Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức - Cấp cứu, Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Thải ghép thận là hiện tượng có thể xảy ra với những người không tuân thủ điều trị, thường xuyên bỏ liều thuốc và quên khám sức khỏe định kỳ. Do đó, người bệnh cần chú ý những điều này để hạn chế tối đa nguy cơ thải ghép.
1. Ghép thận là gì?
Ghép thận là cuộc phẫu thuật được thực hiện để thay thế quả thận bị bệnh bằng quả thận khỏe mạnh của người khác. Thận được cấy ghép có thể có nguồn gốc từ người hiến tặng nội tạng đã qua đời hoặc từ người hiến tạng sống. Người hiến tặng một quả thận có thể sống khỏe mạnh với quả thận còn lại.
Trong hầu hết các trường hợp, thận bị bệnh được giữ nguyên trong quá trình ghép thận. Thận ghép được cấy vào vùng bụng dưới ở phía trước của cơ thể.
XEM THÊM: Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau ghép thận
2. Thải ghép thận là gì?
Thải ghép thận là phản ứng bình thường của cơ thể trước một vật thể lạ. Khi quả thận mới được ghép vào cơ thể người, cơ thể người đó sẽ coi thận mới là mối đe dọa và cố gắng tiết ra kháng thể tấn công để loại bỏ nó mà không nhận ra thận mới được cấy ghép là có lợi với cơ thể.
Để thận được ghép có thể sống thành công trong một cơ thể mới, phải dùng thuốc để đánh lừa hệ miễn dịch chấp nhận việc cấy ghép, không coi đó là một vật thể lạ.
XEM THÊM: Sau khi ghép thận có cần tiêm thuốc chống thải ghép nữa không?
3. Vì sao bị thải ghép thận?
Có nhiều lý do gây thải ghép thận, trong đó chủ yếu là do:
- Đông máu: Là hiện tượng mạch máu đến thận được cấy ghép bị đông lại làm thận không được cung cấp máu để tồn tại. Điều này có thể xảy ra ngay sau phẫu thuật.
- Tụ dịch: Thận có thể bị tổn thương nếu có tụ dịch quanh thận do áp lực nếu không được điều trị.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng thận có thể gây tổn thương thận vĩnh viễn nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây hại cho thận.
- Các vấn đề về thận của người hiến tặng: Nếu quả thận của người hiến tặng đã gặp vấn đề trước khi cấy thì quả thận sẽ không thể hoạt động tốt trong thời gian dài.
- Không tuân thủ y lệnh: Ngừng dùng thuốc chống thải ghép hoặc bỏ liều sẽ kích động hệ miễn dịch tiếp tục cố gắng đào thải quả thận đó. Lâu dần sẽ làm tổn thương thận đến mức phải chạy thận nhân tạo.
- Bệnh tái phát: Căn bệnh đã làm hỏng thận ban đầu của bạn quay trở lại và làm hỏng thận được ghép.
- Thải ghép cấp tính: Xảy ra ngay sau phẫu thuật cấy ghép, hiện nay khá hiếm nhưng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
- Thải ghép mãn tính: Đây là lý do phổ biến nhất khiến các ca ghép thận thất bại. Đây là tổn thương lâu dài do hệ miễn dịch của cơ thể gây ra vì nhiều lý do khác nhau.
4. Dấu hiệu của thải ghép thận
Mỗi người có thể có các triệu chứng thải ghép thận khác nhau. Dưới đây là các triệu chứng thải ghép thận phổ biến nhất:
- Sốt
- Thận hoạt động kém
- Tăng nồng độ creatinin trong máu
- Huyết áp cao
Nếu xuất hiện bất kỳ một trong các triệu chứng này, bạn cần thông báo ngay cho bác sĩ được biết để điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp.
XEM THÊM: Vai trò của siêu âm trong đánh giá các biến chứng sau ghép thận
5. Làm gì để ngăn thải ghép thận?
Bạn phải dùng thuốc trong suốt phần đời còn lại để chống thải ghép thận. Mỗi cơ thể phù hợp với loại thuốc chống thải ghép khác nhau. Trong đó, có một số loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm:
- Cyclosporine
- Tacrolimus
- Azathioprine
- Mycophenolate mofetil
- Prednisone
- Okt3
- Antithymocyte ig (atgam)
Liều lượng thuốc chống thải ghép sẽ được điều chỉnh tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể với thuốc. Thuốc chống thải ghép gây ảnh hưởng lên hệ miễn dịch nên có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cho người bệnh trong thời gian sử dụng thuốc, đặc biệt là vài tháng đầu sau ghép thận, thời điểm cần sử dụng thuốc chống thải ghép với liều cao. Do đó, trong khoảng thời gian này, rất có thể bạn sẽ được kê các đơn thuốc kết hợp để phòng các bệnh nhiễm trùng.
Để cân bằng giữa việc ngừa chống thải ghép và nguy cơ nhiễm trùng, xét nghiệm máu sẽ được thực hiện định kỳ để đảm bảo bạn không nhận quá nhiều hoặc ít thuốc. Chỉ số bạch cầu cũng là một yếu tố quan trọng để điều chỉnh lượng thuốc của bạn.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã đưa thuốc Tacrolimus vào hệ thống chăm sóc và điều trị, nhằm đảm bảo người bệnh được sử dụng chế độ liều tacrolimus phù hợp để tối ưu hóa hiệu quả điều trị, giảm thiểu nguy cơ thải ghép thận cũng như hạn chế các tác dụng không mong muốn của thuốc. Do đó, bệnh viện sẽ giúp bệnh nhân sau ghép thận nâng cao chất lượng cuộc sống và duy trì được chế độ sinh hoạt thường nhật mà người bệnh đã từng có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: stanfordhealthcare.org, kidney.org