Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Ngứa vùng kín là triệu chứng thường gặp ở phụ nữ mang thai, hiện tượng này không chỉ gây khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày, mà có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi? Vậy nguyên nhân xuất hiện tình trạng này là gì? Cách xử lý nó ra sao? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Vì sao mẹ bầu bị ngứa vùng kín khi mang thai 3 tháng đầu?
1.1 Thay đổi nội tiết tố
Một trong những nguyên nhân gây bệnh ngứa vùng kín là do sự thay đổi nội tiết tố của cơ thể người mẹ khi mang thai. Trong giai đoạn đầu thai kỳ, cơ thể mẹ có sự thay đổi nội tiết tố, điều này gây ảnh hưởng tới sự cân bằng pH tại âm đạo. Ngoài ra, lúc này cơ thể mẹ tiết ra nhiều dịch nhầy và mồ hôi xung quanh, khiến cho vùng kín “ẩm ướt”, dễ bị vi khuẩn xâm nhập.
1.2 Vệ sinh vùng kín không đúng cách
Việc vệ sinh vùng kín không sạch hay thiếu khoa học (ví dụ như sử dụng sữa tắm vệ sinh vùng kín, dị ứng với thành phần có trong nước giặt quần áo hay giấy vệ sinh....) dễ khiến “nơi ấy” trở nên nhạy cảm, tăng nguy cơ bị vi khuẩn tấn công gây viêm và xuất hiện tình trạng ngứa ngáy, khó chịu.
1.3 Mắc các bệnh phụ khoa
Trong 3 tháng đầu mang thai, triệu chứng ngứa vùng kín kéo dài có thể là dấu hiệu nhận biết người mẹ đã mắc các bệnh lý về phụ khoa.
Viêm âm đạo: Bệnh này xảy ra là do vi khuẩn tấn công vào vùng kín gây viêm nhiễm. Bà bầu mắc bệnh này thường có triệu chứng ngoài ngứa ngày kéo dài còn kèm theo tình trạng vùng kín sưng đỏ, mẩn ngứa, đau rát, nhiều khí hư và có mùi hôi khó chịu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu: Đây là một trong những căn bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai. Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn E.Coli tấn công gây ngứa ngáy và đau rát vùng kín khi tiểu tiện.
Bệnh lây qua đường tình dục: Bệnh giang mai, lậu, Chlamydia, Herpes và Trichomonas là những căn bệnh phổ biến bị lây nhiễm thông qua đường tình dục. Người mắc bệnh này thường có cảm giác ngứa rát vùng kín, ngoài ra kèm theo các triệu chứng âm hộ sưng đỏ, khí hư màu trắng đục, khi tiểu tiện đau buốt.
Rận mu: Nếu người mẹ chỉ có cảm giác ngứa xung quanh lông mu thì khả năng lớn là mắc bệnh rận mu. Ngoài triệu chứng ngứa ngáy, mẹ bầu cũng có thể dễ dàng phát hiện những mẩn nhỏ nổi lên xung quanh mép âm đạo.
Trắc nghiệm: Bạn có hiểu đúng về dấu hiệu mang thai sớm?
Các dấu hiệu mang thai sớm không phải chỉ mỗi trễ kinh mà còn có rất nhiều dấu hiệu khác như xuất huyết âm đạo, ngực căng tức,… Điểm xem bạn biết được bao nhiêu dấu hiệu mang thai sớm thông qua bài trắc nghiệm này nhé!
2. Ngứa vùng kín khi mang thai 3 tháng đầu có nguy hiểm không?
Trước hết, ngứa vùng kín kéo dài sẽ gây khó chịu cho bản thân người mẹ, khiến người mẹ cảm thấy lo lắng. Ngoài ra,việc cảm giác không thoải mái cũng có thể gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển của thai nhi.
Thêm vào đó, tình trạng ngứa vùng kín kéo dài nếu không được chữa trị kịp thời có thể biến chứng thành các bệnh phụ khoa nguy hiểm, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi (trẻ sinh non, thiếu tháng, trẻ có nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp do bị vi khuẩn tấn công nếu người mẹ sinh thường...).
3. Phương pháp điều trị ngứa vùng kín khi mang thai
Thông thường, khi phát hiện tình trạng ngứa vùng kín trong giai đoạn đầu thai kỳ, mẹ bầu cần phải chú ý thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày để khắc phục bệnh.
- Chú ý vệ sinh sạch sẽ, sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên biệt để làm sạch vùng kín.
- Chú ý giữ vùng kín luôn sạch và khô thoáng
- Lựa chọn quần lót rộng rãi, sạch sẽ, thấm mồ hôi
Hiện tượng ngứa vùng kín sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, tuy vậy cần hạn chế tối đa việc gãi. Vì gãi có thể khiến bề mặt da bị tổn thương, từ đó vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào vùng da tổn thương gây viêm nhiễm trên diện rộng.
Nếu xuất hiện tình trạng ngứa do mắc các bệnh phụ khoa, phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay là đốt viêm hoặc dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên trong thời kỳ mang thai phương pháp đốt viêm không được phép áp dụng, còn sử dụng thuốc kháng sinh cần hạn chế tối đa để tránh gây nguy hại đến bé. Vì vậy, trong trường hợp này mẹ bầu cần đi khám để bác sĩ xem xét và đưa ra phương án điều trị thích hợp.
Ngoài ra, khi trong thời kỳ đầu mang thai mà bị ngứa vùng kín thì tuyệt đối không được sử dụng chất kích thích, đồng thời cần bổ sung các chất dinh dưỡng nhằm tăng cường sức đề kháng, đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé. Sữa chua lúc này là thực phẩm tuyệt vời dành cho mẹ bầu, vì thành phần trong sữa chua có chất giúp cân bằng độ pH trong cơ thể. Việc sử dụng sữa chua đều đặn liên tục trong vài ngày có thể khiến triệu chứng ngứa vùng kín được cải thiện rõ rệt.
Mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ nếu xuất hiện tình trạng ngứa vùng kín, kèm theo một số triệu chứng của bệnh viêm nhiễm phụ khoa, nghiêm cấm tuyệt đối việc quan hệ tình dục, tránh trường hợp bệnh phát triển nặng hơn.
Để đảm bảo sức khỏe một cách toàn diện, ngăn chặn những biến chứng không hay có thể xảy ra, mẹ bầu nên đi khám bác sĩ ngay khi xuất hiện tình trạng ngứa vùng kín, qua đó đưa ra phương pháp xử lý và điều trị kịp thời.
Tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec có các gói Thai sản trọn gói với chất lượng vượt trội, bao gồm Chăm sóc thai sản 12 tuần; Chăm sóc thai sản 27 tuần; Chăm sóc thai sản 36 tuần và khi chuyển dạ. Thai phụ sẽ được theo dõi sức khỏe từ khi đang mang thai, trong lúc sinh và sau khi sinh, chẩn đoán sớm các bệnh lý có thể xảy ra, bao gồm ngứa vùng kín khi mang thai.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.