Hỏi
Chào bác sĩ,
Cháu bị đau 2 khớp gối cách đây 5 năm. Từ đầu chỉ là dấu hiệu đau nhẹ nhưng thời gian đau càng ngày càng ngắn và độ đau tăng dần lên theo. Năm ngoái cháu đi khám và mổ rách sụn chêm tại bệnh viện, còn 1 khớp gối cháu đang tập phục hồi bảo tồn và có dấu hiệu đau 2 khớp khủy tay, hiện tượng cũng gần giống như 2 chân cháu nhiều năm trước. Hiện tại thì vẫn đau nhẹ và đang có xu hướng tăng dần lên. Cháu đi khám thì bác sĩ bảo là bị viêm điểm bám gân lồi cầu trong 2 bên. Cháu đã làm xét nghiệm đều không phải là viêm khớp dạng thấp, viêm đa khớp và gout. Vậy viêm điểm bám gân có nguy hiểm không ạ? Mong bác sĩ tư vấn.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Bác sĩ Hoàng Thị Hiền - Bác sĩ Đa khoa - Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Chào bạn,
Với câu hỏi “Viêm điểm bám gân có nguy hiểm không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Theo như bác sĩ hiểu thì bạn bị chấn thương 2 khớp gối cách đây 5 năm và bị rách sụn chêm, đã được mổ rách sụn chêm tại bệnh viện cách đây 1 năm tại một khớp, còn một khớp tập bảo tồn? Một năm nay bạn bị đau khớp khủy và được chẩn đoán là viêm điểm bám gân lồi cầu trong 2 bên. Viêm điểm bám gân là bệnh lý viêm ở gân, bao gân, dây chằng. Bệnh thường gặp ở tại các vị trí bám vào xương.
Viêm điểm bám tận của gân xuất hiện quanh khu vực bám của gân với xương, bao gồm: vùng gân cổ chân, đầu gối, háng và khuỷu tay. Khi được kết luận bị viêm điểm bám gân, ban đầu, người bệnh cần áp dụng phương pháp điều trị không dùng thuốc. Cụ thể là nghỉ ngơi, hạn chế vận động vùng gân bị viêm.
Trong trường hợp của bạn giai đoạn đầu có thể điều trị không dùng thuốc như hạn chế vận động, bang ép, chườm lạnh. Nếu có kèm theo triệu chứng sưng, nóng đỏ thì có thể chiếu tia hồng ngoại. Điều trị thuốc giảm đau nếu triệu chứng không đỡ.
Trong trường hợp nguyên nhân gây viêm điểm bám gân là do bệnh lý như viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp, đái tháo đường,...thì bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định thích hợp để điều trị tận gốc. Nếu tất cả các biện pháp điều trị không mang lại hiệu quả mong muốn thì bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
Đến nay, viêm điểm bám gân vẫn chưa có biện pháp điều trị triệt để. Các biện pháp hiện tại chỉ nhằm mục đích giảm đau, cải thiện triệu chứng của bệnh. Tuy bệnh không gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, không phá hủy khớp nhưng gây hạn chế khả năng vận động, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bởi vậy, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của viêm điểm bám gân, bạn nên tới các cơ sở chuyên khoa y tế để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Việc phát hiện muộn có thể dẫn tới nhiều biến chứng và quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn hơn.
Nếu bạn còn thắc mắc về viêm điểm bám gân, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.