Viêm gan cấp tính là tình trạng viêm gan xảy ra trong 6 tháng đầu tiên sau khi nhiễm virus viêm gan B hay C với thời gian ủ bệnh ngắn và các triệu chứng thường rất nhẹ hoặc không rõ ràng. Trong khi đó, viêm gan mãn tính có khả năng gây ra các bệnh lý mãn tính nguy hiểm ở gan điển hình như xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm gan B, viêm gan C là gì?
Virus viêm gan B gây ra tổn thương viêm, dẫn đến bệnh viêm gan B. Tương tự, virus viêm gan C gây ra tổn thương viêm, dẫn đến bệnh viêm gan C.
Cả hai dạng viêm gan này đều có khả năng tiến triển viêm gan cấp tính. Về lâu về dài, cả 2 tình trạng đều là bệnh lây nhiễm và có nguy cơ tiến triển thành bệnh mãn tính nguy hiểm.
2. Viêm gan cấp tính là gì?
Trong vòng 6 tháng đầu tiên kể từ khi nhiễm virus viêm gan B hoặc C, người bệnh thường mắc viêm gan cấp tính. Bệnh tiến triển nhanh và chỉ gây ra các triệu chứng rất nhẹ hoặc thậm chí không có triệu chứng nào.
Các triệu chứng nếu có bao gồm:
- Mệt mỏi.
- Chán ăn.
- Buồn nôn và nôn.
- Vàng da (vàng da và mắt).
- Đau dạ dày.
- Các khớp và cơ bắp bị đau.
3. Viêm gan mãn tính là gì?
Viêm gan mãn tính là hậu quả của việc virus viêm gan tồn tại lâu ngày trong cơ thể. Người bệnh viêm gan mãn tính nhiễm kép virus viêm gan B và C có nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính nghiêm trọng như xơ gan. Ngoài ra, ung thư gan cũng có thể xảy ra trong một số trường hợp viêm gan mãn tính.
4. Người mang siêu vi là gì?
Những người bị nhiễm siêu vi viêm gan B hoặc viêm gan C sẽ mang virus suốt đời và có khả năng lây lan cho người khác.
Mặc dù phần lớn người mang siêu vi viêm gan B là trẻ em dưới 5 tuổi nhưng người lớn cũng có thể nhiễm siêu vi này. Hầu hết những người mang siêu vi không có biểu hiện bệnh, tuy nhiên, một số trường hợp lại tiến triển thành bệnh lý viêm gan cấp tính và mãn tính nghiêm trọng, người bệnh nếu không được điều trị sẽ có thể gây tử vong.
Trong số những người lớn nhiễm virus viêm gan C, tỷ lệ trở thành người mang siêu vi viêm gan C là rất cao (khoảng 75-85%). Ngoài ra, bệnh gan mãn tính còn xảy ra ở khoảng ⅔ số người mang siêu vi viêm gan C.
5. Những điều cần biết về viêm gan B
5.1 Tính lây lan của virus viêm gan B
Virus viêm gan B sẽ dễ dàng lây lan khi tiếp xúc trực tiếp với chất lỏng cơ thể như máu, tinh dịch hay dịch âm đạo. Ví dụ điển hình là quan hệ tình dục không an toàn hoặc dùng chung kim tiêm.
Bên cạnh đó, viêm gan B cũng có thể lây từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở. Thậm chí, việc sống và dùng chung đồ dùng cá nhân như bàn chải, dao cạo râu với người mang mầm bệnh cũng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.
Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý rằng, virus viêm gan B không lây truyền qua tiếp xúc thông thường như bắt tay, ăn uống chung, ho hoặc hắt hơi và cho con bú.
5.2 Xét nghiệm chẩn đoán virus viêm gan B
Các xét nghiệm máu tìm kháng thể kháng virus khác nhau giúp chẩn đoán chính xác người bệnh nhiễm virus viêm gan B. Nhờ đó, bác sĩ có thể xác định được người bệnh đang ở giai đoạn nào, giai đoạn mới nhiễm hay đã đi vào giai đoạn viêm gan cấp tính hoặc đã chuyển qua giai đoạn mãn tính.
Thậm chí, xét nghiệm còn cho biết người bệnh đã từng mắc virus viêm gan B hiện đã có miễn dịch hoặc đã được tiêm phòng vắc-xin viêm gan B hay chưa.
5.3 Đối tượng nên xét nghiệm kiểm tra virus viêm gan B
Xét nghiệm kiểm tra virus viêm gan B được khuyến cáo cho nhóm đối tượng sau đây:
- Phụ nữ mang thai.
- Trẻ có mẹ nhiễm virus.
- Người sống chung với người bệnh hoặc đối tác quan hệ tình dục nhiễm virus.
- Người mắc HIV.
- Người có quan hệ tình dục đồng giới không an toàn.
- Nhân viên y tế và những người tiếp xúc thường xuyên với người bệnh có nguy cơ mắc viêm gan B, đặc biệt là điều dưỡng.
- Người sinh ra hoặc có cha mẹ sinh ra ở các vùng có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao.
- Những người điều trị ung thư, lọc thận hoặc sử dụng các thuốc ức chế hệ miễn dịch.
5.4 Phương pháp điều trị virus viêm gan B
Mặc dù không có thuốc chữa virus viêm gan B nhưng người bệnh vẫn có thể kiểm soát các triệu chứng của viêm gan cấp tính và viêm gan mãn tính, cũng như điều trị một số loại bệnh gan do virus này gây ra.
Cách phòng ngừa viêm gan B hiệu quả nhất chính là tiêm vắc-xin, giúp hệ miễn dịch cơ thể chống lại virus ngay cả khi đã phơi nhiễm. Phác đồ viêm gan B gồm 3 mũi.
Globulin miễn dịch kháng viêm gan B (HBIG) sẽ được tiêm thêm cho những người chưa tiêm phòng và mới bị phơi nhiễm virus viêm gan B bên cạnh mũi tiêm phòng. HBIG có thành phần là các kháng thể kháng virus có tác dụng tăng cường hiệu quả dự phòng nhiễm virus viêm gan B.
6. Những điều cần biết về viêm gan C
6.1 Tính lây lan của virus viêm gan C
Việc tiếp xúc trực tiếp với máu nhiễm virus viêm gan C như dùng chung kim tiêm hoặc từ mẹ sang con là đường lây truyền chính của bệnh.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, quan hệ tình dục không an toàn cũng có khả năng lây nhiễm virus này. Tuy nhiên, virus viêm gan C không lây qua các hình thức tiếp xúc thông thường.
6.2 Xét nghiệm chẩn đoán virus viêm gan C
Bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm để kiểm tra xem người bệnh có bị nhiễm virus viêm gan C hay không. Nếu kết quả dương tính, các xét nghiệm xác nhận sẽ được thực hiện để khẳng định lại kết quả xét nghiệm miễn dịch và lượng virus trong cơ thể.
6.3 Đối tượng nên xét nghiệm kiểm tra virus viêm gan C
Các đối tượng có nguy cơ cao bao gồm những người sau đây:
Sinh từ năm 1945 - 1965.
- Đã và đang điều trị lọc máu.
- Nhiễm HIV.
- Có men gan bất thường.
- Được truyền máu của người mắc virus viêm gan C sau khi hiến máu.
- Nhân viên y tế, những người tiếp xúc với nhiều người có nguy cơ mắc viêm gan B hằng ngày, đặc biệt là điều dưỡng.
- Trẻ có mẹ bị viêm gan C.
6.4 Phương pháp điều trị virus viêm gan C
Bằng các dược phẩm kháng virus, hầu hết người mắc viêm gan C ở cả giai đoạn viêm gan cấp tính và viêm gan mãn tính đều có thể được chữa khỏi nhờ công nghệ cùng kiến thức y khoa tiên tiến ngày nay, đồng thời giảm thiểu các biến chứng lâu dài của bệnh.
6.5 Cách phòng tránh virus viêm gan C
Một số biện pháp sau đây sẽ giúp mọi người phòng tránh nguy cơ mắc viêm gan C do bệnh vẫn chưa có biện pháp phòng ngừa.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Tìm hiểu kỹ về đối tác trong sinh hoạt tình dục.
- Duy trì một mối quan hệ tình dục lành mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn Acog.org