Bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Câu hỏi được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Hỏi: Chào bác sĩ, bé nhà cháu được 8 tháng tuổi. Tuần trước, bé bị sốt cao, thở khò khè, bú ít đi và rất hay quấy khóc. Cháu có cho bé đi khám và được chẩn đoán là bị viêm phổi phải nằm ở viện điều trị mấy ngày. Vậy cho cháu hỏi viêm phổi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không? Cảm ơn bác sĩ.

Chị Nguyễn Thị Mai (30 tuổi, Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nôi)

Trả lời:

Viêm phổi là bệnh dễ mắc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hay gặp nhất ở trẻ dưới 3 tuổi (trên 80%), trong đó dưới 12 tháng là 65%.

Viêm phổi là tình trạng phổi bị tổn thương do sự tấn công của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm... Chúng sinh sôi, nảy nở và tạo nên những ổ nhiễm khuẩn ở trong phổi. Có 4 loại viêm phổi: Viêm phổi thùy, viêm phổi tiểu thùy, viêm phế quản và áp xe phổi.


Viêm phổi là tình trạng phổi bị tổn thương do sự tấn công của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm
Viêm phổi là tình trạng phổi bị tổn thương do sự tấn công của vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, nấm

Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ sơ sinh

  • Virus là nguyên nhân gây ra 80-85% trường hợp viêm phổi ở trẻ sơ sinh, có thể thành dịch lây lan xảy ra theo mùa.
  • Vi khuẩn: S. pneumoniae, Hemophilus influenzae, S. aureus...
  • Trẻ hít phải nước ối, phân su trong quá trình sinh khiến trẻ bị nhiễm một số vi khuẩn H.Influenza, S.pneumonia, Cytomegalovirus, Klebsiella,...
  • Trẻ đẻ non, thiếu cân nên hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện nên hay bị trào ngược dạ dày thực quản cũng gây viêm phổi
  • Khi bú mẹ, trẻ hay bị nôn, trớ, sữa sẽ đi theo đường thở vào phổi. Lượng sữa bị hít vào càng nhiều thì khả năng gây viêm phổi càng cao
  • Trẻ mắc các bệnh viêm da, viêm dây rốn cũng có thể gây viêm phổi
  • Trẻ có thể bị nhiễm khuẩn từ các dụng cụ và môi trường nếu không vô trùng trong khi đỡ đẻ, hồi sức và chăm sóc sau đẻ
  • Môi trường sống của trẻ kém vệ sinh: nguồn nước bẩn, không khí ô nhiễm, khói thuốc lá,...
  • Không được ủ ấm hoặc ủ ấm quá kỹ làm toát mồ hôi và không được lau khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh cũng gây viêm phổi
  • Không biết cách chăm sóc trẻ, trẻ không được tiêm phòng đầy đủ
  • Thời tiết thay đổi đột ngột.

Viêm phổi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không

Nếu trẻ bị viêm phổi mà được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì không có gì đáng lo ngại. Ngược lại, nếu không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng. Vì vậy, khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào thì bạn nên cho trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

Một số biến chứng của viêm phổi

Viêm màng não

Khi viêm phổi chuyển nặng, các loại vi khuẩn tấn công mạnh mà cơ thể bé không đủ sức đề kháng để chống cự.

Nếu để lâu, bệnh có thể để lại những di chứng không thể phục hồi: rối loạn thần kinh, tổn thương não vĩnh viễn, bị mù, điếc, giảm khả năng vận động...

Nhiễm trùng máu

Vi khuẩn có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn gây nhiễm trùng máu và biến chứng sốc nhiễm trùng. Nếu bé không được điều trị sớm có thể dẫn đến tử vong.

Tràn mủ màng phổi

Đây là biến chứng nguy hiểm khiến trẻ hô hấp khó khăn, bạch cầu trong máu tăng cao và bắt đầu xuất hiện tình trạng kháng thuốc.

Tràn dịch màng tim, trụy tim

Khi bị viêm phổi, trẻ cũng có thể bị tràn dịch màng tim, trụy tim, nhiễm trùng máu do kháng thuốc, sốc thuốc

Kháng kháng sinh

Nếu bé mắc phải biến chứng này sẽ rất khó điều trị. Khi đó phải phối hợp nhiều loại kháng sinh để điều trị, chi phí tốn kém và khả năng khỏi bệnh sẽ thấp hơn.

Còi xương, kém phát triển

Trẻ biếng ăn, ăn không ngon sẽ dẫn đến còi xương, suy dinh dưỡng, suy giảm hệ miễn dịch

Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi để trẻ sớm phục hồi và lại sức nhanh

  • Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa. Cho trẻ bú sữa mẹ để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và tăng cường khả năng miễn dịch
  • Có thể cho trẻ ăn thành nhiều bữa, cho trẻ uống nhiều nước để làm lỏng đờm
  • Cho trẻ nghỉ ngơi ở nơi yên tĩnh, nằm gối đầu cao một chút hoặc nằm ngửa ngồi, thường xuyên thay đổi tư thế để giảm ứ máu ở phổi
  • Giữ ấm trẻ đúng cách, không mặc quần áo chật, kín
  • Nơi sinh sống của trẻ phải đảm bảo đầy đủ ánh sáng, thoáng mát. Tránh nơi ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc, nơi có người bị bệnh...
  • Giữ vệ sinh cho trẻ, trước và sau khi chăm sóc cho trẻ phải rửa tay bằng xà phòng. Đồ dùng, dụng cụ chăm sóc trẻ: cốc, thìa, chăn, áo, tã...phải sạch, khô, vô trùng.
  • Trước khi cho trẻ ăn, nên làm vệ sinh mũi cho bé bằng nước muối sinh lý để trẻ thông thoáng đường thở, trẻ không bị sặc.
  • Đưa trẻ đi khám định kỳ và lưu giữ sổ khám bệnh để bác sĩ có thể theo dõi được tình hình bệnh của trẻ để có phương pháp điều trị phù hợp.
  • Hạ sốt cho trẻ: lau người bằng khăn ấm cho trẻ. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
  • Vỗ rung cho trẻ để giúp long đờm: Cha mẹ có thể thực hiện trước ăn hoặc sau ăn 1 giờ

Cách làm: Khum bàn tay của bạn lại, giữ ngón cái ép vào ngón trỏ. Vỗ đằng sau lưng trẻ vùng phổi, vỗ bên trái rồi sang bên phải, mỗi bên khoảng 3-5 phút.


Cách làm vỗ rung cho trẻ để giúp long đờm
Cách làm vỗ rung cho trẻ để giúp long đờm

Hy vọng thông qua bài viết này đã giải đáp được thắc mắc của bạn: viêm phổi ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không, cũng như cách chăm sóc cho trẻ bị viêm phổi. Chúc bé nhà bạn mau khỏi bệnh.

Khoa Nhi tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ tiếp nhận và thăm khám các bệnh lý mà trẻ sơ sinh cũng như trẻ nhỏ dễ mắc phải: Sốt virus, sốt vi khuẩn, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi ở trẻ,....Với trang thiết bị hiện đại, không gian vô trùng, giảm thiểu tối đa tác động cũng như nguy cơ lây lan bệnh. Cùng với đó là sự tận tâm từ các bác sĩ giàu kinh nghiệm chuyên môn với các bệnh nhi, giúp việc thăm khám không còn là nỗi trăn trở của các bậc cha mẹ. Để đăng ký thăm khám cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể đặt hẹn trên website để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe