Viêm cầu thận cấp ở trẻ em bao lâu thì khỏi?

Viêm cầu thận cấp là một bệnh lý thuộc hệ tiết niệu thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh không chỉ gây tổn thương thận mà còn ở các cơ quan khác cũng như nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời. Chính vì vậy, viêm cầu thận cấp ở trẻ em bao lâu thì khỏi là nỗi băn khoăn của rất nhiều bậc cha mẹ khi có con mắc bệnh này.

1. Viêm cầu thận cấp ở trẻ em là gì?

Viêm cầu thận cấp là một bệnh lý gây tổn thương thận cấp tính. Trên đối tượng trẻ em, nguyên nhân thường gặp là sau nhiễm liên cầu khuẩn gây viêm nhiễm vùng hầu - họng, từ nhiễm khuẩn ngoài da hay không rõ nguồn nhiễm khuẩn. Ngoài ra, các bệnh lý khác cũng có thể gây viêm cầu thận cấp như lupus ban đỏ hệ thống, Scholein-Henoch,...

Sau khi nhiễm trùng tại cơ quan khác, nếu có kèm theo tổn thương cầu thận, bệnh sẽ khởi phát đột ngột với phù toàn thân nhưng ban đầu cha mẹ lại tưởng con tăng cân, mập hơn. Bên cạnh đó, trẻ còn có tiểu ít, vô niệu hoàn toàn hoặc tiểu máu, tiểu đục do tiểu ra đạm. Đưa trẻ đi khám sẽ phát hiện thêm tăng huyết áp cũng nhưng các xét nghiệm bất thường do suy giảm chức năng thận. Lúc này, trẻ cần phải được nhập viện theo dõi sát, điều trị tích cực và chạy thận nhân tạo nếu cần trong trường hợp nguy bách.

2. Viêm cầu thận cấp ở trẻ em có nguy hiểm không?

Viêm cầu thận vốn dĩ không nguy hiểm nếu như không để lại nguy cơ suy thận mạn về sau. Hơn thế nữa, tính mạng của trẻ cũng sẽ bị đe dọa do các biến chứng cấp tính của viêm cầu thận cấp ở trẻ em tiến triển nhanh cũng như tăng huyết áp cấp cứu gây ra. Cụ thể là tình trạng toan chuyển hóa, tăng kali máu nếu không được điều chỉnh hiệu quả với thuốc hay lọc thận kịp thời sẽ gây loạn nhịp tim, ngưng tim, tử vong. Bên cạnh đó, huyết áp tăng cao gây tổn thương mạch máu trên não, tim, phổi làm rối loạn tri giác, co giật, đột quỵ, suy tim cấp, phù phổi cấp, suy hô hấp cũng sẽ khiến tiên lượng thêm nặng nề.


Trẻ bị suy hô hấp
Trẻ bị suy hô hấp

3. Điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em như thế nào?

Do những biến chứng nguy hiểm mà bệnh gây ra, điều trị viêm cầu thận cấp ở trẻ em cần thận trọng và phối hợp nhiều yếu tố.

Trong đó, nếu là viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng thì nổi bật là điều trị nhiễm trùng do Streptococcus với các kháng sinh Cephalosporin và Penicillin thuộc nhóm β Lactam, nhằm hạn chế việc lan truyền của vi khuẩn. Nếu tình trạng nặng, nên quyết định sử dụng liệu pháp kháng sinh phối hợp giữa penicillin và một kháng sinh khác sớm ngay từ đầu.

Song song với kháng sinh, việc điều trị các triệu chứng và điều chỉnh biến chứng cũng đóng vai trò quan trọng. Kiểm soát huyết áp và tích cực hạ áp nếu huyết áp của trẻ quá cao hay xảy ra các tổn thương cơ quan đích do biến chứng của tăng huyết áp trên tim, não, phổi. Dùng thêm lợi tiểu giúp tăng lượng nước tiểu, giảm phù, qua đó giúp hạ huyết áp, giảm kali máu, điều chỉnh toan kiềm và cải thiện chức năng thận. Điều chỉnh các rối loạn điện giải như tăng kali máu, kiểm soát tan máu chống hạ canxi máu và hạ natri máu. Xem xét cho trẻ thẩm phân phúc mạc hoặc lọc máu ngoài thận (thận nhân tạo) khi đã phối hợp điều trị nhiều cơ chế nhưng lâm sàng và các kết quả xét nghiệm không cải thiện.

Ngoài ra, các điều trị không dùng thuốc cần được tuân thủ giúp bệnh mau hồi phục. Cho trẻ nghỉ ngơi tại giường hoặc chỉ vận động nhẹ nhàng, tránh chơi đùa chạy nhảy. Hạn chế nước uống vào, chế độ ăn của trẻ cần hạn chế muối tối đa, nhằm thải nước được hiệu quả cao và giảm phù...

4. Viêm cầu thận cấp ở trẻ em bao lâu thì khỏi?


Viêm cầu thận cấp ở trẻ em bao lâu thì khỏi?
Viêm cầu thận cấp ở trẻ em bao lâu thì khỏi?

Viêm cầu thận cấp ở trẻ em nhìn chung có tiên lượng khá tốt. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách ngay từ đầu, đặc biệt là tại các trung tâm chăm sóc y tế đầy đủ khả năng theo dõi và cấp cứu, kể cả máy lọc thận nhân tạo khi có chỉ định, tỷ lệ trẻ mắc viêm cầu thận cấp khỏi bệnh hoàn toàn lên tới trên 90%. Trong đó, các biểu hiện cấp tính như phù toàn thân, tiểu ít hoặc vô niệu, cao huyết áp sẽ cải thiện trong vòng một tuần đầu. Sang tuần tiếp theo, nếu các rối loạn do tổn thương thận cấp đáp ứng tốt với thuốc, trẻ có thể xem xét được ra viện. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần được theo dõi ngoại trú do protein và hồng cầu trong nước tiểu có thể biến mất muộn hơn, trong một đến hai tuần kế tiếp.

Mặc dù vậy, cha mẹ vẫn đưa trẻ đi khám và xét nghiệm nước tiểu tìm hồng cầu, protein mỗi tháng một lần trong sáu tháng đầu tiên. Nếu âm tính, thời gian tái khám và xét nghiệm có thể dãn cách ra mỗi ba tháng cho đến hai năm. Chỉ khi âm tính qua hai lần liên tiếp mới có thể ngừng theo dõi. Các trường hợp bất thường nên tích cực tìm nguyên nhân khác gây viêm cầu thận hoặc nghi ngờ tổn thương thận mạn kéo dài.

Nếu viêm cầu thận diễn tiến tối cấp và các biến chứng suy thận cấp tính, tăng huyết áp cấp cứu không được can thiệp kịp thời, trẻ sẽ có nguy cơ tử vong rất cao ngay trong tuần lễ đầu tiên. Vì thế, khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cha mẹ có thể đưa trẻ đến hệ thống Y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tổn thương thận cấp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe