Viêm cầu thận lupus là tình trạng xảy ra phản ứng viêm tại thận với các kích thích gây ra bởi lupus. Bệnh tự miễn này khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh của chính mình, bao gồm cả thận. Hậu quả là thận bị tổn thương nặng nề. Trong một số trường hợp, viêm cầu thận lupus có thể gây mất chức năng thận vĩnh viễn nếu không phát hiện sớm và điều trị thích hợp.
1. Viêm cầu thận lupus là gì?
Lupus là một bệnh tự miễn dịch, nghĩa là hệ thống miễn dịch - hệ thống phòng thủ cơ thể thường bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân từ môi trường – phản ứng chống lại các mô của chính cơ thể.
Về sinh lý bệnh học, có hai thể bệnh lupus. Thứ nhất là bệnh lupus ban đỏ khu trú, chỉ ảnh hưởng đến làn da, gây ra các mảng hồng ban trên mặt, ngực và nhạy cảm với ánh sáng. Thứ hai là lupus ban đỏ hệ thống, dạng lupus có thể gây hại cho không chỉ ở da mà còn các cơ quan khác như khớp, thận, não, máu và thậm chí mức độ tổn thương nặng có thể gây tử vong.
Khi lupus ban đỏ hệ thống ảnh hưởng đến thận được gọi là viêm cầu thận lupus. Trong đó, các tự kháng thể lupus gây phản ứng viêm đến các cấu trúc trong thận. Thận bị viêm nên dẫn đến mất chức năng lọc chất thải. Hệ quả là gây ra huyết áp cao, suy giảm chức năng thận và cuối cùng là suy thận vĩnh viễn.
Nguyên nhân gây bệnh của viêm cầu thận lupus cho đến nay vẫn chưa rõ ràng. Một số giả thiết bệnh nguyên cho rằng là do những yếu tố mắc phải trong môi trường như nhiễm trùng, vi rút, hóa chất độc hại hoặc chất gây ô nhiễm như khói xe, khói nhà máy... có thể đóng vai trò gây bệnh. Người mọi lứa tuổi và mọi chủng tộc đều có thể bị lupus và có thể diễn tiến đến viêm cầu thận. Tuy nhiên, khoảng 90% những người được chẩn đoán mắc bệnh lupus thuộc giới nữ và có khuynh hướng di truyền trong gia đình.
2. Các triệu chứng của viêm cầu thận lupus
Viêm cầu thận lupus có thể gây ra nhiều dấu hiệu, triệu chứng đa dạng và có thể rất khác nhau ở từng người bệnh. Trong đó, các dấu hiệu thường gặp của viêm cầu thận lupus bao gồm:
Sự hiện diện của máu trong nước tiểu
Khi các tự kháng thể tấn công vào cầu thận, cầu thận bị tổn thương dẫn đến sự rò rỉ các tế bào hồng cầu vào trong nước tiểu. Nước tiểu của người bệnh trở nên có màu hồng hoặc nâu nhạt do tiểu máu.
Sự hiện diện của protein trong nước tiểu
Tương tự như tiểu máu, tổn thương tại cầu thận có thể khiến cầu thận làm thất thoát các phân tử protein vào trong nước tiểu. Nước tiểu của người bệnh có thể có bọt trắng khi đi tiểu.
Phù toàn thân
Vì chất đạm hay protein bị thất thoát ra ngoài, áp suất keo trong máu suy giảm. Hệ quả là lượng nước tự do tích tụ tại các mô lỏng lẻo, gây sưng phù ở các bộ phận trên cơ thể như chân, mắt cá chân hoặc xung quanh mắt, trong khoang màng phổi, màng bụng.
Tăng cân
Do tình trạng phù và do các tế bào thận mất chức năng thải nước. Người bệnh tiểu ít và nước ứ đọng trong cơ thể khiến ngày càng tăng cân.
Huyết áp cao
Đây cũng là hệ quả của tình trạng quá tải nước trong tuần hoàn mà không được đào thải bởi thận ra ngoài.
3. Những xét nghiệm nào chẩn đoán viêm cầu thận lupus?
Tiền căn đang mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống là một yếu tố gợi ý quan trọng của viêm cầu thận lupus. Đồng thời, chẩn đoán này sẽ càng được nghĩ tới nếu người bệnh có các triệu chứng như trên. Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định và loại trừ khả năng viêm cầu thận do những nguyên nhân khác, bác sĩ sẽ cần làm các xét nghiệm chuyên biệt để khảo sát tình trạng và chức năng thận như sau:
- Xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra thấy có sự hiện diện của protein và máu trong nước tiểu
- Định lượng nồng độ protein trong máu giảm sút do bị thất thoát qua cầu thận. Trong khi đó, nồng độ các loại cholesterol (chất béo) lại tăng do điều chỉnh chuyển hóa bù trừ.
- Kiểm tra tốc độ lọc cầu thận (GFR) để cho thấy chức năng thận của trong việc lọc chất thải còn bảo tồn như thế nào.
- Kiểm tra nồng độ các tự kháng thể antiphospholipid và kháng thể kháng nhân (ANA) ít nhất một lần trong thời gian mắc bệnh để tiên lượng bệnh lý tự miễn về lâu dài.
- Sinh thiết thận, thực hiện bằng thủ thuật chọc kim để lấy một số lượng tế bào từ nhu mô thận, quan sát dưới kính hiển vi và tìm các đặc điểm tổn thương thận viêm của lupus.
4. Cách điều trị viêm cầu thận lupus
Do lupus là một bệnh lý tự miễn, theo đó, không có cách chữa trị hoàn toàn cho tình trạng viêm cầu thận lupus. Như vậy, các biện pháp điều trị hiện tại là nhằm những mục đích như sau:
- Thuyên giảm triệu chứng
- Làm chậm tốc độ diễn tiến của bệnh
- Kéo dài thời gian ổn định của bệnh
- Trì hoãn đến kết cục lọc máu hoặc ghép thận
Để thực hiện các mục tiêu như trên, những phương pháp điều trị bảo tồn cho những bệnh nhân viêm cầu thận lupus bao gồm:
- Thay đổi chế độ ăn uống. Trong đó, cần hạn chế lượng protein và muối trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày có thể giúp cải thiện chức năng thận.
- Kiểm soát huyết áp. Các loại thuốc như thuốc ức chế men chuyển angiotensin và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II có thể giúp kiểm soát huyết áp đồng thời cũng có khả năng giảm thiểu lượng protein rò rỉ từ cầu thận viêm vào trong nước tiểu. Bên cạnh đó, nhóm thuốc lợi tiểu có thể giúp tăng thể tích nước tiểu, loại bỏ bớt chất lỏng dư thừa, gián tiếp làm hạ áp và cải thiện triệu chứng cho người bệnh.
Tuy nhiên, điều trị bảo tồn không chứng minh được tính hiệu quả làm chậm tiến triển đối với viêm cầu thận lupus. Chính vì cơ chế gây tổn thương thận là do các phản ứng viêm của các tự miễn dịch, để bảo tồn tính toàn vẹn cho các cầu thận, làm chậm hoặc ngăn hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh khác nói chung, bác sĩ sẽ cần chỉ định thêm các thuốc giúp kiểm soát hay ức chế các phản ứng viêm như thuốc ức chế miễn dịch hay steroid, chẳng hạn như Cyclosporine, Tacrolimus, Cyclophosphamide, Azathioprine (Imuran), Mycophenolate (CellCept), Rituximab (Rituxan) hay prednison, prednisolon.
Trong các trường hợp khi những liệu pháp ức chế miễn dịch đơn thuần không giúp thuyên giảm, một số thử nghiệm lâm sàng hiện nay với các liệu pháp mới đang từng bước cho thấy các tín hiệu tích cực trong tương lai của người bệnh viêm cầu thận lupus.
5. Các biến chứng của viêm cầu thận lupus
Viêm cầu thận lupus dẫn đến kết cục nặng nề cuối cùng là có thể gây tổn thương thận vĩnh viễn, được gọi là bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối. Trong các bệnh lý thận viêm, loại viêm cầu thận lupus có mức độ nghiêm trọng nhất, hình thành các sẹo xơ làm mất chức năng của thận. Chính vì thế, thống kê cho thấy có từ 1 đến 3 trong số 10 người bị viêm cầu thận lupus cuối cùng bị suy thận mạn.
Lúc này, các bệnh nhân sẽ được thay thế thận bằng cách lọc máu hay ghép thận, như các bệnh nhân bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối vì các nguyên nhân khác. Đối với phương thức sử dụng thận ghép, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thêm các loại thuốc chống thải ghép, có cơ chế tác động tương tự như các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh lupus. Tuy nhiên, sau khi nhận thận ghép, nguy cơ tổn thương do các tự kháng thể miễn dịch của lupus là không giảm đi.
Hơn thế nữa, những người bị viêm cầu thận lupus cũng có nguy cơ mắc một số loại ung thư, các vấn đề về tim và mạch máu, vừa do biến chứng của tổn thương thận, vừa do tác động của các tự kháng thể trên những cơ quan này.
Tóm lại, viêm cầu thận lupus là một trong các biến chứng của lupus. Do có cơ chế là bệnh tự miễn, tổn thương tại thận khó có thể trì hoãn. Tuy nhiên, thời gian diễn tiến đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải thay thế thận có thể phần nào kéo dãn nếu người bệnh được chẩn đoán sớm và tích cực điều trị theo chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.