Nâng mũi hiện là phẫu thuật thẩm mỹ được nhiều chị em quan tâm. Nâng mũi giúp cải thiện dáng mũi trở nên đẹp phù hợp với gương mặt. Tuy nhiên, khi đang gặp một số vấn đề về hô hấp như viêm xoang, viêm mũi dị ứng thì có nên thực hiện nâng mũi không?
1. Có nên nâng mũi khi bị viêm mũi dị ứng?
Xoang mũi được định nghĩa là các hốc rỗng nằm trong xương đầu mặt. Cơ quan này tương đối nhạy cảm với bụi bẩn và sự xâm nhập của vi khuẩn. Tùy thuộc vào các vị trí nằm trên xương đầu mặt mà có nhiều xoang khác nhau như xoang trán, xoang sàng, xoang hàm, xoang bướm.
Nâng mũi là phẫu thuật tạo dáng mũi dùng chất độn. Mục đích của phương pháp làm đẹp này nhằm tác động, làm biến đổi dáng mũi theo ý muốn và độ cao phù hợp với nhu cầu chủ thể. Chất độn nâng mũi được đặt trên phần xương chính và dưới da mũi mà không tác động vào xoang. Vì vậy, nâng mũi sẽ không ảnh hưởng tới bệnh xoang mũi hay bất cứ vấn đề gì về sức khỏe. Bạn hoàn toàn có thể yên tâm lựa chọn dáng mũi phù hợp.
2. Những trường hợp bị viêm mũi dị ứng không nên nâng mũi
Viêm mũi dị ứng có nên nâng mũi? hiện là thắc mắc của không ít người đang có ý định phẫu thuật nâng mũi. Khi bị viêm mũi dị ứng bạn hoàn toàn có thể nâng mũi, tuy nhiên chống chỉ định tuyệt đối với một số trường hợp sau.
- Bệnh viêm mũi đang diễn biến nặng và phức tạp như chảy máu mũi, mưng mủ, thì không nên thực hiện phẫu thuật. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa điều trị cho bệnh thuyên giảm và ổn định sau đó mới thực hiện nâng mũi
- Phụ nữ có thai, đang cho con bú: Thông thường sau khi phẫu thuật bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để đảm bảo cho quá trình hồi phục vết mổ. Những loại thuốc này có bao gồm thuốc kháng sinh có thể không tốt cho sức khỏe và làm mất sức ở phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
- Người đang mắc các bệnh về tim mạch, máu khó đông: Những trường hợp này thường gặp rủi ro cao trong quá trình phẫu thuật do chảy máu nhiều và khó cầm máu.
- Người đang trong quá trình điều trị bệnh tâm thần: Bị viêm mũi dị ứng nâng mũi sẽ không ảnh hưởng đến hệ tâm thần. Tuy nhiên với những người đang mắc vấn đề về tâm thần thì không nên nâng mũi.
3. Ảnh hưởng của nâng mũi khi bị viêm mũi dị ứng
Vậy nâng mũi có ảnh hưởng gì đến bệnh viêm mũi dị ứng không? Câu trả lời là có, tuy nhiên tác động rất ít. Ảnh hưởng là sự khó chịu mà miếng độn mũi gây ra. Do bản chất miếng độn là vật liệu silicon bên ngoài đưa vào nên ít nhiều sẽ gây ra cảm giác khó chịu ban đầu. Đặc biệt, với những miếng độn có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, chất liệu kém chất lượng sẽ có thể gây hại tới sức khỏe cho bạn.
4. Lưu ý về nâng mũi khi bị viêm mũi dị ứng
Trước khi nâng mũi, bạn cần chú ý một số điểm như sau:
- Tìm kiếm những cơ sở y tế uy tín để thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh viêm mũi dị ứng.
- Tìm hiểu những chỉ định của bác sĩ xem liệu có nên nâng mũi hay không.
- Không nên quá ham rẻ mà chọn loại silicon độn mũi kém chất lượng.
Đối với chế độ chăm sóc thì người bị viêm mũi dị ứng nâng mũi cần phải khoa học và cẩn thận. Do đây là yếu tố quan trọng để giúp kết quả nâng mũi có thành công như mong đợi, đảm bảo an toàn tuyệt đối hay không.
- Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, động tác nhẹ nhàng và chú ý luôn giữ vết thương trong tình trạng khô ráo.
- Trong những ngày đầu nên chườm đá để giúp giảm sưng và làm mờ các vết bầm tím do tác động trong lúc phẫu thuật.
- Hạn chế tối đa việc vận động mạnh tác động đến mũi.
- Không xịt mũi và khịt mũi mạnh làm cho vết thương khó lành, thậm chí là chảy máu. Khi khịt mũi bạn nên há to miệng, để hạn chế tác động lên vết thương.
- Bổ sung cho cơ thể những chất dinh dưỡng giàu calo và protein giúp tái tạo mô và thực phẩm giàu vitamin A hỗ trợ trong việc làm mờ vết mổ
- Kiêng sử dụng những thực phẩm lên men như: dưa, giá, cà muối,... thực phẩm gây sẹo như rau muống, hải sản, thịt gà, trứng,...thực phẩm có tính kích thích như: hành, tỏi, ớt, rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
- Thực hiện uống thuốc đúng thời gian và liều lượng như bác sĩ đã kê đơn.
- Khi phát hiện các dấu hiệu bất thường từ mũi, hãy đến gặp bác sĩ để thăm khám ngay.
- Tái khám thường xuyên, theo lịch hẹn của bác sĩ để nắm bắt được tình hình thực tế. Từ đó, các bác sĩ có thể đưa ra giải pháp chăm sóc cho phù hợp.
- Nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường để hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và giữ ấm cho mũi.
Trên đây là những thông tin quan trọng lý giải cho việc viêm mũi dị ứng có nâng mũi được không? Bạn có thể tham khảo và tốt nhất nên trao đổi cùng với bác sĩ chuyên môn về tình trạng sức khỏe hiện tại của bản thân trước khi có ý định nâng mũi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.