Viêm khớp: Các chỉ định chẩn đoán hình ảnh thường gặp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS, BS. Đặng Mạnh Cường - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có trên 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực siêu âm – chẩn đoán hình ảnh.

Viêm khớp là tình trạng khớp bị viêm, 2 loại phổ biến nhất là viêm xương khớp (còn được gọi là bệnh thoái hóa khớp) và viêm khớp dạng thấp (RA). Viêm xương khớp có thể xảy ra do lão hóa, hoặc sau chấn thương khác tác động đến khớp. RA là một bệnh tự miễn thường xảy ra ở người trẻ tuổi, đây là sự tự vệ của cơ thể tấn công niêm mạc khớp.

Bác sĩ có thể sẽ tiến hành một số phương pháp xét nghiệm hình ảnh, bao gồm X-quang xương, CT, MRI hoặc siêu âm để chẩn đoán viêm khớp. Điều trị sẽ phụ thuộc vào loại, mức độ nghiêm trọng và vị trí của viêm khớp và có thể bao gồm thuốc, trị liệu hoặc phẫu thuật.

1. Viêm khớp là gì?

Viêm khớp là tình trạng viêm ở một hoặc nhiều khớp trong cơ thể. Khớp là khu vực nơi hai hoặc nhiều xương tiếp xúc và di chuyển với nhau. Nguyên nhân cơ bản khác nhau với các loại viêm khớp cụ thể. Có hơn 100 dạng viêm khớp với hai dạng phổ biến nhất là viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp.

Viêm xương khớp còn được gọi là bệnh thoái hóa khớp, một phần là do thoái hóa các bộ phận của khớp như sụn và tăng theo tuổi. Sự hao mòn ngày càng tăng trên các bộ phận của khớp bị ảnh hưởng có thể dẫn đến viêm phản ứng. Viêm khớp dạng thấp (RA), là một bệnh tự miễn, sự phòng thủ của cơ thể tấn công lớp lót khớp bình thường. Đối với loại viêm khớp này, viêm ở niêm mạc khớp và trong xương dẫn đến tổn thương khớp, đặc biệt là sụn. Các nguyên nhân gây viêm khớp phổ biến khác bao gồm chấn thương, liên kết chân tay bất thường, nhiễm trùng, các tình trạng tự miễn dịch khác với viêm khớp dạng thấp và tình trạng bất thường ở khớp, chẳng hạn như bệnh gút.

Viêm khớp gây ảnh hưởng đến hơn 40 triệu người ở Hoa Kỳ. Hơn một nửa số người mắc bệnh thoái hóa khớp. Gần 60 phần trăm những người bị ảnh hưởng bởi viêm khớp là phụ nữ. Trong khi viêm khớp chủ yếu xảy ra ở người lớn, trẻ em có thể có nguy cơ mắc một số loại viêm khớp như những bệnh gây ra do chấn thương và các bệnh tự miễn.

Mặc dù bất kỳ khớp nào trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng, các dạng viêm khớp đặc biệt có xu hướng xảy ra ở một số bộ phận của cơ thể. Ví dụ, viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến cổ tay và đốt ngón tay, bàn chân, cổ và các khớp lớn hơn ở các chi trong khi bệnh thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến các ngón tay cái, khớp ngón tay, đầu gối, hông, vai và cột sống dưới. Các dạng viêm khớp khác chủ yếu nhằm vào các khớp ở cột sống.


Viêm xương khớp còn được gọi là bệnh thoái hóa khớp
Viêm xương khớp còn được gọi là bệnh thoái hóa khớp

Các triệu chứng của viêm khớp bao gồm:

  • Đau khớp, cứng khớp hoặc sưng sưng có thể xảy ra vào buổi sáng hoặc sau các hoạt động
  • Phạm vi chuyển động hạn chế ở khớp hoặc cột sống
  • Đau và đỏ da xung quanh khớp
  • Viêm khớp kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, suy nhược
  • Trong đợt bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể không sốt hoặc sốt nhẹ
  • Cứng khớp buổi sáng có thể kéo dài hơn 1 giờ
  • Tình trạng đau sưng khớp kéo dài liên tục cả ngày, đêm và gần sáng tăng lên, không đỡ đau khi nghỉ ngơi.
  • Triệu chứng phổ biến nhất chính là đau nhức khó chịu, có thể gây ảnh hưởng đến một hoặc nhiều bộ phận với các trường hợp viêm đa khớp hoặc bệnh tiến triển nghiêm trọng trong cơ thể.

2. Các chỉ định chẩn đoán hình ảnh thường gặp trong viêm khớp

Khi chẩn đoán viêm khớp, bác sĩ tiến hành kiểm tra toàn bộ cơ thể bạn, bao gồm cột sống, khớp, da và mắt. Bạn có thể trải qua một số các xét nghiệm máu để phát hiện các dấu hiệu viêm. Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm trùng hoặc bệnh gút, bác sĩ sẽ tiến hành lấy một ít chất dịch từ khớp bằng kim để phân tích tình trạng của xương. Ngoài ra, để chẩn đoán và đánh giá viêm khớp, bác sĩ thường chỉ định thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau :

  • X- quang xương : X - quang sử dụng liều phóng xạ thấp để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong. X-quang cho thấy xương và cách chúng tương tác với nhau tại khớp. X- quang rất hữu ích để đánh giá lượng sụn ở đầu xương, biến dạng và tình trạng tiềm ẩn trong xương có thể dẫn đến viêm khớp và thay đổi xương có thể bị tổn thương do viêm khớp.
  • Chụp cắt lớp (chụp CT): Quét CT kết hợp thiết bị X-quang đặc biệt với các máy tính tinh vi để tạo ra nhiều hình ảnh bên trong cơ thể. Đối với những người bị viêm khớp, CT thường được sử dụng để kiểm tra các khớp nằm sâu trong cơ thể và khó đánh giá bằng X-quang thông thường, đặc biệt là ở cột sống hoặc xương chậu.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) xương khớp: MRI sử dụng từ trường mạnh, xung tần số vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết của cơ thể. Ưu điểm của MRI là nó cho thấy cả xương và các mô xung quanh - bao gồm sụn, dây chằng và lớp lót bên trong của khớp. MRI thường được sử dụng để phát hiện những bất thường trong các thành phần mô mềm của khớp (không nhìn thấy trên tia X) để xác định liệu điều trị có hiệu quả và tìm kiếm các biến chứng bệnh.
  • Siêu âm cơ xương khớp: Siêu âm sử dụng đầu dò nhỏ và gel để tạo ra hình ảnh của cơ thể từ sóng âm tần số cao. Phương pháp này có thể cung cấp hình ảnh chi tiết của các khớp và các mô mềm xung quanh, chủ yếu là các mô nằm gần bề mặt da.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện xét nghiệm máu nhằm tìm kiếm sự hiện diện của một số kháng thể như anti-CCP, yếu tố dạng thấp (RF), kháng thể kháng nhân (ANA)...Dựa vào đó, các chuyên gia có thể đưa ra kết luận loại viêm khớp mà bạn mắc phải.


Có thể xét nghệm máu theo chỉ định của bác sĩ nhằm chẩn đoán viêm khớp
Có thể xét nghệm máu theo chỉ định của bác sĩ nhằm chẩn đoán viêm khớp

3. Điều trị viêm khớp

Mục đích của việc điều trị viêm khớp là kiểm soát quá trình viêm khớp, bảo vệ chức năng khớp, phòng ngừa phá hủy khớp đồng thời giảm thiểu tối đa các triệu chứng và nâng cao chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị viêm khớp bao gồm sử dụng thuốc, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, phẫu thuật.

  • Thuốc

Ngay từ giai đoạn đầu của bệnh nên sử dụng kết hợp nhiều nhóm thuốc, bao gồm thuốc điều trị triệu chứng như thuốc chống viêm, thuốc giảm đau và thuốc DMARD’s. Có thể phải duy trì nhiều năm các thuốc điều trị, thậm chí phải dùng thuốc suốt đời dựa trên nguyên tắc số nhóm thuốc và liều thuốc tối thiểu có hiệu quả. Trong đợt bệnh tiến triển, sẽ sử dụng thêm corticoid. Sử dụng thuốc DMARD’s với phác đồ thường dùng đem lại hiệu quả, ít tác dụng ngoài mong muốn, đơn giản, rẻ tiền nhất ở nước ta là methotrexate phối hợp với thuốc chống sốt rét tổng hợp trong năm năm đầu và sau đó là methotrexat đơn độc. Cần điều trị tích cực ngày từ đầu và xem xét chỉ định dùng các thuốc DMARD's sinh học sớm (có kết hợp với methotrexat nếu không có chống chỉ định) trong các trường hợp có yếu tố tiên lượng nặng (Nồng độ RF và /hoặc Anti-CCP cao, mức độ hoạt động bệnh nặng, tình trạng hủy khớp).

Thuốc điều trị triệu chứng bệnh: glucocorticoid hoặc thuốc chống viêm không steroid tùy theo mức độ hoạt động của bệnh, bạ có thể chọn một trong hai loại thuốc chống viêm. Do bệnh nhân phải dùng dài ngày, cần ưu tiên các thuốc chống viêm không steroid loại ức chế chọn lọc COX 2, lưu ý các chống chỉ định và cách phòng tránh tác dụng không mong muốn. Lưu ý, luôn bổ sung thuốc giảm đau (ví dụ nhóm paracetamol hoặc kết hợp). Đối với những trường hợp cần tiêm nội khớp, nên tiêm dưới hướng dẫn của siêu âm (khớp vai, háng) với các khớp ở sâu và cần kết hợp điều trị cơ bản bệnh.

Thuốc điều trị bệnh: Sử dụng các loại thuốc chống thấp tác dụng chậm - Disease Modifying Anti-Rheumatism Drugs (DMARDs). Methotrexat (MTX), thuốc chống sốt rét tổng hợp (Hydroxychloroquine), Sulfasalazine (Salazopyrine), Leflunomid, Cyclosporin A... là các thuốc DMARDs kinh điển. Trong đó, Methotrexat đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định bệnh. Bạn uống MTX vào một ngày cố định trong tuần với liều lượng tối thiểu của tác dụng của MTX là 7,5mg/ tuần và liều tối đa là 20-25mg/ tuần. Chú ý cách bổ sung acid folic đủ khi đang sử dụng MTX, cách thời gian dùng MTX tối thiểu 24h để tránh giảm tác dụng của thuốc. Song, nhiều trường hợp vẫn không thể kiểm soát được bệnh, nhất là đối với các bệnh nhân có yếu tô tiên lượng nặng.

Do đạt được hiệu quả và tính an toàn, các thuốc DMARDs sinh học (Biological Therapy; Biotherapy) được đưa vào chỉ định trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Hiện nay, các thuốc điều trị sinh học đã tạo ra cuộc cách mạng trong việc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp nhờ hiệu quả cao, tác dụng nhanh và dung nạp tốt dựa trên cơ sở sự hiểu biết về cơ chế bệnh sinh của bệnh, về chức năng của mỗi tế bào.


Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp theo chỉ định của bác sĩ
Sử dụng thuốc điều trị viêm khớp theo chỉ định của bác sĩ

Tại Việt Nam, hiện có một số thuốc thuộc nhóm này đã được sử dụng. Bên cạnh việc cải thiện triệu chứng tại khớp và triệu chứng ngoài khớp trên lâm sàng, thuốc còn hạn chế tổn thương trên X quang làm chậm sự hủy khớp từ đó bảo tồn chức năng khớp. Các thuốc ức chế thuộc nhóm này, bao gồm Interleukin 6 như Tocilizumab (Actemra®), thuốc ức chế TNFα (Infliximab - Remicade, Adalimumab - Humira), thuốc ức chế tế bào B (Rituximab: MabThera®, Rituxan ®), thuốc ức chế JAK (tofacitinib)...

Lao và các nhiễm khuẩn cơ hội, nhiễm virus, đặc biệt là virus viêm gan B, C, ung thư là những tác dụng không mong muốn đáng ngại nhất của các thuốc này. Vì vậy, bắt buộc phải khảo sát, sàng lọc các nhiễm trùng, tình trạng tiêm chủng (Không nên dùng vắc xin sống và bất hoạt đồng thời với các thuốc sinh học), phản ứng quá mẫn, bệnh gan tiến triển và suy gan, trước khi chỉ định thuốc sinh học. Để đảm bảo cả về hiệu quả điều trị và sự an toàn cho người bệnh, việc quản lý, theo dõi chặt chẽ trước – trong và sau dùng thuốc ra khá quan trọng và cần thiết.

  • Phục hồi chức năng

Để giảm cứng, đau khớp và chống dính khớp, có nhiều bài tập bạn có thể áp dụng. Bên cạnh đó, bệnh nhân viêm khớp cần tránh vận động quá mức ở các khớp tổn thương, tránh các động tác có thể gây ra hoặc gây đau tăng. Bằng cách trang bị các dụng cụ phù hợp: các loại quần áo giày dép mềm dễ mắc, cài bằng khoá dán; cốc nhẹ, thìa có cán dài và to...giúp khuyến khích người bệnh vận động và tự phục vụ, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu; nên dùng van chống hỗ trợ đối với bên khớp đau.

  • Phẫu thuật

Nếu người bệnh bị viêm khớp tiến triển nghiêm trọng thì phẫu thuật chính là sự lựa chọn cần thiết. Một số loại phẫu thuật có thể tiến hành, bao gồm:

  • Phẫu thuật tạo hình xương
  • Phẫu thuật thay khớp
  • Phẫu thuật làm cứng khớp
  • Điều trị ngoại khoa

Được chỉ định với các khớp viêm, tình trạng tràn dịch kéo dài, đặc biệt là khớp gối. Hiện nay, tại Việt Nam, các phương pháp chỉnh hình, thay khớp nhân tạo mới chủ yếu là thay các khớp háng, và khớp gối. Để đảm bảo chức năng vận động của bệnh nhân, gần đây, các phẫu thuật chỉnh hình đối với các gân, cơ, khớp nhỏ ở bàn tay bắt đầu được triển khai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe