Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Viêm gan C là một bệnh truyền nhiễm do virus gây bệnh và làm tổn thương tế bào gan. Viêm gan C có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, thuốc điều trị viêm gan C có thể gây ra triệu chứng thiếu máu. Vì vậy, người bệnh cần được kiểm soát tình trạng này thường xuyên nhằm phòng ngừa các biến chứng khác xảy ra.
1. Tìm hiểu về bệnh viêm gan C
1.1 Triệu chứng viêm gan C
Viêm gan C là một bệnh truyền nhiễm do virus tấn công và làm tổn thương các tế bào gan. Viêm gan C lây truyền qua đường máu và được chia thành 2 giai đoạn đó là viêm gan C cấp tính và viêm gan C mạn tính. Giai đoạn cấp tính thường diễn biến nhanh trong vòng 6 tháng và ít biểu hiện triệu chứng. Khoảng 15-30% có thể tự khỏi trong giai đoạn này, đa số người bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính và bắt đầu gây ra những tổn thương nặng hơn. Nhiễm trùng này có thể gây ra một số triệu chứng như:
- Mệt mỏi, cảm thấy ốm yếu
- Đau cơ, đau khớp
- Khó tập trung, thấy lo lắng hay chán nản
- Sốt
- Đau bụng
- Vàng da
- Buồn nôn, nôn mửa
1.2 Điều trị viêm gan C
Viêm gan C có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu của bệnh. Có hai loại thuốc được chấp thuận để điều trị viêm gan C mãn tính đó là:
- Interferon: là một protein tự nhiên do cơ thể sản xuất ra để chống lại virus khi cơ thể không sản xuất đủ interferon, đây là một cách để kích hoạt cơ thể tăng cường sức đề kháng tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra một số triệu chứng không mong muốn như đau nhức cơ, cúm, tuy nhiên đây là những dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng nhiễm trùng.
- Ribavirin: được bào chế dưới dạng viên nén hay viên nang, có tác dụng tăng cường hiệu quả điều trị của interferon và giảm khả năng tái phát. Sử dụng ribavirin đơn thuần không diệt được virus, vì vậy sẽ được sử dụng kết hợp với interferon.
2. Tình trạng thiếu máu ở cơ thể
Thiếu máu là tình trạng hemoglobin trong máu bị giảm. Hemoglobin là một chất giúp các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy đến các tế bào còn lại của cơ thể. Nếu không có đủ oxy các tế bào trong cơ thể không thể hoạt động tốt, từ đó dẫn tới cơ thể cảm thấy mệt mỏi, suy nhược hoặc giảm trí nhớ. Các triệu chứng của thiếu máu bao gồm:
- Chóng mặt
- Ớn lạnh
- Đau tức ngực
- Đau đầu
- Mệt mỏi mãn tính
- Nhịp tim nhanh
- Da niêm mạc nhợt nhạt
- Hụt hơi
- Giảm trí nhớ
Tình trạng thiếu máu kéo dài nếu không được điều trị có thể dẫn tới các trạng thái nghiêm trọng hơn như vàng da, lách to,... Đặc biệt, đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như: Bệnh mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính,... thì tình trạng cơ thể thiếu máu sẽ khiến cho bệnh chuyển biến tồi tệ hơn. Bên cạnh đó, khả năng bị thiếu máu sẽ tăng lên nếu bệnh nhân mắc một số tình trạng sau:
- Chảy máu trong đường tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng
- Mất máu do chấn thương
- Xơ gan
- Người nhiễm HIV
- Bệnh thận
- Bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm
- Chế độ ăn thiếu vitamin B12, acid folic, và sắt
3. Thiếu máu do viêm gan C
Hai loại thuốc điều trị viêm gan C đó là interferon và ribavirin làm tăng khả năng bị thiếu máu. Trong đó, interferon ngăn chặn việc sản xuất các tế bào hồng cầu mới trong tủy xương. Ribavirin phá hủy các tế bào hồng cầu bằng cách làm vỡ chúng. Ngoài ra, các loại thuốc viêm gan C mới hơn như boceprevir cũng có tác dụng gây thiếu máu. Việc sử dụng thuốc boceprevir với interferon và ribavirin có thể làm giảm nồng độ hemoglobin nghiêm trọng hơn.
Những bệnh nhân điều trị bệnh viêm gan C cần được kiểm soát tình trạng thiếu máu thường xuyên. Bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm máu vài tuần hoặc vài tháng một lần để kiểm tra mức hemoglobin của người bệnh. Đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao bị thiếu máu sẽ cần xét nghiệm máu hàng tuần. Sau một vài tháng điều trị nồng độ hemoglobin sẽ dần ổn định, khi dừng sử dụng thuốc tình trạng thiếu máu sẽ biến mất.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định tiêm thuốc nội tiết Epoetin alfa để giảm các triệu chứng thiếu máu. Epoetin alfa có tác dụng kích thích tủy xương và sản xuất nhiều tế bào hồng cầu hơn, từ đó có thể mang lại oxy bổ sung cho cơ thể. Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc như: ớn lạnh, đổ mồ hôi và đau cơ.
Đối với người bệnh, cần có một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp, tăng cường các loại thực phẩm chức nhiều vitamin và chất khoáng. Nghỉ ngơi thường xuyên, tránh làm việc nặng và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Tóm lại, viêm gan C là một bệnh truyền nhiễm qua đường máu và gây tổn thương các tế bào gan. Viêm gan C có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán sớm. Tuy nhiên thuốc điều trị viêm gan C có thể gây ra tình trạng thiếu máu. Vì vậy, người bệnh cần được kiểm soát tình trạng thiếu máu, khi thấy có những dấu hiệu bất thường như chóng mặt, đau đầu, da nhợt nhạt,... cần thông báo ngay với nhân viên y tế những triệu chứng đang gặp phải để được can thiệp kịp thời.
Hiện Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có các thực hiện các thăm khám sàng lọc gan mật thông qua việc xét nghiệm anti HCV, công thức máu, kiểm tra men gan, sàng lọc xơ gan, ung thư gan, siêu âm... để có thể phát hiện ra virus viêm gan ở giai đoạn sớm nhất. Việc thăm khám tại bệnh viện luôn được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn, kết hợp cùng hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại giúp đưa ra kết quả chính xác nhất. Qua kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ đánh giá và đưa ra tư vấn về tình trạng sức khỏe cũng như hướng chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.