Vì sao sốt rét ác tính nguy hiểm?

Sốt rét được phân chia thành hai thể chính đó là sốt rét thể thông thường và sốt rét ác tính. Người mắc bệnh sốt rét ác tính sẽ xuất hiện biến chứng đe dọa tới tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dấu hiệu nổi bật là rối loạn ý thức, sốt cao liên tục trong nhiều ngày, đau đầu dữ dội, tiêu chảy nhiều hoặc nôn.

1. Vì sao sốt rét ác tính nguy hiểm?

Sốt rét là bệnh gì? Sốt rét là bệnh truyền nhiễm, có thể lây từ người có bệnh sang người lành. Các triệu chứng điển hình của bệnh sốt rét là sốt cao, rét run, vã mồ hôi.

Bệnh sốt rét ở Việt Nam được phân chia theo 2 mức độ lâm sàng:

  • Sốt rét thông thường (thường không nguy hiểm nếu chăm sóc, nghỉ ngơi hợp lý).
  • Sốt rét ác tính (rất nguy hiểm tới tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời).

Sốt rét ác tính là một thể sốt rét nguy kịch do người bệnh bị nhiễm chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum gây nên rối loạn huyết động, tắc nghẽn vi tuần hoàn phủ tạng, nhất là ở não. Bệnh có thể gây tổn thương ở nhiều phủ tạng khác nhau như não, gan, lách, thận, tim, phổi... với cơ chế chủ yếu là giảm sự cung cấp máu, thiếu oxy ở các tổ chức.

Sốt rét ác tính là thể bệnh có tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ này cũng thay đổi tùy theo thể loại sốt rét ác tính, cơ địa của bệnh nhân và việc xử trí cấp cứu điều trị kịp thời hay chậm trễ. Chính vì vậy khi phát hiện bệnh nhân có các biểu hiện của sốt rét ác tính thì cần khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân.


Sốt rét ác tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng
Sốt rét ác tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến tính mạng

2. Dấu hiệu nhận biết sốt rét ác tính

Nhận biết dấu hiệu sốt rét ác tính là một trong những tiền đề để tránh các biến chứng không mong muốn do bệnh gây ra. Do vậy, các dấu hiệu sốt rét ác tính thường gặp gồm:

Thể não (chiếm 80-95%):

  • Gây rối loạn ý thức, li bì, mê sảng, nói nhảm, sốt cao liên tục, mất ngủ nhiều, nhức đầu dữ dội, nôn hoặc tiêu chảy nhiều.
  • Hôn mê đột ngột hoặc từ từ, hôn mê sâu dần (thông thường hôn mê kéo dài từ 1-3 ngày, phần lớn không quá 6 ngày, ít khi gặp trường hợp kéo dài đến 10-15 ngày). Co giật kiểu động kinh. Rối loạn cơ vòng, đồng tử giãn.
  • Có thể gây suy hô hấp hoặc rối loạn hô hấp. Huyết áp giảm do mất nước, hoặc tăng huyết áp do phù não. Nôn và tiêu chảy.
  • Có thể gặp suy thận, tiểu ít hoặc vô niệu, urê huyết cao, tiểu huyết sắc tố do tán huyết ồ ạt.

Thể tiểu huyết sắc tố:

  • Tán huyết ồ ạt, trụy tim mạch, suy thận.
  • Sốt thành cơn, nôn khan hoặc nôn ra dịch màu vàng.
  • Đau lưng.
  • Vàng da, niêm mạc do tán huyết.
  • Tiểu ra huyết sắc tố, nước tiểu màu đỏ nâu sau đó chuyển sang màu cà phê hoặc màu nước vối đặc, lượng nước tiểu giảm dần thậm chí dẫn đến vô niệu.
  • Thiếu máu và thiếu oxy cấp. Hồng cầu và huyết sắc tố giảm mạnh.

Thể giá lạnh:

  • Toàn thân lạnh, huyết áp tụt.
  • Da xanh tái, ra nhiều mồ hôi.
  • Đau đầu.

Thể phổi:

  • Khó thở hoặc thở nhanh, tím tái người, khạc bọt màu hồng.
  • Đáy phổi có nhiều ran ẩm, ran ngáy.

Một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh sốt rét ác tính là tiêu chảy hoặc động kinh
Một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh sốt rét ác tính là tiêu chảy hoặc động kinh

Thể gan mật:

  • Vàng da vàng mắt, buồn nôn và nôn.
  • Phân màu vàng, nước tiểu màu vàng có nhiều muối mật.
  • Hôn mê.

Thể tiêu hóa:

  • Đau bụng, nôn.
  • Tiêu chảy cấp.
  • Hạ thân nhiệt.

Sốt rét ở phụ nữ có thai:

  • Phụ nữ có thai mắc bệnh sốt rét dễ bị sốt rét ác tính hoặc sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non.
  • Bệnh sốt rét bẩm sinh: Mẹ mang thai nhiễm bệnh sốt rét và gây tổn thương tế bào nhau thai sinh con ra có thể con sẽ có bệnh sốt rét. Bệnh xuất hiện sớm ngay sau sinh, trẻ quấy khóc, sốt, vàng da, gan lách to.

Sốt rét ở trẻ em:

  • Trẻ mắc bệnh sốt rét thường sốt cao, rét run liên tục hoặc dao động.
  • Nôn, tiêu chảy, bụng chướng, gan lách to.
  • Có dấu hiệu màng não và co giật. Tỷ lệ tử vong cao.

3. Làm gì khi bị sốt rét?

Vậy khi bị bị sốt rét cần làm gì để tránh những biến chứng gây nguy hiểm cho bệnh nhân? Theo đó, người bệnh cần:

  • Tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà, tránh trường hợp lây nhiễm bệnh sang người lành. Bên cạnh đó nếu tình trạng bệnh kéo dài, không thuyên giảm sẽ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong cho người bệnh. Nên điều trị càng sớm càng tốt ngay sau khi xuất hiện các triệu chứng: trẻ em trong vòng 12 giờ, người lớn trong vòng 24 giờ.
  • Nếu trong vùng có dịch, bệnh nhân sốt rét không cần phải cách ly nhưng nếu trong vùng có dịch thì cách ly sớm để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
  • Người mắc bệnh sốt rét tuyệt đối phải dùng thuốc theo phác đồ điều trị của bác sĩ và các nhân viên y tế.

Việc điều trị sớm, đúng và đủ liều sẽ giúp cho người bệnh sớm khỏi bệnh và không tốn kém vô ích. Do đó khi có dấu hiệu sốt rét, người bệnh có thể đến khám tại các bệnh viện để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe