Cơ tim chu sinh là thể bệnh của bệnh cơ tim giãn nở với biểu hiện suy tim xảy ra ở tháng cuối của thai kỳ, hoặc 5 tháng đầu sau sinh. Vậy bệnh viêm cơ tim có thể điều trị khỏi hẳn không, cách điều trị và phòng tránh như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ngay sau đây.
1. Bệnh viêm cơ tim chu sinh là gì?
Bệnh viêm cơ tim chu sinh hay còn được gọi với tên khác là cơ tim chu sản, đây là một dạng suy tim khá hiếm gặp. Khi đó người bệnh sẽ gặp phải tình trạng tim mở rộng (hay tim to ra) và yếu hơn, khiến cho chức năng bơm máu của tim đi tới các cơ quan khác bị suy giảm. Tuy nhiên, bất cứ thai phụ nào cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này, kể cả những người không có yếu tố nguy cơ hay chưa từng mắc bất cứ bệnh lý nào về tim.
Bệnh thường xuất hiện vào tháng cuối cùng của thai kỳ hoặc 5 tháng đầu sau khi sinh. Điều quan trọng nhất khi gặp phải bệnh lý này đó chính là nhận biết càng sớm càng tốt các triệu chứng. Chẩn đoán và có phương pháp điều trị thích hợp, nhằm ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn, đồng thời giảm nhẹ các biến chứng có thể đe dọa tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.
2. Các triệu chứng của bệnh
Theo báo cáo, bệnh viêm cơ tim chu sinh thường có một số triệu chứng điển hình, tương tự với hội chứng suy tim như:
- Nhịp tim nhanh bất thường.
- Đánh trống ngực hoặc tức ngực.
- Cảm giác khó thở, đặc biệt là trong những lúc nằm hoặc nghỉ ngơi.
- Tình trạng mệt mỏi quá mắc, đặc biệt là khi hoạt động thể chất, vận động mạnh (do thiếu máu bơm tới các cơ quan).
- Thường xuyên bị hụt hơi.
- Sưng to tại bàn chân và mắt cá chân (do giữ nước).
- Đi tiểu nhiều về ban đêm, tăng số lần đi tiểu.
- Bị ho khi nằm thấp đầu.
Bên cạnh đó, một số trường hợp phụ nữ cũng có thể bị sưng tĩnh mạch tại cổ, do máu không được lưu thông một cách hiệu quả. Người bệnh nên lưu ý rằng, tình trạng tim đập nhanh, khó thở, phù mắt cá chân cũng là những biểu hiện khá thường thấy ở những tháng cuối của thai kỳ. Chính vì vậy, nó có thể gây ra việc nhầm lẫn, khó khăn trong quá trình phát hiện và chẩn đoán chính xác bệnh. Đối với phụ nữ sau sinh thì chẩn đoán bệnh viêm cơ tim trẻ sơ sinh sẽ dễ dàng hơn.
3. Nguyên nhân gây bệnh
Cho tới nay, vẫn chưa có báo cáo đầy đủ và chính xác về nguyên nhân gây ra bệnh. Mặc dù không rõ cơ sở để bệnh cơ tim chu sản phát triển, thế nhưng các bác sĩ chuyên khoa tin rằng, việc tăng áp lực lên tim khi mang thai, kết hợp cùng với những yếu tố nguy cơ đã làm tăng nguy cơ dẫn đến căn bệnh này. Trong đó, một số yếu tố nguy cơ phổ biến có thể kể tới như:
- Bệnh đái tháo đường.
- Béo phì, thừa cân.
- Tăng huyết áp.
- Thai phụ bị suy dinh dưỡng.
- Phụ nữ hút thuốc, uống quá nhiều rượu hoặc nghiện rượu.
- Người đã từng mang thai đôi (đa thai) hoặc từng mang thai nhiều lần trước đó.
- Người có tiền sử mắc các bệnh lý liên quan tới tim như bệnh mạch vành, viêm cơ tim, nhiễm virus ở tim.
- Phụ nữ sau khi đẻ non (sinh con thiếu tháng).
- Thai phụ lớn tuổi (phụ nữ ngoài 30 tuổi).
Ngoài ra, một số loại bệnh lý di truyền cũng có thể là tác nhân khiến nguy cơ mắc bệnh viêm cơ tim chu sinh ở phụ nữ sau sinh và trong thai kỳ tăng cao.
4. Giải đáp: Bệnh viêm cơ tim chu sinh có thể điều trị khỏi hẳn không?
Mặc dù trên thực tế bệnh cơ tim chu sinh là tình trạng bệnh lý khá nghiêm trọng, tuy nhiên nếu như nó được phát hiện kịp thời và áp dụng giải pháp điều trị thích hợp thì khả năng hồi phục là rất cao. Phần lớn các biến chứng nặng đều gặp phải do bệnh được phát hiện muộn, chính vì vậy mà việc theo dõi các biểu hiện của cơ thể thường xuyên và thăm khám định kỳ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm bảo vệ sức khỏe cho mẹ lẫn thai nhi.
Đa phần phụ nữ khi mắc phải bệnh cơ tim chu sản khi được điều trị bằng phương pháp phù hợp sẽ giúp chức năng tim bình thường trở lại sau khoảng 6 tháng. Trong một số trường hợp nặng hơn có thể mất tới vài năm để hồi phục bình thường. Mặc dù vậy ở nhiều ca bệnh, ngay cả khi đã điều trị thành công thì bệnh cũng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh trong suốt quãng đời còn lại.
Đối với những phụ nữ từng bị bệnh cơ tim chu sản trong quá trình mang thai, khả năng cao sẽ bị mắc lại trong những lần mang thai kế tiếp, ngay cả khi trước đó đã hồi phục hoàn toàn. Đặc biệt là ở những lần mang thai tiếp theo, triệu chứng của bệnh suy tim còn có thể nặng và tiến triển tồi tệ hơn trước.
5. Phương pháp chẩn đoán
Bước đầu tiên, bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng, hỏi tiền sử bệnh và thực hiện thăm khám sức khỏe thông qua ống nghe nhằm kiểm tra âm thanh trong phổi và tim. Sau đó tiến hành thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác như:
- Xét nghiệm máu: Nhằm kiểm tra hoạt động của gan, thận, tuyến giáp và đặc biệt là phát hiện những hormone cho thấy tim đang bị căng thẳng hoặc nguyên nhân khác dẫn tới triệu chứng nhiễm trùng, thiếu máu.
- Xét nghiệm nước tiểu: Nhằm mục đích kiểm tra chứng tiền sản giật (tình trạng huyết áp cao liên quan tới thai kỳ) hoặc để phát hiện nhiễm trùng.
- Điện tâm đồ (ECG): Nhằm giúp bác sĩ nhìn thấy dấu hiệu loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường) nhờ vào kỹ thuật ghi lại những tín hiệu điện dẫn truyền qua tim.
- Chụp X-quang ngực: Là kỹ thuật xét nghiệm thông qua hình ảnh cơ bản, qua đó giúp bác sĩ kiểm tra chính xác cấu trúc cũng như kích thước của tim phổi. Mặt khác còn quan sát được lượng dịch chứa ở trong hoặc xung quanh phổi.
- Siêu âm tim: Dựa vào sóng âm thanh để tạo thành hình ảnh của tim, nhờ vậy mà bác sĩ xem được cấu trúc, chức năng của cơ tim và van. Mặt khác, phương pháp này còn kiểm tra được có tồn tại cục máu đông trong buồng tim hay không.
- Chụp MRI tim: Trong một số trường hợp, phương pháp chụp MRI có thể được chỉ định bổ sung nhằm cung cấp thêm thông tin về chức năng và cấu trúc của tim.
- Chụp mạch vành: Nhằm kiểm tra liệu các động mạch có bị tắc hay thu hẹp do bệnh mạch vành gây nên hay không.
Bên cạnh những kỹ thuật xét nghiệm chính được kể trên, bác sĩ cũng sẽ thực hiện chẩn đoán nhằm loại trừ những bệnh lý về tim mạch khác cũng dẫn tới nguy cơ suy tim như: Tăng áp động mạch phổi, bệnh tim bẩm sinh, nhồi máu cơ tim, van tim, viêm cơ tim...
6. Phương pháp điều trị
Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh cơ tim chu sinh chính là giữ cho lượng dịch thừa không ứ đọng bên trong phổi, kiểm soát được các triệu chứng của bệnh đồng thời giúp tim hồi phục tốt nhất có thể. Người bệnh có thể sẽ được điều trị cải thiện triệu chứng bằng một số loại thuốc sau đây: Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE), thuốc ức chế thụ thể angiotensin II, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông máu, Digoxin.
Một số loại thuốc khác cũng có tác dụng tác động trực tiếp tới sự phát triển của bào thai hoặc bài tiết một phần vào sữa mẹ, từ đó gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy mà trong từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc riêng biệt, tuỳ vào thời điểm phát hiện ra bệnh là đang trong thai kỳ hay sau khi sinh nở.
Trong trường hợp phương pháp điều trị bằng thuốc không mang lại những hiệu quả như mong đợi hoặc bệnh có xu hướng phát triển nặng hơn, người bệnh có thể phải cần tới cấy ghép tim.
Ngoài ra, việc tuân thủ theo chế độ ăn ít muối nhằm kiểm soát huyết áp, kiêng hoàn toàn bia rượu, thuốc lá, chất kích thích cũng là biện pháp hữu hiệu trong điều trị cơ tim chu sản.
7. Phương pháp phòng ngừa bệnh
Việc phòng ngừa bệnh cơ tim chu sinh đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ, đặc biệt là trong giai đoạn sinh sản và những người lần đầu tiên làm mẹ. Một số thói quen ăn uống, sinh hoạt tốt hàng ngày có thể giúp bạn giảm được nguy cơ mắc bệnh như:
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế tối đa muối và chất béo.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Không sử dụng thuốc lá, chất kích thích, không uống bia rượu.
Chúng ta vừa cùng nhau giải đáp thắc mắc bệnh viêm cơ tim chu sinh có thể điều trị khỏi hẳn không. Mặc dù đây là một căn bệnh nghiêm trọng, tuy nhiên vẫn có thể hồi phục nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Vì thế hãy theo dõi sức khỏe, biểu hiện của cơ thể thường xuyên và thăm khám sức khỏe định kỳ, nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ lẫn thai nhi.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.