Yếu tố Rh trong nhóm máu mang tính di truyền từ bố mẹ, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhóm máu của con cái. Việc xác định nhóm máu là rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe mỗi người. Nhất là với phụ nữ mang thai, cần dự phòng bất đồng nhóm máu trong lần mang thai đầu tiên.
1. Kháng thể Rhesus trong máu là gì?
Ngoài cách chia máu thành các nhóm khác nhau nhờ protein đặc hiệu cho nhóm máu trên bề mặt tế bào hồng cầu như: Nhóm máu A, nhóm máu B, nhóm máu AB và nhóm máu O thì có thể nhỏ hơn dựa vào yếu tố Rh trong máu.
Tất cả các nhóm máu đều có thể chia nhờ yếu tố này, nếu bạn có yếu tố Rh(+) nghĩa nhóm máu của bạn sẽ là Rh(+), ngược lại nếu protein này không xuất hiện sẽ là nhóm Rh(-).
Trên thực tế, số người có nhóm máu Rh(-) là rất ít, chiếm đa số vẫn là nhóm máu Rh(+). Ở Việt Nam, người có nhóm máu Rh(-) được coi là người có nhóm máu hiếm. Bởi tỉ lệ xuất hiện nhóm máu này rất thấp chỉ khoảng 0.04% đến 0,07%.
2. Tại sau phụ nữ mang thai phải dự phòng bất đồng nhóm máu?
- Người mang nhóm máu Rh(-) sẽ không ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai thì yếu tố Rh(+) trong máu có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cả thai phụ và thai nhi.
- Trong trường hợp thai phụ có nhóm máu Rh(-) còn người đàn ông mang Rh(+) thì thai nhi sẽ có 50% có nhóm máu Rh(+) di truyền từ bố và phát triển trong cơ thể mang Rh(-) của người mẹ. Thường thì sự bất đồng nhóm máu mẹ và con sẽ không gây ảnh hưởng gì đến người mẹ trong lần mang thai đầu tiên. Nhưng thai phụ vẫn cần kiểm tra và theo dõi đặc biệt trong suốt thời kỳ mang thai để dự phòng bất đồng nhóm máu.
- Sự nguy hiểm sẽ xuất hiện sau khi thai phụ chuyển dạ ở thai đầu thì có thể máu của thai nhi sẽ bị trộn lẫn với máu của người mẹ. Cơ thể người mẹ lần đầu tiếp xúc với yếu tố Rh(+) từ thai nhi sẽ lập tức sản xuất ra kháng thể chống lại vật lạ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lần mang thai tiếp theo, nếu thai nhi vẫn mang Rh(+). Trường hợp xấu hơn ảnh hưởng cho cả lần mang thai đầu tiên là khi thai phụ xảy ra tình trạng mang thai ngoài tử cung, bị sảy thai hoặc gặp yếu tố Rh(+) khi được truyền nhóm máu Rh(+) cũng sẽ kích thích tạo ra kháng thể.
- Cơ thể thai phụ đã sản sinh ra kháng thể Rhesus thì khi phát hiện yếu tố Rh(+) trên tế bào máu của thai nhi sẽ chủ động tấn công chúng. Kháng thể có trong máu người mẹ sẽ đi qua nhau thai xâm nhập vào máu của thai nhi và phá hủy chúng. Hậu quả ngay lập tức sẽ là tình trạng thiếu máu trầm trọng ở thai nhi do lượng hồng cầu bị phá hủy là quá lớn. Đây được gọi là bệnh tán huyết hay tiêu máu do bất đồng nhóm máu mẹ và con. Khi này thai nhi nhẹ thì có nguy cơ vàng da, nặng thì có thể gây suy tim, suy gan thậm chí dẫn đến sảy thai, thai lưu ảnh hưởng đến tính mạng cả người mẹ lẫn thai nhi.
3. Cần làm gì để dự phòng kháng thể Rhesus?
Việc dự phòng bất đồng nhóm máu trong lần mang thai đầu tiên là rất quan trọng, bởi một khi cơ thể người mẹ đã sản sinh ra kháng thể thì kháng thể sẽ tồn tại trong máu vĩnh viễn không mất đi.
Ngày nay có thể dự phòng kháng thể Rhesus bằng cách tiêm chất Anti-D – immunoglobulin vào cơ vùng đùi của người mẹ. Anti - D sẽ nhanh chóng phá hủy tế bào hồng cầu mang Rh(+) của thai nhi trước khi cơ thể người mẹ kịp tạo ra kháng thể Rhesus. Nhờ vậy mà người mẹ sẽ không tạo ra kháng thể Rhesus tấn công hồng cầu của thai nhi.
Anti- D được lấy từ huyết tương người cho thông qua hai bước kiểm tra cẩn thận. Kiểm tra lần đầu sẽ là phỏng vấn tiền sử bệnh án và sàng lọc kỹ hơn về các bệnh HIV, viêm gan siêu vi B hay viêm gan siêu vi C. Tuy tỷ lệ là rất nhỏ nhưng đã có trường hợp Anti- D gây ra phản ứng dị ứng cho người mẹ. Nên sau khi tiêm thai phụ cần ở lại bệnh viện ít nhất 20 phút để đảm bảo an toàn.
Phải đặc biệt lưu ý Anti - D không có khả năng loại bỏ kháng thể Rhesus đã có nên nó sẽ hoàn toàn vô dụng nếu cơ thể người mẹ đã có kháng thể Rhesus.
4. Thai phụ đã có kháng thể Rhesus phải làm gì?
Tuy bất đồng nhóm máu mẹ và con là rất nguy hiểm nhưng y học hiện đại ngày nay thì thai phụ mang Rh(-) cũng có thể sinh con an toàn, sinh con nhiều lần. Thai phụ nên đi khám thai định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Nếu lần khám thai đầu tiên vào lúc thai nhi 28 tuần tuổi mà phát hiện kháng thể Rhesus trong cơ thể thì thai phụ cần theo đặc biệt để tìm dấu hiệu thiếu máu ở thai nhi. Có thể truyền bổ sung máu cho thai nhi trước khi sinh để tránh bệnh huyết tán. Thai phụ cần tiêm một liều Anti - D vào tuần thứ 28 và tiêm thêm mỗi liều nhắc lại vào tuần thai thứ 34.
Mỗi người ai cũng nên thực hiện xét nghiệm Rh để biết được chính xác nhóm máu của mình, đề phòng các trường hợp cần hiến máu, truyền máu, đặc biệt nó rất quan trọng trong việc dự phòng bất đồng nhóm máu trong lần mang thai đầu tiên. Tóm lại, việc xét nghiệm nhóm máu đóng vai trò quan trọng và xuyên suốt quá trình mang thai của mẹ bầu. Phát hiện bất đồng nhóm máu, mẹ bầu sẽ được hướng dẫn, tư vấn chỉ định phương pháp giải quyết phù hợp, mang lại hiệu quả tốt nhất cho sức khỏe của mẹ và bé.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.