Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Mai Anh Kha - Bác sĩ ngoại Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng tuy không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng diễn biến bệnh kéo dài và gây ra hiện tượng cứng khớp vai làm hạn chế vận động, gây ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh.
Để hạn chế những tác động của bệnh viêm quanh khớp vai thể đông cứng, điều quan trọng nhất là phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng cách, nếu phát hiện muộn việc điều trị sẽ khó khăn, hiệu quả điều trị thường kém, khớp vai khó có khả năng trở về vận động như ban đầu.
1. Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai thể đông cứng
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng hay còn gọi là viêm quanh khớp vai thể đông đặc (Frozen shoulder) là bệnh với đặc trưng là đau và hạn chế vận động khớp vai. Đây là một thể bệnh thường gặp của bệnh viêm quanh khớp vai, mức độ phổ biến đứng hàng thứ hai sau viêm khớp vai thông thường.
Trong viêm khớp vai thể đông cứng, bao khớp và bao hoạt dịch bị viêm, các ổ viêm loét của bao hoạt dịch sẽ làm dính các nếp gấp của bao khớp làm chúng không tách ra được khi bao khớp cần dãn. Bao khớp trở nên dày, cứng do các ổ hoại tử và tế bào viêm xâm nhập. Bao khớp dần bó cứng chỏm khớp vai nên chỏm khớp vai không còn trượt lên ổ chảo được, khớp vai như bị đông cứng.
Hiện các nguyên nhân gây viêm khớp vai thể đông cứng chưa được làm rõ, các yếu tố nguy cơ của bệnh được báo cáo gồm:
- Giới tính: Bệnh xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới, tuổi mắc bệnh khoảng từ 40 - 60, hiếm khi gặp ở người trẻ.
- Người có tiền sử chấn thương khớp vai khớp vai phần cứng hoặc phần mềm đã hồi phục hoặc người đã từng bất động khớp vai trong một thời gian dài như bất động do gãy xương.
- Người vận động mạnh cánh tay liên tục trong nhiều tuần liên tiếp để chơi các môn thể thao như tennis, cầu lông,...
- Người làm các nghề thường gây rung khớp vai như lái xe ủi, xe đầm.
- Bệnh nhân bị đột quỵ não sẽ có tỉ lệ đông cứng vai bên liệt cao gấp 3 - 4 lần người bình thường. Trong khi đó, người bệnh đái tháo đường có tỉ lệ đông khớp cao gấp 5 - 6 lần người không bị đái tháo đường.
Các bệnh mãn tính khác như: viêm khớp dạng thấp, cường giáp, suy giáp, bệnh phổi mạn tính, bệnh đau thắt ngực,... Một số bệnh nhân mắc bệnh viêm quanh khớp thể đông đặc nhưng không xác định được các yếu tố nguy cơ, các trường hợp này có thể do sự rối loạn của hệ miễn dịch, do yếu tố nội tiết hoặc do rối loạn thần kinh sinh dưỡng vùng khớp vai.
2. Các triệu chứng của bệnh viêm quanh khớp vai thể đông đặc
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng thường diễn biến qua 3 giai đoạn là giai đoạn đau khớp vai, giai đoạn khớp vai đông cứng và giai đoạn tan đông.
Ở giai đoạn đau khớp vai, bệnh nhân bị đau khớp vai ban đầu nhẹ sau một vài tuần hoặc một vài tháng đau tăng dần, tình trạng đau kéo dài một vài tháng, đau cả khi nghỉ ngơi và đau nhiều về đêm. Ở giai đoạn này, chưa có hạn chế vận động khớp vai nhưng do đau, tầm vận động của khớp giảm dần, các động tác chải đầu, gãi lưng, đưa tay ra trước sau bị hạn chế.
Sau 6-8 tháng, bệnh chuyển sang giai đoạn khớp vai đông cứng. Lúc này, vận động của khớp vai đã giảm đến mức như bị đông cứng lại. Để thực hiện một vận động của cánh tay đều phải kéo theo cả vận động của xương bả vai bệnh nhân, khớp ổ chảo - cánh tay gần như không vận động. Bệnh nhân không thể cử động vai, không với tay lên hay với tay lấy đồ vật được. Tay có khớp vai đông cứng chức năng bị suy giảm nghiêm trọng. Khi khớp ngày càng đông cứng, triệu chứng đau giảm dần nhưng đau không mất hoàn toàn. Giai đoạn khớp vai đông cứng thường kéo dài từ hai đến sáu tháng.
Ở giai đoạn tan đông, khả năng vận động của khớp vai tăng dần nhưng tăng chậm chạp. Để khớp vận động lại bình thường phải mất từ một đến chín tháng, có khi kéo dài hàng năm. Tuy nhiên, khi khả năng vận động của vai tốt lên thì triệu chứng đau vai trở lại, đau không nhiều như trước nhưng kéo dài đến vài tháng sau khi khớp vai đã vận động bình thường.
3. Các biện pháp điều trị viêm quanh khớp thể đông đặc
Viêm quanh khớp thể đông đặc là một bệnh khó điều trị do bao khớp bị viêm dính, dày, xơ hóa dẫn đến mất chức năng khớp. Ngoài giảm đau kháng viêm cần kết hợp các biện pháp làm giãn bao khớp, phá dính giúp phục hồi chức năng khớp.
3.1. Điều trị bằng thuốc
Về dùng thuốc, trong thời gian đầu, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau Paracetamol, thuốc chống viêm NSAID đường uống hoặc đường tiêm, trong trường hợp đau nhiều trong giai đoạn đầu và giai đoạn tan đông có thể cân nhắc dùng thuốc Corticoid.
Giai đoạn đông khớp, có thể kết hợp corticoid với thuốc tê trong bơm áp lực, bơm vào ổ khớp để bóc tách các xơ dính. Khi bơm sẽ có cảm giác như bao khớp bị rách nhưng đó là các điểm dính được bóc tách. Vị trí tiêm ở mặt trước, phía dưới và ngoài mỏm quạ của khoang khớp vai. Nên tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm để vào đúng vị trí. Cần chú ý điều kiện vô khuẩn khi tiêm, nếu không vô khuẩn tốt sẽ dẫn đến biến chứng nhiễm khuẩn khớp vai.
3.2. Điều trị bằng vật lý trị liệu
Các thuốc giảm đau chống viêm chỉ giúp kiểm soát cơn đau và giảm viêm, để giải phóng các bao khớp bị dính, cứng và nâng tầm vận động của khớp vai, cần phải thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu. Đối với các bệnh nhân viêm quanh khớp vai thể đông đặc, vật lý trị liệu có vai trò quan trọng mà không phương pháp điều trị nào thay thế được, tập vật lý trị liệu sớm, thực hiện đúng kỹ thuật và kiên trì thì khớp mới có khả năng vận động được như ban đầu. Các phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng là:
- Sử dụng các phương pháp vật lý như sóng ngắn, sóng cực ngắn, bức xạ hồng ngoại, vi sóng, điện xung, điện di ion thuốc có tác dụng chống viêm và tăng tuần hoàn dinh dưỡng cho khớp vai.
- Thực hiện các bài tập chức năng như: bài tập con lắc, tập với dụng cụ,kéo nắn trị liệu bằng tay, tập theo tầm vận động khớp vai với các động tác gấp cánh tay ra trước, gấp cánh tay ra sau, xoay cánh tay,... giúp giãn bao khớp, phá các điểm dính khớp, làm tăng diện tích khớp từ đó nâng tầm vận động khớp vai. Mỗi ngày nên tập 2 lần, mỗi lần ít nhất là 30 phút đến 1 tiếng.
3.3. Điều trị can thiệp
Khi điều trị nội khoa không hiệu quả, chức năng khớp vai của bệnh nhân bị suy giảm nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định các điều trị can thiệp như:
3.3.1. Mổ nội soi khớp vai
Mổ nội soi khớp vai để bóc tách các chỗ dính, cắt gọt các gai xương, cắt đốt các dải xơ dính, các ổ viêm mạn của bao khớp. Tuy nhiên sau mổ, bệnh nhân vẫn phải tiếp tục tập phục hồi chức năng, nếu không bao khớp sẽ dính trở lại.
3.3.2. Kéo giãn khớp vai dưới gây tê thần kinh trên vai
Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc giảm viêm chống đau để giảm đau cho khớp vai trong một tuần sau đó được tiến hành gây tê và tiến hành kỹ thuật kéo bóc tách. Sau thực hiện thủ thuật, tiếp tục cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau chống viêm và tập vật lý trị liệu để bao khớp không bị dính trở lại.
Viêm quanh khớp vai thể đông cứng không phải là một bệnh lý nguy hiểm vì nếu không được điều trị bệnh vẫn có tiên lượng tốt. Tuy nhiên, thời gian để chức năng khớp vai trở lại như bình thường rất lâu, giai đoạn tan đông thường kéo dài từ sáu tháng đến hai năm, một số trường hợp có thể kéo dài hơn. Phát hiện và điều trị bệnh sớm có vai trò quan trọng, giúp rút ngắn diễn biến bệnh, khớp vai nhanh chóng được phục hồi. Nếu bệnh được điều trị ở giai đoạn đầu, việc phối hợp sử dụng thuốc và các bài tập vật lý trị liệu thường mang lại kết quả khả quan, bệnh nhân thường phục hồi sau 1-2 tháng điều trị. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn hai, việc điều trị sẽ khó khăn, thường cho kết quả kém.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.