Hỏi
Chào bác sĩ! Cho em hỏi thăm ạ, sau khi xét nghiệm nước tiểu bằng máy tự động thì chỉ số protein (0,75 2+ g/l) và hồng cầu (50 3+ Ery/microlit). Bác sĩ cho em hỏi, xét nghiệm nước tiểu có chỉ số protein (0,75 2+ g/l) và hồng cầu (50 3+ Ery/microlit) có nguy hiểm không? Nguyên nhân bệnh gì và cách hồi phục ạ? Xin cảm ơn bác sĩ!
Câu hỏi ẩn danh
Trả lời
Chào bạn, bác sĩ xin được giải đáp câu hỏi: “Xét nghiệm nước tiểu có chỉ số protein (0,75 2+ g/l) và hồng cầu (50 3+ Ery/microlit) có nguy hiểm không?” như sau:
Ở người có chức năng thận bình thường, không có protein trong nước tiểu, do màng lọc cầu thận không cho các phân tử protein có trọng lượng phân tử lớn thấm qua. Trong trường hợp thận bị rối loạn chức năng (ví dụ viêm cầu thận...), màng lọc cầu thận bị tổn thương, điều này khiến các phân tử protein có thể đi qua và xuất hiện trong nước tiểu. Vì vậy xét nghiệm này là một trong những biện pháp giúp chẩn đoán bệnh nhân có bị bệnh thận hay không.
Giá trị bình thường: Âm tính
Protein niệu dương tính: thường gặp trong đái tháo đường, tình trạng gắng sức, viêm cầu thận, tăng huyết áp ác tính, đa u tủy xương, protein niệu tư thế đứng, tiền sản giật, viêm thận bể thận, hội chứng thận hư...
Kết quả dương tính giả có thể xảy ra khi nước tiểu có tính kiềm cao, bị cô đặc quá mức, có vi khuẩn trong nước tiểu, do dùng một số loại thuốc hay sau ăn một lượng protein lớn...
Hồng cầu niệu là tình trạng xuất hiện các tế bào hồng cầu trong nước tiểu, có thể nhìn thấy bằng mắt thường (đái máu đại thể) hoặc không (đái máu vi thể).
Một số nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hồng cầu xuất hiện trong nước tiểu như: Nhiễm trùng tiết niệu, chấn thương đường tiết niệu, sỏi tiết niệu, viêm cầu thận, ung thư thận, ung thư bàng quang, tập luyện thể thao quá sức, sau quan hệ tình dục, làm xét nghiệm nước tiểu trong thời gian hành kinh ở phụ nữ...
Do có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng trên nên bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để loại trừ các nguyên nhân sinh lý, làm thêm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định và đưa ra hướng điều trị kịp thời.
Bạn có thể đến cơ sở y tế gần nhất hoặc Bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn kỹ hơn. Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Được giải đáp Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Huyền Trang - Bác sĩ xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City