Vì sao tiêm kháng sinh cần đề phòng sốc phản vệ?

Bài viết bởi Dược sĩ Nguyễn Văn Thắng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Những lợi ích của kháng sinh vốn rất rõ ràng khi có thể phòng ngừa bệnh, bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên trong quá trình tiêm kháng sinh cũng cần đề phòng sốc phản vệ. Đây là trường hợp rất dễ gặp và gây nguy hiểm tính mạng.

1. Sốc phản vệ là gì?

Phản vệ là một phản ứng dị ứng, xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với một yếu tố “lạ”, bao gồm cả thức ăn, thuốc và các yếu tố khác.

Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ do đột ngột giãn toàn bộ hệ thống mạch và co thắt phế quản, có thể gây tử vong trong vòng vài phút.

2. Các triệu chứng của phản vệ

Phản vệ có nhiều mức độ khác nhau, nhẹ có thể chỉ xuất hiện các biểu hiện trên da và niêm mạc như: mày đay, ngứa, cho đến mức độ nặng hơn bao gồm khó thở, tức ngực, đau bụng, buồn nôn, nôn, tụt huyết áp, ngất, rối loạn ý thức, đại tiểu tiện không tự chủ, thậm chí tử vong.

3. Kháng sinh và nguy cơ sốc phản vệ

Mọi thuốc sử dụng đều có nguy cơ gây ra sốc phản vệ. Tuy nhiên, kháng sinh là nhóm thuốc sử dụng phổ biến và nguy cơ gây phản vệ cao hơn các nhóm thuốc khác. Theo tổ chức Dị ứng Thế giới thì kháng sinh nhóm beta-lactam và sulfamid là hai trong số các nhóm thuốc có nguy cơ cao gây dị ứng. Phản ứng phản vệ có thể xảy ra ngay lần đầu tiên nhưng cũng có thể ở những lần dùng thuốc sau đó.


Sử dụng kháng sinh có nguy cơ gây ra sốc phản vệ
Sử dụng kháng sinh có nguy cơ gây ra sốc phản vệ

4. Có cần phải thử phản ứng (test) trước khi tiêm kháng sinh?

Hiện nay, theo quy định của Bộ Y tế, với người bệnh không có tiền sử dị ứng thuốc thì không bắt buộc phải thử test trước khi tiêm kháng sinh. Tuy nhiên, cần phải tiến hành test da trước khi sử dụng thuốc nếu người bệnh có tiền sử dị ứng với thuốc hoặc dị nguyên có liên quan (thuốc, dị nguyên cùng nhóm hoặc có phản ứng chéo) hoặc nếu người bệnh có tiền sử phản vệ với nhiều dị nguyên khác nhau. Bác sĩ dị ứng – miễn dịch lâm sàng sẽ tư vấn về các loại thuốc test và quy trình test cho bạn.

5. Nếu bị sốc phản vệ sẽ được điều trị như thế nào?

Sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản vệ. Thường bác sĩ sẽ cần sử dụng một loại thuốc để nâng huyết áp, chống trụy mạch có tên là adrenalin. Ngoài ra, tùy tình trạng, bác sĩ có thể dùng thêm các thuốc chống viêm, chống dị ứng, thuốc giãn phế quản. Thông thường, người bệnh sẽ được theo dõi ít nhất 48 giờ kể từ khi có biểu hiện phản ứng phản vệ để đề phòng pha 2 của phản ứng.

Sốc phản vệ là tình trạng nguy hiểm, do đó sau khi tiêm kháng sinh nếu cơ thể xuất hiện những dấu hiệu bất thường cần tới ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là đơn vị y tế chất lượng cao với đội ngũ y bác sĩ trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm, tận tâm. Hệ thống thiết bị y tế tiên tiến, đời mới, hiện đại. Các kỹ thuật điều trị đều được cập nhật thường xuyên, liên tục nhằm mang đến cho bệnh nhân những phác đồ hiệu quả nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe