Sử dụng cây thuốc nam chữa viêm loét dạ dày tá tràng là 1 trong những phương pháp điều trị mà người bệnh có thể sử dụng. Phương pháp này không chỉ hiệu quả vì áp dụng những nguyên lý của Y học cổ truyền mà còn an toàn và dễ kiếm trong vườn. Cùng tìm hiểu 1 số loại cây thuốc nam thường được sử dụng để hỗ trợ trong chữa viêm loét dạ dày tá tràng qua bài viết sau.
1. Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng là gì?
Viêm loét dạ dày tá tràng là 1 trong những bệnh hay gặp nhất ở đường tiêu hóa với các triệu chứng điển hình như đau bụng kèm bỏng rát vùng thượng vị với các mức độ từ âm ỉ đến dữ dội, ăn uống kém, chán ăn, ợ nóng, ợ hơi, buồn nôn, nôn,... Cơ chế gây nên các triệu chứng trên là do những tổn thương nghiêm trọng ở niêm mạc dạ dày dưới dạng các vết trợt hoặc ổ loét.
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên, nhiễm vi khuẩn HP hay Helicobacter Pylori chiếm phần lớn trong các nguyên nhân hay gặp ở người bị loét dạ dày tá tràng. Nguyên nhân phổ biến thứ hai là việc lạm dụng các loại thuốc làm thay đổi cân bằng acid – bazơ hoặc làm tổn thương niêm mạc dạ dày như thuốc chống viêm không steroid, Corticoid và Clopidogrel,... Ngoài ra, việc sử dụng nhiều các chất kích thích, thói quen ăn uống không khoa học, bỏ bữa, ăn vội vàng hoặc stress cũng là những nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày.
2. Cây thuốc nam chữa viêm loét dạ dày tá tràng
Các bài thuốc từ những loại cây thuốc nam dưới đây có thể được sử dụng để giảm các triệu chứng khó chịu, đau rát hoặc chán ăn của người bệnh.
2.1 Cây đơn tướng quân
Theo y học cổ truyền, cây đơn tướng quân có khả năng làm giảm sản xuất dịch vị, trung hòa axit dạ dày. Các ổ loét ở dạ dày hoặc tá tràng nếu được giảm cường độ tiếp xúc với acid sẽ tạo điều kiện nhanh lành các vết loét, từ đó giảm các triệu chứng viêm loét dạ dày tá tràng. Có 2 cách sử dụng cây đơn tướng quân để điều trị viêm loét là:
- Cách 1: Lấy một nắm lá đơn tướng quân sắc kỹ lấy nước đặc uống hàng ngày. Người bệnh có thể sử dụng thay nước uống hoặc nước trà.
- Cách 2: Sắc thuốc thang bằng cách phối hợp lá đơn tướng quân với các thảo dược khác. Bài thuốc gồm: Lá đơn tướng quân (80g), khổ sâm (12g), rau diếp hoang (40g). Sắc 1 thang thuốc với 2 lít nước, đun sôi khoảng 10 phút và gạn uống một lần cho hết.
2.2 Nghệ vàng giúp điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
Nghệ vàng với hàm lượng Curcumin phong phú có trong củ giúp mang lại nhiều ứng dụng trong đời sống hàng ngày. Trong nhà bếp nghệ vàng được sử dụng làm gia vị, trong y học loại cây này lại càng có nhiều tác dụng như trị vết bỏng, chữa mụn trứng cá, chăm sóc da, giảm viêm da, sẹo trên da, đau đại tràng và cả viêm loét dạ dày tá tràng. Người bệnh có thể sử dụng nghệ vàng trong các món ăn hàng ngày để chữa viêm loét dạ dày. Ngoài ra, có thể dùng nghệ vàng theo những cách sau để chữa bệnh:
- Cách 1: Uống tinh bột nghệ khoảng 30 phút trước các bữa ăn sáng và tối. Người dùng lấy 2 thìa tinh bột nghệ và khoảng 150ml nước ấm pha với nhau để uống.
- Cách 2: Nuốt trực tiếp hỗn hợp bột nghệ vàng + mật ong. Mỗi ngày 2 lần lấy 2 thìa bột nghệ và 1 thìa mật ong nguyên chất trộn chung với nhau. Người dùng có thể pha với nước ấm để dễ uống. Bài thuốc nam này không chỉ giúp cải thiện triệu chứng mà còn ngăn ngừa bệnh tái phát.
2.3 Thuốc nam trị loét dạ dày tá tràng từ cây nhọ nồi
Cây nhọ nồi luôn được nhắc đến là cây thuốc nam chữa viêm loét dạ dày dễ kiếm. Không chỉ theo y học cổ truyền mà khi phân tích thành phần từ lá cỏ nhọ nồi cũng cho thấy có nhiều hợp chất có lợi.
Cách sử dụng cây cỏ nhọ nồi để chữa viêm loét dạ dày rất đơn giản:
- Đầu tiên, chuẩn bị lá nhọ nồi (20g), liên cập thảo (20g), lộ thảo (15g) và táo (4 quả );
- Sắc cả bốn nguyên liệu cùng 1 lít nước trên lửa nhỏ, sắc cạn nước cho đến khi còn 300ml.
- Người bệnh uống ngày 2 lần sau các bữa ăn sẽ giúp giảm triệu chứng khó chịu của viêm loét dạ dày tá tràng.
2.4 Lá trầu không – cây thuốc nam trị viêm loét dạ dày tá tràng
Lá trầu không có đặc tính kháng khuẩn, sát trùng và giảm đau nên thường xuyên có mặt trong các bài thuốc nam chữa viêm loét dạ dày theo y học cổ truyền. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu tìm thấy hoạt chất tanin được trong lá trầu không giúp se khô bề mặt tổn thương, từ đó hỗ trợ tích cực trong việc làm lành vết loét ở dạ dày tá tràng.
Cách sử dụng:
- Rửa sạch 1 nắm lá trầu không trước khi vò nhẹ để tinh dầu trong lá được giải phóng ra ngoài dễ dàng.
- Tiếp theo, thả nắm lá vào 1 lít nước đã nấu sôi để nấu cùng và tiếp tục đun sôi thêm 5 phút nữa
- Gạn phần nước thu được và uống vài lần mỗi ngày liên tục trong vòng ít nhất 1 tháng để đạt được hiệu quả.
2.5 Cây chè dây
Nước trà từ chè dây là thức uống hay được sử dụng tại các tỉnh miền núi phía bắc. Tương tự lá trầu không, trong thành phần cây thuốc nam này cũng có chất tanin, là nguyên nhân tạo nên vị đắng, hơi chát và có tác dụng làm lành vết loét trong dạ dày.
Cách sử dụng:
- Mỗi lần dùng 10 – 15g cây chè dây khô. Cho phần này vào ấm nước sôi và bỏ đi lần nước đầu để loại bỏ các bụi bẩn dính trên dược liệu.
- Pha 150ml nước sôi vào ấm chè và ủ trong khoảng 10 phút.
- Sau khi chè đã ngấm và giải phóng các chất có lợi vào nước sẽ gạn uống nhiều lần trong ngày. Có thể uống ngay khi nước còn ấm hoặc để vào ngăn mát tủ lạnh uống dần.
- Người bệnh cần sử dụng ít nhất 1 tháng để đạt được hiệu quả.
Trên đây là một số cây thuốc nam chữa viêm loét dạ dày tá tràng. Đây không chỉ là những dược liệu dễ kiếm, an toàn mà còn có hiệu quả trong điều trị bệnh đã được chứng minh. Người bệnh nên sử dụng đúng cách và trong thời gian phù hợp để giúp giảm các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.