Nước tiểu có váng thường gây ra bởi bệnh lý cầu thận và viêm nhiễm đường tiết niệu. Để biết chính xác nguyên nhân gây bệnh, người bệnh cần đi khám sức khỏe để kiểm tra chức năng thận và xét nghiệm nước tiểu. Dưới đây là một số thông tin chính liên quan đến bệnh căn của hiện tượng nước tiểu có váng:
1. Nước tiểu có chứa protein làm nước tiểu có váng
Nước tiểu ở người khỏe mạnh có màu sắc thay đổi từ vàng nhạt đến vàng đậm tùy vào lượng nước cung cấp cho cơ thể, nhưng tuyệt nhiên không có hiện tượng nước tiểu có váng. Tuy nhiên, một vài lý do khiến độ lọc của cầu thận suy giảm, sẽ làm các chất có kích thước to không thể đi qua màng lọc, kết quả là được thải ra qua đường nước tiểu, trong đó có protein. Nước tiểu có váng rất phù hợp với triệu chứng của protein niệu. Thêm vào đó, để chứng tỏ trong nước tiểu có protein bạn có thể nhỏ giấm hoặc acid sulfosalicylic vào nước tiểu sẽ có hiện tượng kết tủa, vẩn đục.
Protein niệu là một dấu hiệu của tổn thương thận. Nhìn chung, protein niệu dương tính thường gặp trong các trường hợp sau:
- Bệnh lý ở thận: Hội chứng thận hư, viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mãn, suy thận kèm phù, ure, creatinin máu tăng.
- Bệnh lý về máu như bệnh đa u tủy xương, bệnh ung thư
- Protein niệu ở phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai 3 tháng cuối thai kỳ kèm tăng huyết áp, phù thường có khả năng nhiễm độc thai nghén. Nếu không được điều trị dự phòng có thể gây sản giật, thai chết lưu.
- Protein niệu do cơ địa: Gặp nhiều ở thanh thiếu niên dưới 30 tuổi với biểu hiện protein niệu thay đổi theo tư thế. Nếu người bệnh nằm nghỉ ngơi, duỗi dài chân tại giường thì protein niệu âm tính. Nếu người bệnh đứng lâu trên một giờ thì protein niệu trở nên dương tính. Bệnh lành tính và thường tự khỏi sau 30 tuổi.
2. Nước tiểu chứa mủ làm nước tiểu có váng
Nước tiểu có mủ là do đường tiết niệu bị nhiễm khuẩn, khiến tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính trong nước tiểu tăng cao. Bạch cầu khiến nước tiểu có màu mủ sánh, để lâu có thể có váng trên bề mặt và có cặn mủ dính ở đáy bô. Nguyên nhân nước tiểu có váng, mủ là do:
- Viêm nhiễm niệu đạo: Viêm nhiễm xảy ra do vi khuẩn gây bệnh trong niệu đạo, mà phổ biến nhất là lậu cầu. Khi đi tiểu thường kèm theo cảm giác đái rắt, đái buốt.
- Viêm tuyến tiền liệt: Viêm tiền liệt tuyến thường đi cùng với viêm niệu đạo. Ngoài nước tiểu có váng, người bệnh còn có biểu hiện sốt, đau xung quanh hậu môn, vùng trên xương mu, khó đái hoặc đái rỉ từng giọt.
- Viêm bàng quang: Người bị viêm bàng quang thường có hiện tượng đái mủ kèm đái buốt, đái rắt. Trên hình ảnh siêu âm bàng quang thấy có viêm loét, cặn của mủ.
- Thận ứ mủ: Bệnh thường có nguyên nhân tắc nghẽn như thận ứ nước, nhiễm khuẩn ngược dòng hoặc sau nhiễm khuẩn huyết.
- Đái mủ vô khuẩn: Bệnh thường xảy ra do lọt dị vật vào bàng quang, sỏi không nhiễm khuẩn, nấm, lao thận, dùng thuốc kháng sinh. Đái mủ vô khuẩn thường kèm theo khí hư âm đạo.
3. Nước tiểu chứa lipid làm nước tiểu có váng
Đi tiểu ra lipid chủ yếu là tiểu ra các thành phần acid béo, phospholipid, triglyceride, hầu như không có cholesterol, có thể là nguyên nhân nước tiểu có váng, cụ thể:
- Hội chứng thận hư: Trong hội chứng thận hư, lipid niệu có thể lên đến 0,4g – 1g trong một ngày và có thể hơn nữa, trong đó tăng hàm lượng các thành phần cholesterol, triglycerid, phospholipid.
- Thai kỳ: Đái lipid còn xảy ra ở cuối thời kỳ thai nghén
- Bệnh lý khác: Những người mắc bệnh đái tháo đường, xơ gan mật, thiểu năng tuyến giáp, suy thận giai đoạn cuối cũng dễ bị đái lipid.
4. Nước tiểu chứa dưỡng trấp làm nước tiểu có váng
Trong nước tiểu ở người khỏe mạnh không chứa dưỡng trấp. Do đó, khi bạn nhìn thấy nước tiểu có hiện tượng chứa dưỡng trấp thì cần đi khám kiểm tra chức năng thận ngay.
Biểu hiện của dưỡng trấp khi tồn tại trong nước tiểu, mà chủ yếu là triglyceride, là sẽ làm nước tiểu chuyển màu trắng sữa, để lâu sẽ đặc lại như thạch rau câu, để lâu sẽ làm xuất hiện có váng trong nước tiểu.