (multidetector computed tomography - viết tắt MDCT) được áp dụng vào việc định lượng vôi hóa.
Cả EBCT lẫn MDCT đều dùng những lát cắt CT mỏng và vận tốc ghi hình nhanh để giảm sự nhiễu tín hiệu do cử động. Số lát cắt được thực hiện thường là 30-40. Các máy CT hiện nay có thể thực hiện lát cắt 1,5 mm (EBCT), thậm chí < 1 mm (MDCT). Tuy nhiên Hiệp Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo bề dày của lát cắt tái dựng là 2.5-3 mm để giảm thiểu sự chiếu xạ đối với bệnh nhân. Thời gian khảo sát khoảng 10-15 phút, trong đó thời gian scan chỉ khoảng vài chục giây.
4. Làm thế nào để hạn chế vôi hóa động mạch vành?
Phương pháp tốt nhất để hạn chế sự vôi hóa vẫn là thay đổi lối sống, giảm ăn các thực phẩm giàu cholesterol như: mỡ, phủ tạng động vật, tôm, lòng đỏ trứng..., tăng cường rau xanh, chất xơ.
Có chế độ dinh dưỡng hợp lý, năng tập luyện, chống stress, kiểm soát huyết áp, không hút thuốc, không uống rượu... Việc luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đều đặn như đi bộ đúng cách phù hợp sức khỏe sẽ rất tốt đối với hệ tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ̣. Tuy nhiên, cần lưu ý không phải cứ ra sức tập nhiều những bài tập quá sức thì mảnh xơ vữa giảm, thậm chí nếu tập luyện không phù hợp có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn có thể bổ sung thêm nguồn canxi hữu cơ từ thực phẩm như: sữa đậu nành, sữa chua... mỗi ngày rất có lợi cho sức khỏe. Chỉ lưu ý không nên uống bổ sung thêm nguồn canxi vô cơ từ các thuốc hóa dược.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.