Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Tung Hoành - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Phần lớn các trường hợp viêm phổi đều chỉ cần điều trị trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, không hiếm trường hợp viêm phổi trẻ em tái đi tái lại nhiều lần. Viêm phổi tái đi tái lại có thể dẫn đến những biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
1. Viêm phổi tái đi tái lại là gì?
Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng phổ biến, có tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi.
Viêm phổi là tình trạng tổn thương của nhu mô phổi, đi kèm các triệu chứng ho, khó thở, đau ngực, nhịp thở nhanh, rút lõm lồng ngực,... Các triệu chứng có thể thay đổi theo độ tuổi của bệnh nhân. Trẻ được đánh giá là viêm phổi rất nặng khi có các triệu chứng trên, đi kèm các dấu hiệu nguy hiểm toàn thân như li bì, khó đánh thức, bỏ bú, không uống được, nôn, co giật,...
Viêm phổi dai dẳng là tình trạng viêm phổi có các triệu chứng lâm sàng và tổn thương viêm phổi trên phim chụp X-quang kéo dài trên 30 ngày dù đã được điều trị kháng sinh tối thiểu 10 ngày.
Viêm phổi tái lại là thuật ngữ để chỉ tình trạng trẻ có từ 2 đợt viêm phổi trở lên trong một năm hoặc từ 3 đợt viêm phổi trở lên ở bất kỳ thời điểm nào; giữa các đợt viêm phổi ở trẻ không có triệu chứng lâm sàng và tổn thương viêm phổi trên phim chụp X-quang.
Những nguyên nhân gây viêm phổi gồm:
- Vi khuẩn: Là nguyên nhân thường gặp nhất, chủ yếu là do phế cầu Streptococcus pneumoniae (chiếm 30 - 50% trường hợp mắc bệnh), Haemophilus influenzae (chiếm 10 - 30% trường hợp mắc bệnh), Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes, Mycoplasma pneumoniae, E.Coli, Klebsiella pneumoniae,...;
- Virus: Virus hợp bào hô hấp RSV, virus cúm A, cúm B, á cúm adenovirus,...;
- Ký sinh trùng và nấm: Candida, Toxoplasma,...
Trắc nghiệm: Làm thế nào để có một lá phổi khỏe mạnh?
Để nhận biết phổi của bạn có thật sự khỏe mạnh hay không và làm cách nào để có một lá phổi khỏe mạnh, bạn có thể thực hiện bài trắc nghiệm sau đây.2. Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ dễ tái đi tái lại
Một số nguyên nhân khiến bệnh viêm phổi ở trẻ dễ tái phát nhiều lần gồm:
- Điều kiện tự nhiên, môi trường bên ngoài và xã hội:
- Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột dễ gây tái phát viêm phổi;
- Nguồn nước, không khí ô nhiễm;
- Môi trường sống quá đông đúc, điều kiện vệ sinh kém;
- Hít phải khói thuốc lá từ người xung quanh;
- Cách thức chăm sóc trẻ hoặc sức khỏe của trẻ có vấn đề:
- Khi trẻ ra mồ hôi nhiều nhưng không thay quần áo ngay, khiến trẻ bị mồ hôi thấm ngược dẫn tới viêm phổi;
- Sử dụng sai thiết bị làm mát;
- Cho trẻ ra ngoài vào buổi sáng sớm hoặc đêm muộn khiến bé bị lạnh;
- Trẻ sinh thiếu tháng, bị loạn sản phế quản phổi;
- Chức năng phổi của bé bị suy yếu;
- Trẻ suy dinh dưỡng, thiếu kẽm, thiếu vitamin A;
- Trẻ không được tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch tiêm chủng, không được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt;
- Trẻ có dị tật bẩm sinh đường hô hấp, bị suy giảm miễn dịch, mắc hội chứng hít sặc ở phổi, bệnh tim bẩm sinh, hen, khò khè tái diễn, lao phổi, dị vật đường thở, tắc nghẽn đường thở do khối u, hẹp phế quản;
- Tình trạng kháng kháng sinh:
- Lạm dụng kháng sinh (sử dụng tràn lan, không hợp lý) khi điều trị bệnh khiến cho viêm phổi dễ tái đi tái lại;
- Thói quen tự ý mua thuốc của cha mẹ, tự ý ngừng thuốc không có chỉ định nên điều trị bệnh không triệt để, viêm phổi tái phát nhiều lần hơn và tình trạng kháng kháng sinh càng trầm trọng hơn.
3. Biện pháp phòng ngừa viêm phổi tái đi tái lại ở trẻ em
3.1 Thay đổi quan niệm sai lầm về điều trị bệnh
- Khi trẻ có dấu hiệu viêm phổi, cha mẹ nên lập tức đưa bé đi thăm khám để điều trị kịp thời;
- Phụ huynh tuyệt đối không được tự ý mua, sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho cho trẻ tại nhà. Ho là phản xạ sinh lý để tống xuất đờm ra khỏi đường thở, làm thông thoáng đường thở nên không được dùng thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ;
- Sử dụng kháng sinh điều trị viêm phổi phải tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về liều lượng, thời gian sử dụng, hạn chế tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ, đảm bảo hiệu quả điều trị triệt để.
3.2 Chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà đúng cách
- Nếu trẻ bị sốt từ 38,5°C trở lên, nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt, các lần uống thuốc nên cách nhau từ 4 - 8 giờ, hoặc có thể chườm ấm cho bé;
- Vỗ rung cho trẻ khi bé bị ho có đờm để đẩy đờm trong phế quản ra ngoài nhờ phản xạ ho của trẻ;
- Có thể cho bé dùng quất hấp mật ong, gừng, húng chanh,... để giảm ho;
- Cho trẻ tiêm ngừa theo lịch của chương trình tiêm chủng quốc gia;
- Khi thời tiết trở lạnh cần giữ ấm, khi trời nóng cần làm mát cho trẻ.
3.3 Giữ gìn vệ sinh cho trẻ
- Vệ sinh mũi, miệng bé bằng các loại khăn giấy mềm dùng một lần. Nếu dùng khăn xô thì nên chú ý vệ sinh khăn sạch sẽ, tránh để vi khuẩn/virus bám trên khăn quay trở lại cơ thể bé;
- Vệ sinh sạch sẽ nhà cả, đồ chơi, đồ dùng và quần áo của trẻ;
- Không để bé tiếp xúc với lông chó mèo, khói thuốc lá;
- Người chăm sóc trẻ cần rửa tay sạch sẽ khi bế ẵm, chuẩn bị đồ ăn cho bé.
3.4 Đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, cân đối
- Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, chú ý không uống quá nhiều nước cùng một lúc. Có thể cung cấp nước cho bé qua sữa, nước trái cây, canh, súp,... Đồng thời cần theo dõi tình trạng đi tiểu xem bé có bị thiếu nước không;
- Cho trẻ ăn những thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ nuốt và dễ tiêu hóa;
- Đa dạng các món trong các bữa ăn để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho bé;
- Cho bé ăn theo nhu cầu, nên chia thành nhiều bữa trong ngày và nếu trẻ không muốn ăn thì không nên ép bé phải ăn hết phần ăn đã được chuẩn bị.
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm phổi tái đi tái lại ở trẻ em. Điều phụ huynh cần làm là tìm cách phòng ngừa nguy cơ tái phát viêm phổi ở trẻ em bằng chế độ chăm sóc, điều trị đúng đắn. Và khi phát hiện trẻ bị viêm phổi, cần đưa bé đi khám, điều trị sớm, đúng cách để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.