Vị thuốc từ mai mực

Mai mực là một dược liệu quý, tính ấm, vị mặn, có tác dụng trừ khí hư, làm lành vết loét, cầm máu và khử hàn thấp. Tham khảo bài viết dưới đây để có thêm những thông tin hữu ích về mai mực.

1. Mai mực là gì?

Mai mực còn được biết đến với tên gọi Mai mực cá, Hải phiêu tiêu hay Ô tặc cốt khi phơi khô. Mai mực có tên khoa học là Sepia esculenta Hoyle, Sepia andrean Steen-Strup, thuộc họ Cá mực. Mai mực là loại dược liệu quý, là mai của mực ván, mực cơm, mực ống hoặc mực nang khi phơi khô.

Mực là loài động vật sống ở vùng nước có độ mặn cao, vùng đáy có cát pha bùn, nhất là vùng đáy hình lòng chảo lõm xuống giữa 2 cồn cát. Mực sống ở tầng nước đáy thành từng đàn, chúng nổi lên tầng nước trên khi kiếm mồi. Hầu hết khi bơi lội trong nước, mắt mực lồi ra, màu da luôn luôn thay đổi theo màu nước để dễ lẫn tránh và bắt mồi. Lúc nguy biết thì mực hơi giật lùi và phun mực ra, làm cho nước vùng đó đen lại kẻ địch hoa mắt rồi tìm cách lẩn trốn. Mực rất thích ánh sáng và màu trắng, khi thấy ánh sáng mực tập trung rất đông. Thức ăn ưa thích của các loài mực là tôm cá con, các loại trứng cá và những động vật nhỏ khác trong nước.

Mực được khai thác vào tháng 3 - 9, nhiều nhất vào tháng 4-6 vì đây là khoảng thời gian mực vào gần bờ để sinh đẻ. Ở nước ta, mực sinh sống nhiều ở vùng biển của tỉnh Khánh Hòa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và Nghệ An. Sau khi khai thác, mực được đem rửa sạch và mổ lấy thịt. Lấy mai mực ra khỏi thân, đem ngâm rửa cho hết mặn và phơi khô. Khi dùng dược liệu, nên cạo sạch vỏ cứng và tán nhỏ. Ngoài mai mực đánh bắt được người ta còn khai thác mai mực do mai các con mực to bị chết ở ngoài khơi, sóng gió thổi dạt vào bờ người ta vớt lấy. Mai mực chứa chủ yếu là các thành phần vô cơ, bao gồm muối natri clorua, canxi photphat, canxi carbonate, chất keo và một số ít chất hữu cơ.


Mai mực khi được tán thành bột còn có tác dụng đông và cầm máu tại chỗ
Mai mực khi được tán thành bột còn có tác dụng đông và cầm máu tại chỗ

2. Vị thuốc mai mực

Mai mực là dược liệu quý có vị mặn, tính ôn. Trong mai mực chứa chủ yếu là các thành phần vô cơ như: canxi carbonate, natri clorua, canxi photphat, chất keo và một số ít chất hữu cơ. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại, mai mực có một số tác dụng sau:

  • Hàm lượng canxi cacbonat trong mai mực có tác dụng trung hòa dịch vị dạ dày. Nhờ đó giúp làm giảm tình trạng ợ chua, ợ nóng, buồn nôn và nôn mửa sau khi ăn.
  • Ngoài ra, dược liệu này còn có tác dụng giảm kích thích ở niêm mạc dạ dày và giúp phục hồi các tế bào bị viêm loét.
  • Mai mực có khả năng ức chế kháng cholinergic - ức chế dẫn truyền thần kinh, ngăn chặn quá trình sản sinh axit dịch vị.
  • Chất keo (pectin) có trong mai mực có thể tạo thành màng bảo vệ các ổ loét, hạn chế tình trạng xuất huyết dạ dày.
  • Bên cạnh đó, mai mực khi được tán thành bột còn có tác dụng đông và cầm máu tại chỗ.

Trong Đông y, dược liệu này thường dùng để chữa một số bệnh như mắt mờ, bế kinh, xích bạch đới, băng huyết, tai chảy mủ, loét dạ dày, ho lao lực, thừa nước chua. Sau khi sơ chế rửa sạch, mai mực sẽ được tán nhỏ thành bột để rắc lên vết thương. Ngoài ra dược liệu cũng được dùng ở dạng thuốc bột hoặc viên. Liều dùng khoảng 4 – 6g/ ngày.

3. Một số bài thuốc chữa bệnh từ mai mực

Bài thuốc chữa viêm loét dạ dày- tá tràng và đại tiện táo:

  • Chuẩn bị: 40g mai mực,24g cam thảo, 12g bối mẫu;
  • Thực hiện: Sơ chế các vị, tán thành bột nhỏ. Trộn đều, mỗi lần dùng 10g đối với người lớn uống với nước ấm. Nên uống khi còn đói, trước bữa ăn.

Bài thuốc giảm táo bón và ợ hơi, ợ chua:

  • Chuẩn bị: 20g mai mực, 6g thổ bối mẫu, 12g cam thảo;
  • Tán nhỏ các dược liệu, rây mịn. Nên dùng 2 lần/ ngày, mỗi lần 6g và uống trước bữa ăn 30 phút.

Bài thuốc chữa bệnh đau dạ dày:

  • Chuẩn bị: bột mai mực, bột mịn kê nội kim, bột cam thảo, mỗi loại 4g và 4g bột gạo nếp rang;
  • Thực hiện: Trộn đều các vị. Khi sử dụng lấy bột vừa trộn đều với 1 thìa cà phê. Dùng 2 lần/ngày, uống sau khi ăn no, và sử dụng trong một thời gian dài.

Bài thuốc trị chứng thổ huyết:

  • Chuẩn bị: mai mực tán nhuyễn;
  • Sử dụng từ 1 – 2g uống với nước cơm hoặc nước sắc bạch cập (sắc 15 – 20g dược liệu này với 300ml nước). Dùng 4 – 5 lần/ngày cho đến khi khỏi.

Bài thuốc chữa tai chảy mủ:

  • Chuẩn bị: 2g mai mực, 0,4g xạ hương;
  • Thực hiện: Sơ chế, tán mịn các dược liệu, sau đó dùng tăm bông chấm bột thuốc và ngoáy nhẹ nhàng vào bên trong tai.

Bài thuốc trị chứng xuất huyết trĩ, đại tiện ra máu, băng huyết ở nữ giới:

Bài thuốc trị chảy máu do vết thương hở:

  • Lấy mai mực và phấn hoa tùng và mai mực, mỗi thứ lượng bằng nhau;
  • Nghiền thành bột, rây mịn. Thêm một ít băng phiến vào hỗn hợp bột, trộn đều và rắc lên vết thương. Sau đó, hãy buộc chặt để cầm máu.

Mai mực có khả năng ức chế kháng cholinergic
Mai mực có khả năng ức chế kháng cholinergic

4. Một số lưu ý khi sử dụng dược liệu mai mực

Khi sử dụng dược liệu mai mực, cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Người có da nhiệt và âm hư không dùng dược liệu mai mực;
  • Tình trạng táo bón có thể xảy ra nếu bạn dùng mai mực trong thời gian dài. Hãy nói chuyện với bác sĩ để được chỉ định thuốc nhuận tràng, đồng thời cần ăn nhiều rau xanh và bổ sung đủ 2 lít nước/ ngày;
  • Tác dụng đông cầm máu ở mai mực tán thành bột tốt hơn mai mực dạng sắc.

Trên đây là những thông tin hữu ích về vị thuốc mai mực. Bạn có thể tham khảo các bài thuốc chữa bệnh từ mai mực ở trên, nhưng hãy đảm bảo rằng đã nói chuyện với thầy thuốc trước khi sử dụng chúng để tránh các tình huống rủi ro.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe