Quá trình điều trị viêm thực quản trào ngược có thể gặp một số sai lầm, từ đó dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, kéo dài thời gian chữa bệnh và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một trong những sai lầm phổ biến nhất là tự ý ngưng thuốc khi triệu chứng thuyên giảm hoặc sử dụng thuốc không đúng liều lượng.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Bác sĩ chuyên khoa I Đồng Xuân Hà - Khoa khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long
1. Viêm thực quản trào ngược và mức độ tổn thương do bệnh
Trào ngược dạ dày thực quản (GERD), một căn bệnh tiêu hóa phổ biến, có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Một trong những biến chứng đáng lo ngại nhất là viêm thực quản trào ngược. Đây là tình trạng niêm mạc thực quản bị viêm do tiếp xúc thường xuyên với dịch vị dạ dày trào ngược lên trên.
Viêm thực quản trào ngược có thể xảy ra ở bất kỳ ai, nhưng đặc biệt phổ biến ở những người có bệnh sử GERD, nam giới, người hút thuốc, phụ nữ mang thai và người béo phì.
Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, viêm thực quản trào ngược được chia thành 5 cấp độ, từ nhẹ đến nặng.
- Mức độ 0: Lượng axit trào ngược tương đối ít và diễn ra trong thời gian ngắn, vẫn chưa xuất hiện các tổn thương trên niêm mạc thực quản, vết viêm tại thực quản cũng chưa rõ ràng.
- Mức độ A: Dịch axit dạ dày trào ngược lên thực quản trong thời gian dài, niêm mạc thực quản bắt đầu xuất hiện các vết viêm niêm mạc và vết xước nhỏ.
- Mức độ B: Các vết xước > 5mm, niêm mạc thực quản bị phù nề nên ảnh hưởng đến hoạt động nuốt thức ăn.
- Mức độ C: Dưới 75% niêm mạc thực quản bị tổn thương, các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn
- Mức độ D: Hơn 75% niêm mạc thực quản bị tổn thương, nguy cơ hẹp thực quản và ung thư thực quản tăng cao. Bên cạnh đó, các triệu chứng của bệnh cũng trở nên đặc biệt nghiêm trọng, bệnh nhân cảm thấy buồn nôn, nôn mửa, khi nuốt có cảm giác vướng, đau và khó nuốt.
2. Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh
Các biểu hiện thường thấy của viêm thực quản trào ngược dạ dày bao gồm:
- Ợ nóng.
- Đau ở vùng thượng vị, ngay phía trên xương ức hoặc lưng.
- Ợ hơi.
- Ợ chua.
- Ho mãn tính kéo dài.
- Khàn giọng.
- Viêm xoang.
- Cảm giác vướng víu ở cổ họng.
- Khó nuốt.
- Giảm cân.
- Nôn ra máu.

Bác sĩ CKI Đồng Xuân Hà từ Bệnh viện Vinmec Hạ Long cho biết, có nhiều lý do dẫn đến tình trạng trào ngược dạ dày thực quản. Trong đó, nguyên nhân thường gặp nhất là do niêm mạc thực quản bị tổn thương do cơ thắt giữa thực quản và dạ dày không đóng kín. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác khác có thể bao gồm vi khuẩn HP và thói quen ăn uống không hợp lý.
3. Chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản
Để xác định viêm thực quản trào ngược dạ dày, bệnh nhân cần tiến hành một số xét nghiệm, bao gồm đo pH thực quản, đánh giá nhu động thực quản và thực hiện nội soi.
- Nội soi: Bằng cách đưa ống nội soi vào thực quản, bác sĩ có thể quan sát trực tiếp bên trong thực quản và lấy mẫu mô sinh thiết nếu phát hiện bất thường.
- Đánh giá nhu động thực quản: Bác sĩ sẽ đo vận động của thực quản bằng áp kế thực quản. Trong phương pháp này, bác sĩ sử dụng một ống mềm đưa vào thực quản để đo sức mạnh của cơ thực quản.
- Theo dõi độ pH: Thiết bị theo dõi độ pH sẽ giúp xác định mức độ axit dạ dày xâm nhập vào thực quản.
4. Sai lầm khi điều trị trào ngược dạ dày thực quản
Sau khi có kết quả chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, người bệnh cần tiến hành điều trị ngay lập tức. Để có kết quả tốt, bên cạnh việc làm theo các chỉ dẫn của bác sĩ, người bệnh cũng cần có sự quyết tâm và kiên trì. Nếu thiếu sự quyết tâm trong điều trị, bệnh viêm thực quản do trào ngược dạ dày sẽ không thể khỏi.
Có hai phương pháp chính để điều trị viêm thực quản trào ngược dạ dày, đó là sử dụng thuốc hoặc thực hiện phẫu thuật.
Hiện có nhiều loại thuốc chữa trào ngược dạ dày thực quản. Trong đó, thuốc ức chế bơm proton là loại thuốc thường được chỉ định bởi các bác sĩ. Thuốc này hoạt động bằng cách giảm lượng axit trong dạ dày, giúp làm dịu các triệu chứng viêm, hạn chế tình trạng trào ngược axit dạ dày lên thực quản.

Song song với việc dùng thuốc, bệnh nhân cần kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, giảm cân (nếu cần) và thay đổi lối sống. Cụ thể, bệnh nhân nên tránh các thực phẩm cay nóng, đồ uống có cồn, cà phê và chocolate. Ngoài ra, việc kê gối cao khi ngủ và không ăn quá no trước khi đi ngủ cũng rất quan trọng. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, phẫu thuật có thể là giải pháp cuối cùng.

Việc điều trị trào ngược dạ dày thực quản thường không đạt được kết quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân khác nhau. Những sai lầm phổ biến trong quá trình điều trị không chỉ khiến bệnh kéo dài mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra biến chứng nghiêm trọng như Barrett thực quản và ung thư thực quản.
- Chủ quan khi bệnh ở giai đoạn đầu: Nhiều người chủ quan khi các triệu chứng ban đầu của bệnh như ợ chua, ợ nóng xuất hiện với tần suất thấp. Họ thường cho rằng bệnh tình không đáng lo ngại và trì hoãn việc điều trị. Tuy nhiên, việc chậm trễ này sẽ khiến bệnh tiến triển nặng hơn, gây khó khăn cho quá trình điều trị sau này.
- Tự ngừng điều trị khi triệu chứng thuyên giảm: Sau khi sử dụng thuốc trong một thời gian ngắn, khi các triệu chứng như ợ chua, nóng rát cổ họng giảm đi, nhiều người lầm tưởng rằng bệnh đã khỏi và tự ý ngưng thuốc. Điều này không chỉ khiến bệnh tái phát mà còn tạo điều kiện cho cơ thể hình thành cơ chế kháng thuốc, gây khó khăn cho việc điều trị về sau.
- Tự chẩn đoán và điều trị tại nhà: Các triệu chứng của trào ngược dạ dày thực quản như ho, khó nuốt, tức ngực thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác như viêm họng, viêm phế quản, đau tim. Việc tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà không có chỉ định của bác sĩ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
- Bỏ qua chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh: Chế độ ăn uống và sinh hoạt đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị trào ngược dạ dày thực quản. Việc tiếp tục ăn uống các loại thực phẩm cay nóng, đồ uống có ga, rượu bia và hút thuốc lá sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
- Suy yếu cơ vòng thực quản: Việc trào ngược axit dạ dày lên thực quản thường xuyên sẽ làm suy yếu cơ vòng thực quản, khiến van thực quản trở nên lỏng lẻo. Điều này tạo điều kiện cho axit dạ dày dễ dàng trào ngược lên thực quản, gây tái phát bệnh.
Nhìn chung, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, tốt nhất là người bệnh viêm thực quản trào ngược nên đến bệnh viện để bác sĩ tiến hành khám và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.