Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
Viêm ruột hoại tử là một bệnh lý nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh. Trẻ có cân nặng lúc sinh càng nhẹ hay sinh càng non tháng thì nguy cơ mắc viêm ruột hoại tử càng cao, làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và cả tính mạng của trẻ.
1. Viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh là gì?
Viêm ruột hoại tử là một bệnh lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến cấu trúc lẫn chức năng đường ruột của trẻ sinh non. Bệnh thường xảy ra trong vòng 2 tuần đầu đời ở những trẻ được nuôi bằng sữa công thức thay vì sữa mẹ.
Về cơ chế bệnh sinh của viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào thành ruột và gây ra phản ứng viêm. Hệ quả sẽ làm cho cấu trúc niêm mạc ruột mất đi tính toàn vẹn và cho phép vi trùng từ bên trong đường ruột rò rỉ vào trong khoang bụng, vốn dĩ là một môi trường vô trùng. Nếu không được điều trị, viêm ruột hoại tử là một bệnh nguyên có thể dẫn đến viêm phúc mạc toàn bộ, nhiễm trùng ổ bụng, lan ra nhiễm trùng huyết và các biến chức nghiêm trọng khác, kể cả tử vong.
2. Nguyên nhân gây ra viêm ruột hoại tử trẻ sơ sinh là gì?
Cho đến nay, nguyên nhân thực sự gây ra viêm ruột hoại tử trẻ sơ sinh vẫn chưa được hiểu biết rõ. Có giả thiết cho rằng viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh có thể xảy ra nếu hệ thống tiêu hóa dưới không được cung cấp đủ máu và oxy. Theo đó, vi khuẩn từ môi trường bên trong khoang ruột sẽ tăng sinh gây bệnh, làm tổn thương niêm mạc ruột. Lúc này, các tế bào sẽ bị thoái hóa và hoại tử, thành ruột bị thủng và sự nhiễm khuẩn sẽ lan tràn vào trong ổ bụng.
Một giả thiết khác đã được đặt ra khi một số quan sát cho thấy viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh thường mắc phải ở những trẻ sinh non hơn là trẻ sinh đủ tháng. Đây là những trẻ có cấu trúc phổi và ruột chưa hoàn thiện, chức năng còn yếu và kém trưởng thành hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Chính điều đó có thể làm cho cơ thể trẻ không thể cung cấp đủ máu và oxy đến tận cùng từng tế bào ruột.
3. Những yếu tố nguy cơ có thể khiến cho trẻ sơ sinh mắc viêm ruột hoại tử?
Một điều khá may mắn là viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh cũng tương đối hiếm gặp. Bệnh chỉ ảnh hưởng đến 1 trong 2.000 đến 4.000 ca sinh sống. Mặc dù viêm ruột hoại tử có thể xảy ra ở bất kỳ em bé sơ sinh nào, bệnh sẽ có khuynh hướng mắc phải ở những trẻ sinh non có cân nặng dưới 1500 gam.
Ngoài ra, trẻ sinh ra cũng sẽ có thể bị viêm ruột hoại tử nếu có một số yếu tố nguy cơ sau, bao gồm:
- Sinh non: Trẻ sinh non sẽ có cơ thể chưa hoàn thiện hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Điều này có nghĩa là những trẻ này có thể gặp các khiếm khuyết trên con đường lưu thông máu và chuyên chở oxy. Bên cạnh đó, đường ruột của trẻ còn non nớt, chưa sẵn sàng chống đỡ nhiễm trùng nên sẽ làm tăng cơ hội mắc phải viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh.
- Nuôi bằng sữa công thức: Bất kỳ em bé sinh non nào cũng có nguy cơ mắc viêm ruột hoại tử. Tuy nhiên, khả năng sẽ tăng lên nếu những em bé này được nuôi dưỡng bằng sữa công thức mà không nhận được sữa mẹ. Bởi lẽ, sữa mẹ vốn là nguồn thức ăn tốt và thích hợp nhất cho trẻ sơ sinh, dễ tiêu hóa hơn, có chứa các chất giúp chống nhiễm trùng và giúp các tế bào ruột mau trưởng thành.
- Sinh khó hoặc nồng độ oxy thấp khi sinh ra: Những em bé chào đời sau một cuộc chuyển dạ kéo dài hoặc mức oxy thấp sau khi sinh ra sẽ có nhiều khả năng bị viêm ruột hoại tử. Vì khi có quá ít oxy, cơ thể sẽ ưu tiên đưa máu và oxy đến não và tim trước. Điều này sẽ càng làm giảm lưu lượng máu đến đường ruột, dẫn đến chuyển hóa yếm khí và dễ hoại tử.
- Các yếu tố nguy cơ khác: Ngoài các yếu tố kể trên, trẻ sơ sinh sẽ dễ mắc viêm ruột hoại tử nếu có tình trạng nhiễm trùng sẵn có trong đường ruột, có nồng độ hồng cầu đang lưu hành trong máu quá cao, trẻ sơ sinh đang bị bệnh nặng hoặc đã được truyền máu...
4. Các triệu chứng của viêm ruột hoại tử trẻ sơ sinh như thế nào?
Các triệu chứng của viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh có thể rất khác nhau ở mỗi trẻ em. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, trẻ sẽ có các dấu hiệu sau đây và sẽ thường diễn tiến nhanh trong hai tuần tuổi đầu đời:
- Quấy khóc liên tục
- Khó chịu, bứt rứt
- Bụng chướng hoặc đầy hơi
- Nhu động ruột giảm hay mất hẳn
- Thức ăn ứ trệ trong dạ dày
- Nôn ói ra dịch xanh từ dạ dày
- Nôn ra máu
- Khó thở
- Nhịp tim nhanh
5. Làm thế nào để chẩn đoán viêm ruột hoại tử trẻ sơ sinh?
Ngoài các triệu chứng kể trên - rất dễ lầm lẫn với các bệnh lý tại đường tiêu hóa khác hay trong các tổn thương đa cơ quan, viêm ruột hoại tử có thể chẩn đoán dựa trên X-quang bụng và làm một số xét nghiệm máu. Các xét nghiệm cận lâm sàng này rất phổ biến, dễ thực hiện ở mọi phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh.
Khi chụp X-quang ổ bụng, viêm ruột hoại tử sẽ cho thấy hình ảnh của những bọt khí li ti len lỏi trong thành ruột. Siêu âm bụng thấy các quai ruột chướng hơn và nhu động giảm, một số trường hợp thấy hơi trong tĩnh mạch cửa. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu cũng cho thấy các dấu hiệu của sự nhiễm trùng.
6. Các biện pháp điều trị viêm ruột hoại tử trẻ sơ sinh là gì?
Việc điều trị viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả tuổi của bé khi sinh non, sức khỏe tổng thể và những bệnh lý đi kèm khác.
Lúc này, bác sĩ sẽ xem xét thực hiện từng bước các xử lý như sau:
- Ngừng cho ăn qua đường miệng để đường ruột giảm bài tiết và nghỉ ngơi, mau chóng lành lặn trở lại.
- Đặt ống thông qua mũi và vào dạ dày để dẫn lưu dịch tiết dạ dày ra ngoài, giải phóng gánh nặng thể tích trong ổ bụng.
- Truyền dịch để đảm bảo năng lượng và cung cấp đầy đủ nước, điện giải.
- Chỉ định kháng sinh để chống nhiễm trùng.
- Chụp X-quang thường xuyên để theo dõi tình trạng chướng hơi, chậm tiêu.
- Cung cấp thêm oxy hoặc máy thở nếu bụng quá chướng và đe dọa hô hấp.
- Cách ly với những trẻ khác để ngăn chặn sự lây lan của viêm ruột hoại tử.
Sau khi các triệu chứng nêu trên thuyên giảm, chứng tỏ trẻ cải thiện tình trạng nhiễm trùng (thường sau 5 đến 7 ngày), bé có thể bắt đầu bú lại bằng đường miệng.
Ngược lại, nếu tình trạng không tốt hơn khi đã tích cực điều trị hoặc có biến chứng thủng ruột, trẻ sẽ cần phẫu thuật khẩn cấp. Qua việc mở ổ bụng, bác sĩ sẽ cô lập và loại bỏ đoạn ruột có lớp niêm mạc đã hoại tử, làm sạch toàn bộ khoang bụng.
Tóm lại, viêm ruột hoại tử ở trẻ sơ sinh là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ non tháng. Mặc dù chưa rõ nguyên nhân sinh bệnh, ở những trẻ dự báo có nguy cơ cao, cần tiến hành các biện pháp đề phòng viêm ruột hoại tử phổ quát ngay từ lúc sinh bằng cách nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ. Đồng thời, khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ kể trên, cần tích cực thăm khám và điều trị, cải thiện tiên lượng lâu dài.
Khoa nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phổi ở trẻ,... Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.