Viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ có tỷ lệ mắc phải cao hơn nam giới. Đồng thời, căn bệnh này cũng không phải là hiếm gặp ở phụ nữ đang mang thai. Đó là bởi vì khi mang thai, khớp háng và xương cùng sẽ bắt đầu lỏng ra một cách tự nhiên để chuẩn bị sinh nở. Thêm vào đó là sự thay đổi trong cách đi lại của phụ nữ khi mang thai có thể khiến các khớp xương cùng chậu dễ bị viêm.
1. Viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ là gì?
Khớp cùng chậu là khớp nối giữa bên bên xương cùng và khung chậu. Đây là một cặp khớp đối xứng hai bên có trách nhiệm chịu trọng lượng của phần trên cơ thể và giữ ổn định trong khi cơ thể di chuyển trong khi phạm vi vận động khớp rất hạn chế do cấu trúc tự nhiên của nó. Vai trò chính của hai khớp cùng chậu là cho phép truyền lực hiệu quả của trọng tâm cơ thể xuống hai chân, hấp thụ lực tác động từ chân đến cột sống trong các hoạt động như đi bộ, chạy và nhảy.
Viêm khớp cùng chậu là tình trạng viêm xảy ra tại 1 hoặc cả 2 khớp này. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là gây đau ở vùng mông hoặc vùng lưng dưới và lan dài xuống một hoặc cả hai chân. Việc đi đứng liên tục hoặc leo cầu thang sẽ làm cơn đau trầm trọng hơn, ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
So với nam giới, tỷ lệ mắc phải viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ cao hơn nhiều, nhất là các đối tượng trong thai kỳ. Mặc dù cơn đau có thể bắt đầu bất cứ lúc nào trong thai kỳ, thời điểm được ghi nhận nhiều nhất là bắt đầu từ tuần thứ 18 của thai kỳ (tức giữa Tam cá nguyệt thứ 2) và trở nên dữ dội hơn khi thai kỳ tiến triển và đạt đỉnh điểm trong quá trình chuyển dạ sinh theo ngã tự nhiên. Sau đó, cơn đau thường tự khỏi trong vòng 3 tháng sau sinh nhưng trong một số trường hợp, viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ sau sinh có thể trở thành mãn tính và gây ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động thường ngày về lâu dài.
2. Cơ chế của viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
Trong thời kỳ mang thai, các cơ chế để duy trì tính ổn định của khớp cùng chậu bị ảnh hưởng, khung chậu và cột sống cần có nhiều thay đổi nhằm đáp ứng lại với tốc độ lớn dần của buồng tử cung chứa bào thai. Sự không ổn định này cho phép diện khớp tăng chuyển động một cách bất thường, tạo ứng suất cho các sang chấn nhỏ trên mặt khớp. Lâu ngày, các sang chấn này lớn dần, trở thành mối nguy cơ cho các chấn thương tại chỗ lớn hơn và hệ quả là hình thành, kích hoạt các phản ứng viêm.
Ngoài ra, nguyên nhân của sự mất tính ổn định tại khớp cùng chậu còn là do các hormone được giải phóng trong thời kỳ mang thai. Các hoạt chất này có tác dụng làm giãn dây chằng, cho phép khung xương chậu to ra, chuẩn bị cho việc sinh nở. Mặt khác, càng vào giai đoạn cuối của thai kỳ, do tử cung đang phát triển với tốc độ rất nhanh, một số cơ cốt lõi xung quanh xương chậu bị kéo căng và yếu đi, càng làm thay đổi tính bền vững của hai khớp cùng chậu.
Hơn nữa, trọng lượng cơ thể của người sản phụ tăng thêm nhiều và cách đi lại thay đổi liên quan đến thai kỳ có thể gây căng cơ đáng kể trên các khớp xương cùng chậu, có thể dẫn đến viêm khớp cùng chậu, gây ra các cơn đau nhức ở vùng lưng dưới lan xuống xương chậu phía sau.
3. Các triệu chứng của viêm khớp cùng chậu thường gặp ở phụ nữ là gì?
Viêm khớp cùng chậu có tỷ lệ thường gặp ở đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đồng thời, trong tất cả các cơn đau lưng gặp phải khi mang thai, viêm khớp cùng chậu là nguyên nhân phổ biến nhất, với tỷ lệ cao hơn gấp 4 lần so với nguyên nhân tiếp theo là đau vùng thắt lưng. Các đặc điểm của cơn đau này là:
- Đau âm ỉ trong sâu ở phía sau của xương chậu, xung quanh khớp xương cùng
- Đôi khi, cơn đau có thể lan xuống háng và đùi
- Cơn đau thường nặng hơn khi đứng, đi bộ, leo cầu thang, gác lên một chân, đứng và ngồi xuống ghế thấp, lăn qua lăn lại trên giường. Ngược lại, cơn đau sẽ được cải thiện khi nằm xuống.
4. Cách chẩn đoán viêm khớp cùng chậu trong thai kỳ
Bác sĩ sẽ thăm hỏi bệnh sử và khám sức khỏe toàn diện để xác định các nguyên nhân gây ra cơn đau trước khi quy kết cho viêm khớp cùng chậu trong các trường hợp đau lưng ở phụ nữ mang thai.
Ở người bình thường, các phương tiện hình ảnh học như chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT) cũng có thể giúp chẩn đoán. Tuy nhiên, các công cụ này là chống chỉ định trong thai kỳ nên sản phụ chủ yếu được chẩn đoán dựa vào lâm sàng.
5. Điều trị viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ mang thai như thế nào?
Phương pháp điều trị đầu tiên đối với các cơn đau do viêm khớp cùng chậu ở phụ nữ mang thai là các biện pháp tập vật lý trị liệu với các bài tập tập trung vào sự ổn định cốt lõi của vùng thân trên và xương chậu. Đôi khi, sản phụ cần được hướng dẫn đeo đai cùng chậu để bổ sung cho các bài tập ổn định khớp và giúp giảm đau nhanh chóng.
Song song đó, sản phụ cần tự mình thực hiện các động tác, vận động nhẹ nhàng hơn tại hông, lưng hoặc xương chậu. Điều này sẽ đem lại các tác dụng hiệu quả bổ trợ để giảm đau đớn cùng các bài tập chuyên biệt với bác sĩ hoặc kỹ thuật viên vật lý trị liệu. Cần lưu ý là trước các bài tập mới, cần chú trọng bước làm quen và tránh gắng sức quá mức, nhằm ngăn ngừa nguy cơ viêm khớp cùng chậu thành rối loạn chức năng khớp cùng chậu mãn tính, ngay cả khi sau sinh.
Các phương pháp điều trị thay thế khác bao gồm thuốc gây tê và tiêm steroid tại chỗ có thể giúp giảm đau, kéo dài từ một ngày hoặc lâu hơn. Thuốc uống chống viêm cũng có hiệu quả trong việc giảm đau. Tuy nhiên, hai phương pháp điều trị này là chống chỉ định trong thai kỳ nên chỉ được chỉ định với các trường hợp bệnh nhân không mang thai.
Tóm lại, viêm khớp cùng chậu thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là trong giai đoạn mang thai tam cá nguyệt cuối. Mặc dù đây là cơn đau khá phổ biến và sẽ tự thuyên giảm sau khi chuyển dạ, sản phụ cần được hướng dẫn các biện pháp hỗ trợ giảm đau hiệu quả, vừa giúp thai kỳ trở nên nhẹ nhàng hơn cũng như phòng tránh nguy cơ chuyển thành viêm khớp cùng chậu mạn tính, suy giảm khả năng vận động về lâu dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: coreconcepts.com.sg