Thiếu máu là một bất thường huyết học hay được phát hiện kèm theo trong bệnh cảnh viêm khớp dạng thấp. Bất kỳ bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nào cũng cần được theo dõi các triệu chứng thiếu máu để trao đổi với bác sĩ. Phát hiện và điều trị sớm thiếu máu viêm khớp dạng thấp giúp cải thiện sức khỏe của người bệnh và hạn chế xuất hiện thêm nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
1. Bệnh viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp (tên tiếng anh là rheumatoid arthritis) là một bệnh lý tự miễn ảnh hưởng đến các khớp và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Ở những bệnh nhân mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch của cơ thể có sai sót trong việc nhìn nhận các mô tế bào bình thường thành các tác nhân lạ, có hại cho cơ thể người. Điều này khiến các thành phần của hệ miễn dịch tấn công và phá hủy các mô tế bào lót bên trong khớp. Triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân phải đối diện là sưng, đau và cứng các khớp. Tương tự, sự sai lệch trong hoạt động của hệ miễn dịch cũng gây viêm và phá hủy các cơ quan khác như tim, phổi, mạch máu và mắt.
2. Thiếu máu là gì?
Thiếu máu (tên tiếng anh là anemia) là một bất thường huyết học xảy ra khi tủy xương không sản xuất đủ số lượng tế bào hồng cầu mà cơ thể cần. Hồng cầu là một trong ba loại tế bào máu, có nhiệm vụ mang oxy đi khắp cơ thể. Khi có sự thiếu hụt hồng cầu trong máu, cơ thể thiếu oxy để hoạt động một cách có hiệu quả. Thiếu máu cũng có thể xuất hiện khi hemoglobin được sản xuất ít. Đây là loại protein giàu sắt có trong hồng cầu, và giúp hồng cầu có khả năng vận chuyển oxy.
3. Tại sao viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu ?
Viêm khớp dạng thấp có liên quan đến nhiều dạng thiếu máu khác nhau, bao gồm thiếu máu mãn tính do viêm và thiếu máuthiếu sắt, gọi chung là thiếu máu viêm khớp dạng thấp.
Khi bệnh ở giai đoạn hoạt động, sự tấn công của hệ miễn dịch gây viêm tại khớp và nhiều cơ quan khác trong cơ thể. Quá trình viêm mãn tính có thể làm giảm sự sản xuất của các tế bào hồng cầu trong tủy xương. Điều này dẫn đến việc tăng giải phóng các protein liên quan đến việc sử dụng sắt của cơ thể.
Tình trạng viêm cũng ảnh hưởng đến việc sản xuất erythropoietin từ thận và gan, một loại hóc môn kiểm soát sự sản xuất hồng cầu.
Thiếu máu viêm khớp dạng thấp còn có thể là tác dụng không mong muốn của việc sử dụng các thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp. Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) như ibuprofen, naproxen, meloxicam có tác dụng giảm đau, có thể gây loét chảy máu và viêm tại dạ dày và các vị trí khác trong đường tiêu hóa. Nếu bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thiếu máu nặng, truyền máu có thể được chỉ định, giúp cải thiện số lượng hồng cầu cũng như hàm lượng sắt bên trong cơ thể. Nhóm thuốc NSAID còn có thể phá hủy nhu mô gan, nơi sắt từ thức ăn được dự trữ và giải phòng vào tuần hoàn khi cần. Nhóm thuốc DMARD giúp làm chậm tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có ảnh hưởng đến gan và gây thiếu máu. Bệnh nhân thiếu máu viêm khớp dạng thấp sẽ được yêu cầu lấy máu làm xét nghiệm thường xuyên để kiểm tra và đánh giá.
4. Chẩn đoán thiếu máu viêm khớp dạng thấp
Để bắt đầu chẩn đoán thiếu máu viêm khớp dạng thấp, bác sĩ sẽ khai thác các thông tin liên quan đến tiền sử bệnh tật của bệnh nhân và các triệu chứng của họ. Thiếu máu ở mức độ nhẹ sẽ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào trên lâm sàng. Tuy nhiên, nếu số lượng hồng cầu giảm sút đáng kể và ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy trong cơ thể, người bệnh sẽ có các biểu hiện như thay đổi nhịp tim, chóng mặt, mệt mỏi, rụng tóc, đau đầu và khó thở. Bệnh nhân mắc viêm khớp dạng thấp rất dễ bỏ sót tình trạng thiếu máu bởi các triệu chứng thiếu máu chồng lắp với các triệu chứng sẵn có của bệnh viêm khớp.
Nếu nghi ngờ có thiếu máu, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm tiếp theo để chẩn đoán và đánh giá mức độ thiếu máu. Xét nghiệm công thức máu tổng quát là phương tiện cơ bản nhất có vai trò phát hiện nồng độ thấp hemoglobin trong máu để chẩn đoán thiếu máu. Một số xét nghiệm khác cũng được chỉ định để tìm kiếm nguyên nhân thiếu máu, bao gồm nồng độ sắt huyết thanh, ferritin, định lượng axit folic và vitamin B12. Tổng hợp những thông tin từ các xét nghiệm này có thể giúp cho bác sĩ hiểu được nguyên nhân gây thiếu máu ở người bệnh, cũng như phân loại thiếu máu.
5. Điều trị thiếu máu viêm khớp dạng thấp
Lựa chọn phương pháp điều trị thiếu máu viêm khớp dạng thấp phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Phương pháp điều trị đặc hiệu nhất cho tình trạng thiếu máu viêm khớp dạng thấp là tiếp tục điều trị tốt bệnh viêm khớp dạng thấp để giảm tình trạng viêm bên trong cơ thể người bệnh, nguyên nhân chính gây thiếu máu. Nhóm thuốc DMARD có thể làm hạn chế phản ứng viêm bên trong cơ thể, giúp cải thiện các triệu chứng thiếu máu.
Những bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt phát hiện bằng xét nghiệm nên được bổ sung các viên uống chứa sắt hoặc truyền sắt, tuy nhiên quá nhiều sắt sẽ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Với thiếu máu hồng cầu to, bổ sung axit folic và vitamin B12 là phương án điều trị phù hợp.
Erythropoietin (EPO) có thể được sử dụng để kích thích tủy xương sản xuất nhiều hơn các tế bào hồng cầu trong máu. Năm 2013, các nhà nghiên cứu đã quan sát 3 thử nghiệm lâm sàng cung cấp EPO cho bệnh nhân viêm khớp dạng thấp có thiếu máu. Kết quả cho thấy việc tiêm EPO giúp tăng nồng độ hemoglobin ở 2 trong 3 thử nghiệm nói trên. Tuy nhiên, những thử nghiệm này được tiến hành với quy mô nhỏ và thiếu hụt các thông tin về sự an toàn.
Điều trị thiếu máu ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp nên được thực hiện càng sớm càng tố. Sự thiếu hụt oxy trong máu khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể. Thiếu máu không điều trị có thể dẫn đến loạn nhịp tim, suy tim, hoặc nặng hơn là nhồi máu cơ tim.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, trong đó có thăm khám điều trị các bệnh lý tự miễn, bệnh cơ xương khớp,... Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.