Vì sao người bị trầm cảm có xu hướng ăn nhiều?

Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống của bệnh nhân. Một số người bị trầm cảm có xu hướng ăn nhiều và tăng cân, một số người khác lại chán ăn do họ quá mệt mỏi để chuẩn bị bữa ăn hoặc mất cảm giác ngon miệng.

1. Trầm cảm tác động đến thói quen ăn uống như thế nào?

1.1. Ăn quá nhiều

Người bị trầm cảm thường sử dụng thực phẩm để cải thiện hoặc tránh những cảm giác tiêu cực hoặc không thoải mái như buồn bã, xấu hổ,...

Nhiều người thích các thực phẩm có chứa carbohydrate hoặc sử dụng thực phẩm một cách thoải mái như kem, bánh,... khi họ bị trầm cảm. Một lý do cho diều này đó là thực phẩm chứa nhiều carbohydrate và đường làm tăng mức serotonin, một chất hóa học trong não làm tâm trạng tốt hơn.

Trong thời gian ngắn, việc ăn thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo có thể khiến người bị trầm cảm cảm thấy bình tĩnh hơn. Nhưng về lâu dài, một chế độ ăn uống thoải mái, đều đặn có thể dẫn đến tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tim, tiểu đường và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.


Ăn thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo có thể giúp cơ thể bình tĩnh hơn
Ăn thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo có thể giúp cơ thể bình tĩnh hơn

1.2. Ăn quá ít

Nhiều người khi bị trầm cảm thấy giảm cảm giác thèm ăn. Nếu tình trạng này không được cải thiện, sau một thời gian bệnh nhân sẽ vô tình bị giảm cân.

Người bị trầm cảm có thể cảm thấy như họ không có động lực hay năng lượng để ăn. Ngoài ra, căng thẳng có thể đóng một vai trò trong việc giảm sự thèm ăn của bệnh nhân trầm cảm. Thực phẩm không còn hấp dẫn khi chúng ta lo lắng hoặc cảm thấy vô vọng.

Nhưng khi bệnh nhân ăn không đủ có thể khiến họ trở nên dễ cáu và nhạy cảm hơn. Điều này có thể làm trầm trọng thêm chứng trầm cảm của bệnh nhân.

1.3. Ăn bất cứ thứ gì có sẵn

Mua sắm và chuẩn bị các bữa ăn lành mạnh có vẻ khó khăn khi chúng ta cảm thấy chán nản và thiếu năng lượng. Kết quả là chúng ta có thể tiếp cận với các loại thực phẩm tiện lợi nhưng không mấy bổ dưỡng và không có sự đa dạng trong chế độ ăn.

Những người bị trầm cảm thường ăn đồ ăn nhanh hoặc bất cứ thứ gì họ có, chẳng hạn như hộp bánh quy cuối cùng họ có. Những bệnh nhân trầm cảm cũng dễ dàng bị mê mẩn khi ăn cùng một loại thực phẩm mọi lúc. Họ dường như không muốn thử bất cứ thứ gì khác biệt.

Những người trầm cảm thường gặp khó khăn với sự tập trung, trí nhớ và đưa ra quyết định. Điều này có thể làm cho các công việc đơn giản có vẻ như quá sức với họ. Vì vậy bệnh nhân trầm cảm có thể ăn một bát ngũ cốc cùng loại trong cả bữa trong ngày.


Người bị trầm cảm thường sử dụng đồ ăn nhanh hoặc những gì có sẵn
Người bị trầm cảm thường sử dụng đồ ăn nhanh hoặc những gì có sẵn

2. Dấu hiệu người bệnh trầm cảm ăn quá nhiều

Một trong những dấu hiệu của việc ăn nhiều khi bị trầm cảm là bắt buộc ăn nhiều hơn mức cần thiết trong khi không bao giờ họ cảm thấy hài lòng. Điều này đặc biệt đúng nếu bệnh nhân đang ăn để giải tỏa cảm xúc, trái ngược với việc ăn vì đói.

Các dấu hiệu của vấn đề ăn nhiều khi bị trầm cảm như:

  • Khó bỏ ăn.
  • Ăn nhiều lần và nhanh chóng.
  • Ăn ngay cả khi no.
  • Không bao giờ cảm thấy hài lòng.
  • Cảm thấy tê liệt, cảm xúc xa cách hoặc thờ ơ khi ăn.
  • Cảm thấy tội lỗi, chán nản hoặc chán ghét sau khi ăn quá nhiều.

3. Làm thế nào để thay đổi thói quen ăn uống khi bị trầm cảm?

Bệnh nhân bị trầm cảm cần tìm cách điều trị trầm cảm trước khi cố gắng thay đổi thói quen ăn uống. Bởi việc cố gắng ăn kiếng có thể gây khó chịu và làm phản tác dụng nếu trầm cảm chưa được giải quyết trước.

Nếu ai đó có triệu chứng trầm cảm trong hơn hai tuần và tình trạng này đang can thiệp vào chức năng bình thường cần phải tới gặp bác sĩ ngay. Người bị trầm cảm cần trao đổi với bác sĩ về sự thay đổi cân nặng hoặc sự thèm ăn của mình. Điều trị trầm cảm thường bao gồm liệu pháp tâm lý, thuốc chống trầm cảm hoặc kết hợp cả hai.

Sau khi bệnh nhân cảm thấy tốt hơn và việc điều trị bắt đầu, khi đó họ có thể lựa chọn thực phẩm để thay đổi chế độ ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng.


Nên tới gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống khoa học
Nên tới gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn uống khoa học

Khi tình trạng trầm cảm bắt đầu cải thiện, một số việc làm sau có thể giúp bạn tránh những tác động của bệnh trầm cảm với chế độ ăn:

  • Làm dịu các giác quan: người bệnh có thể tìm cách khác để an ủi cơ thể ngoài việc sử dụng thức ăn. Chẳng hạn như tắm nước ấm, quấn mình trong chăn mềm hoặc nhấm nháp trà nóng,...
  • Điều chỉnh cơn đói: khi người bệnh nghĩ rằng mình cảm thấy đói, cần dựng lại và tự hỏi xem mình có thực đói hay đang cảm thấy một điều gì khác? Khi đó họ có thể nhận thấy rằng những gì họ đang thực sự khao khát không phải là một món ăn mà cần nói chuyện với một người bạn hoặc một người thân.
  • Chế độ ăn uống đa dạng: thiếu hụt dinh dưỡng có thể làm cho tình trạng trầm cảm nặng hơn. Chính vì vậy, việc tập trung vào việc ăn nhiều loại thực phẩm, bao gồm ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, thịt và các sản phẩm từ sữa ít béo. Người bị trầm cảm có thể cân nhắc việc gặp một chuyên gia dinh dưỡng để đưa ra các kế hoạch cho các bữa ăn đơn giản, cân bằng.
  • Tăng cường năng lượng: người bị trầm cảm có thể tham gia các hoạt động cung cấp năng lượng như đi dạo, nghe nhạc, chơi với thú nuôi. Khi người bệnh làm những việc này sẽ giúp cải thiện tâm trạng, họ sẽ ăn ít hơn và đưa ra những lựa chọn thực phẩm tốt hơn.

Như vậy tình trạng ăn nhiều khi bị trầm cảm là một cách để người bệnh cải thiện hoặc trốn tránh những cảm giác tiêu cực đang gặp phải. Tuy nhiên cũng có những người bị trầm cảm lại chán ăn. Cả hai tình trạng này đều không tốt cho sức khỏe của người bệnh, cần kết hợp điều trị trầm cảm và thay đổi chế độ ăn phù hợp.

Chuyên khoa Tâm lý tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có vai trò chẩn đoán và điều trị chuyên môn về các vấn đề tâm lý con người, trong đó có bệnh trầm cảm. Chuyên khoa có đội ngũ bác sĩ Tâm lý được đào tạo bài bản, giàu chuyên môn và kinh nghiệm, cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, cho hiệu quả chẩn đoán và điều trị cao.

Để thăm khám và điều trị tại Vinmec, quý khách vui lòng đến trực tiếp hệ thống y tế Vinmec hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Nguồn tham khảo: webmd.com; healthline.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe