Vỡ, thủng túi mật do viêm túi mật

Viêm túi mật là một trong những bệnh lý khá phổ biến ở túi mật. Một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh lý này là thủng, vỡ túi mật, có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.

1. Vị trí, vai trò của túi mật

Túi mật có hình quả lê, màu xanh, kích thước nhỏ, nằm ở mặt dưới thùy phải gan (khu vực hạ sườn phải). Khi căng đầy, túi mật dài khoảng 6 - 8cm và rộng 3cm. Túi mật thuộc đường dẫn mật ngoài gan, gồm 3 phần là cổ, thân và đáy.

Túi mật có vai trò dự trữ dịch mật được gan sản xuất ra. Dịch mật có nhiệm vụ giúp tiêu hóa chất béo và hỗ trợ cơ thể hấp thụ các vitamin, chất dinh dưỡng tan trong chất béo. Trong quá trình phân giải chất béo, túi mật làm nhiệm vụ tống đẩy, điều tiết lượng dịch mật đi qua tá tràng xuống ruột non để tiêu hóa thức ăn.

2. Sơ lược về bệnh viêm túi mật

Viêm túi mật là tình trạng túi mật bị viêm nhiễm (có thể do sỏi túi mật hoặc không). Viêm túi mật do sỏi chiếm tới 90% các trường hợp mắc bệnh. Khi các viên sỏi di chuyển, cọ xát với nhau sẽ làm tổn thương thành túi mật hoặc gây tắc nghẽn các ống dẫn mật. Tình trạng này làm ứ đọng dịch mật trong túi mật, khiến các hoạt chất hoặc vi khuẩn có trong dịch mật gây viêm túi mật.

Ngoài ra, viêm túi mật còn có thể gây ra bởi vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác gây viêm túi mật là khối u chèn ép đường dẫn mật, làm ứ đọng dòng chảy của dịch mật, dễ gây nhiễm trùng. Ở người cao tuổi, viêm túi mật có thể do chế độ ăn nhiều chất béo.

Khi túi mật bị viêm, biểu hiện điển hình là đau vùng hạ sườn phải xuyên ra sau lưng hoặc lên vai phải, đôi khi đau vùng thượng vị nên dễ nhầm lẫn với triệu chứng đau dạ dày - tá tràng. Khi bị đau, nếu bệnh nhân ăn hay uống thì cơn đau sẽ tăng do đường mật bị kích thích. Người bệnh cũng có thể bị sốt sau cơn đau vài tiếng. Các triệu chứng khác là vàng da, vàng mắt, lòng bàn tay, bàn chân,... Mức độ vàng da nhiều hay ít phụ thuộc vào mức độ tắc nghẽn dịch mật. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như chán ăn, buồn nôn và nôn ói,...


Hình ảnh mô phỏng tình trạng viêm túi mật
Hình ảnh mô phỏng tình trạng viêm túi mật

3. Thủng, vỡ túi mật do viêm túi mật

Viêm túi mật nếu để lâu dài, không điều trị có thể khiến túi mật bị tổn thương, không hoạt động hiệu quả, thậm chí dẫn tới những biến chứng nguy hiểm là:

  • Túi mật căng to: Nếu viêm túi mật hình thành do sự tích tụ dịch mật thì túi mật có thể bị căng ra và sưng lên vượt quá kích thước bình thường, gây đau, làm tăng nguy cơ vỡ túi mật, nhiễm khuẩn và hoại tử túi mật;
  • Nhiễm khuẩn: Trường hợp dịch mật bị tích tụ quá nhiều trong túi mật gây viêm túi mật sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu vào túi mật, có thể gây nhiễm khuẩn vào máu hoặc các bộ phận khác trên cơ thể;
  • Hoại tử: Nếu không điều trị, viêm túi mật có thể gây chết các mô trong túi mật;
  • Viêm thủng túi mật (túi mật vỡ): Là hệ quả của tình trạng túi mật căng to hoặc hoại tử túi mật. Trường hợp vết thủng không được phát hiện sớm, vùng bụng dễ bị nhiễm trùng, có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng bệnh nhân.

4. Lời khuyên của bác sĩ

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh viêm túi mật mà bác sĩ sẽ đề nghị hướng điều trị cụ thể để phòng ngừa biến chứng vỡ túi mật. Các lựa chọn điều trị cho bệnh nhân viêm túi mật như sau:

  • Điều trị nội khoa: Nghỉ ngơi, truyền dịch để cân bằng điện giải. Sau đó, dùng thuốc giảm đau, giãn cơ trơn và dùng kháng sinh phù hợp theo chỉ định của bác sĩ;
  • Điều trị ngoại khoa: Chỉ tiến hành mổ cấp cứu nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, kèm theo tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng hoặc có các biến chứng ngoại khoa như hoại tử túi mật, thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc. Hiện các bác sĩ thường áp dụng kỹ thuật phẫu thuật túi mật qua đường nội soi.

Hầu hết các trường hợp viêm túi mật đều do sỏi mật. Vì vậy, để giảm nguy cơ bị viêm túi mật dẫn tới thủng, vỡ túi mật, mỗi người cần có biện pháp phòng ngừa hình thành sỏi mật như sau:

  • Không được bỏ bữa hoặc ăn chay không đúng cách;
  • Chỉ nên ăn thịt trắng, hạn chế thịt đỏ, mỡ và nội tạng động vật. Với đạm thực vật như đậu, đỗ, bạn nên ăn dưới dạng nghiền nát hoặc ninh nhừ;
  • Tập thể dục thường xuyên, tối thiểu 30 phút/ngày để cải thiện sức khỏe, tránh nguy cơ mắc sỏi mật;
  • Nếu phải giảm cân, bạn nên giảm cân từ từ (khoảng 0,5 - 1kg/tuần) vì giảm cân quá nhanh có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật;
  • Duy trì trọng lượng khỏe mạnh vì tình trạng thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật. Do đó, bạn nên giảm số lượng calo mình ăn hằng ngày, kết hợp với tăng cường hoạt động thể chất;
  • Khám sức khỏe và tẩy giun định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ khi có bất thường tránh tình trạng vỡ túi mật
Người bệnh nên thăm khám với bác sĩ khi có bất thường tránh tình trạng vỡ túi mật


Bệnh viêm túi mật có thể gây biến chứng thủng, vỡ túi mật. Tuy nhiên, đây là căn bệnh có thể phát hiện sớm và điều trị triệt để. Vì vậy, nếu có triệu chứng viêm túi mật, bệnh nhân nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng gây nguy hại cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe