Vàng da do bất đồng nhóm máu ABO

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Hồ Thị Hồng Tho - Bác sĩ Nhi sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Vàng da do tăng bilirubin tự do ở trẻ sơ sinh là hiện tượng sinh lý. Tuy nhiên khi mức độ vàng da tăng nhanh và nhiều thường khá nghiêm trọng và có thể gây ra tổn thương não, sau đó là bại não, di chứng nặng nề nếu không được tích cực điều trị. Bất đồng nhóm máu giữa mẹ và con là một trong những nguyên nhân gây vàng da sơ sinh nặng.

1. Nhóm máu là gì?

Nhóm máu là một trong những đặc điểm nhận dạng một người cụ thể. Nhóm máu được xác định dựa trên sự hiện diện của các protein kháng nguyên trên bề mặt các tế bào hồng cầu.

Dựa vào các loại protein trên bề mặt các bào hồng cầu, máu được phân thành các nhóm với các ký tự là A, B, O. Theo đó, cách phân định nhóm máu theo ABO có thể là nhóm máu A, nhóm máu B, nhóm máu AB hoặc nhóm máu O. Điều này là do có hai loại protein kháng nguyên, đại diện bởi A và B. Một người có nhóm máu A có nghĩa là có kháng nguyên A trên các tế bào hồng cầu của họ. Tương tự như vậy với kháng nguyên B. Tuy nhiên, một người có nhóm máu AB có nghĩa là trên các tế bào máu có cả hai loại kháng nguyên trong khi nhóm máu O có nghĩa là không có kháng nguyên nào.

Đối với hệ kháng nguyên Rhésus (Rh), máu sẽ được phân thành hai nhóm với Rh là dương tính hoặc âm tính, được viết là Rh + hoặc Rh-. Người có nhóm máu Rh là dương tính có nghĩa là có protein Rh trên bề mặt hồng cầu và ngược lại đối với Rh âm tính.

Như vậy, chỉ với cách phân định nhóm máu theo hệ ABO và Rh khi được mô tả cùng nhau đã có đến tám nhóm máu khác nhau là A +, A-, B +, B-, AB +, AB-, O + và O-. Tuy nhiên, đây chỉ là cách phân định thường gặp và còn nhiều cách phân định nhóm máu khác nhưng mức độ phổ biến thấp nên ít được nhắc đến.


Nhóm máu gồm nhóm máu A, nhóm máu B, nhóm máu AB, nhóm máu O
Nhóm máu gồm nhóm máu A, nhóm máu B, nhóm máu AB, nhóm máu O

2. Bất đồng nhóm máu là gì?

Nhóm máu của bào thai được quy định là do sự phối hợp của hai bộ nhiễm sắc tử đến từ trứng và tinh trùng. Theo đó, trẻ được nhận một nửa bộ gen từ mẹ và một nửa bộ gen từ cha, sự kết hợp đó sẽ xác định máu của trẻ thuộc nhóm ABO và Rh nào.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm vẫn xảy ra bất đồng nhóm máu giữa mẹ với bào thai. Sự bất đồng này sẽ phân loại tùy vào hệ phân loại nhóm máu.

2.1. Không tương thích Rh

Không tương thích Rh xảy ra trong thai kỳ nếu mẹ là Rh- và em bé là Rh+. Đây là vấn đề nghiêm trọng khi cơ thể mẹ không nhận biết protein Rh từ trước và sẽ coi nó như một chất lạ (kháng nguyên). Trong quá trình mang thai nếu nhau thai bị tổn thương (dọa sẩy thai) hoặc khi nhau thai bong trong quá trình bà mẹ chuyển dạ thì các kháng nguyên Rh từ bào thai đi vào tuần hoàn của mẹ qua dây rốn, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra các kháng thể gắn vào kháng nguyên và khởi động một cuộc tấn công vào tế bào hồng cầu của bào thai. Hệ quả là thường gây sảy thai từ rất sớm.

Tuy nhiên, điều may mắn rằng đây không phải là một vấn đề phổ biến vì hầu hết mọi người có nhóm máu Rh+. Mặc dù vậy, trong dân số vẫn có khoảng 13% người nữ có Rh- và có nguy cơ mang thai không tương thích Rh. Điều này sẽ xảy ra khi người cha là Rh+ hoặc hoàn toàn không biết tình trạng Rh trước đó. Cuối cùng, sự không tương thích Rh giữa mẹ và thai nhi có thể gây ra một tình trạng gọi là bệnh tan máu bẩm sinh của trẻ sơ sinh. Nếu trẻ còn sống cho đến lúc sinh ra đời cũng sẽ bị vàng da sơ sinh rất nặng nề.

2.2. Không tương thích ABO

Người mẹ và bào thai cũng có thể có sự không tương thích nhóm máu ABO và cũng có thể gây ra bệnh tan máu bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, so với hệ Rh, sự không tương thích này thường có hậu quả ít nghiêm trọng hơn. Đây là tình trạng xảy ra khi mẹ có nhóm máu O và em bé là A, B hoặc AB. Giống như sự không tương thích Rh, điều này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của mẹ, xem các kháng nguyên A hoặc B trong máu của thai nhi là các chất lạ và gây ra phản ứng miễn dịch, tấn công và tiêu hủy chúng.

3. Vàng da do bất đồng nhóm máu ABO và bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh là gì?

Sự không tương thích máu giữa mẹ và bé có thể gây ra các biến chứng khác nhau, trong đó nổi bật là bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh với các biểu hiện bao gồm thiếu máu và vàng da. Vàng da luôn là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh khi vàng da xảy ra rất sớm trong 24 giờ đầu đời và diễn tiến rất nhanh. Đối với sự không tương thích nhóm máu hệ ABO, mức độ thường nhẹ và sẽ biến mất theo thời gian.

Tuy nhiên, với sự không tương thích Rh, hậu quả có thể rất nghiêm trọng, đôi khi có thể đe dọa đến tính mạng của em bé. Lúc này, trẻ sơ sinh có thể được sinh ra tình trạng vàng da nghiêm trọng, được đặc trưng bởi sự tích tụ của một chất gọi là bilirubin - là sản phẩm được giải phóng ra sau quá trình phân hủy của hồng cầu. Sự tích tụ bilirubin chính là nguyên nhân gây ra màu vàng đặc trưng quan sát thấy trên da và củng mạc mắt của trẻ.

Thông thường, gan sẽ là cơ quan có nhiệm vụ xử lý bilirubin và đào thải khỏi cơ thể qua đường ruột và bài tiết. Ở trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh, do sự phá vỡ các tế bào hồng cầu diễn ra ồ ạt với số lượng quá lớn, tốc độ chuyển hóa của gan không theo kịp, gây tích tụ bilirubin trong máu với nồng độ cao và biểu hiện vàng da.

Vàng da tăng bilirubin tự do là một hiện tượng sinh lý bình thường sau sinh của bé nó thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 kéo dài 7 đến 10 ngày sau đẻ. Tuy nhiên khi vàng da nhiều có thể hậu quả nghiêm trọng là tích tụ bilirubin sẽ có nguy cơ gây ra tổn thương não, gọi là vàng da nhân (kernicterus).

Vàng da nhân xảy ra khi nồng độ bilirubin cao đến mức chất này di chuyển vào não. Lúc này, trẻ sơ sinh không chỉ bị vàng da nặng mà còn có thể có các dấu hiệu rối loạn tri giác như thờ ơ hay lừ đừ, ngủ gà, li bì. Ngoài ra, trẻ cũng có các dấu hiệu khác của tổn thương não như yếu cơ, giảm phản xạ xen kẽ với các cơn gồng cứng cơ, cong lưng và cổ, tiếng khóc kêu the thé, sốt và co giật.

Bất đồng nhóm máu mẹ con và vàng da nhân được coi là một tình trạng cấp cứu y tế. Trẻ cần được tích cực điều trị đào thải bilirubin với liệu pháp ánh sáng và xem xét kết hợp với thay truyền máu nhằm giảm thiểu mức độ tổn thương gây ra cho não, ngăn chặn diễn tiến đến biến chứng bại não do vàng da.


Không tương thích ABO có thể gây ra bệnh tan máu bẩm sinh
Không tương thích ABO có thể gây ra bệnh tan máu bẩm sinh

4. Cách ngăn ngừa và điều trị vàng da do bất đồng nhóm máu ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Một điều may mắn là sự không tương thích nhóm máu có thể được chủ động ngăn ngừa bằng xét nghiệm máu sớm trong thai kỳ. Nếu tìm thấy sự không tương thích nhóm máu ABO hay Rh, phương pháp điều trị bằng globulin miễn dịch sẽ được thực hiện trong khoảng 28 tuần khi mang thai. Các protein này khi được đưa vào cơ thể của người mẹ sẽ trung hòa kháng thể đã tạo ra cũng như góp phần ngăn cản hệ thống miễn dịch sản xuất thêm các kháng thể mới, hạn chế đến mức tối đa sự tấn công vào các tế bào hồng cầu của bào thai. Từ đó, việc tầm soát sớm và điều trị phòng ngừa chủ động sẽ tránh để cho cho ra đời một đứa trẻ bị vàng da nặng dẫn đến tổn thương não.

Việc phòng bệnh luôn luôn là điều tốt. Tuy nhiên, nếu đã quá muộn và trẻ sơ sinh bị tan máu bẩm sinh, trẻ cần được theo dõi sát tình trạng vàng da cũng như xét nghiệm định lượng nồng độ bilirubin trong máu, giúp giữ bé nằm trong một khoảng an toàn cho đến khi gan có thể đào thải hoàn toàn bilirubin ra ngoài. Nếu tình trạng tan máu nặng nề dẫn đến thiếu máu, trẻ sơ sinh cần được tiến hành thay truyền máu sớm với thể tích phù hợp. Song song đó, trẻ cũng được thực hiện liệu pháp ánh sáng nhằm đào thải nhanh bilirubin ra ngoài. Ngoài ra, chế độ chăm sóc tích cực như tăng cữ bú, tăng lượng sữa mỗi cữ cũng giúp tăng lượng phân và nước tiểu, làm tăng tốc độ bài tiết bilirubin.

Để phòng ngừa tai biến do bất đồng nhóm máu mẹ con, sản phụ nên khám và sàng lọc trước khi mang thai giúp chủ động và phát hiện sớm các yếu tố có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé. Đặc biệt, trong trường hợp lần sinh nở đầu tiên đã có hiện tượng bất đồng nhóm máu hệ ABO, sản phụ nên sinh lần hai cách xa lần đầu để lượng kháng thể trong cơ thể giảm xuống, sẽ tốt hơn cho thai kỳ và nên cân nhắc nên lựa chọn các gói khám thai sản trọn gói để theo dõi chặt chẽ giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con từ khi bắt đầu mang thai đến lúc chuyển dạ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có dịch vụ thai sản trọn gói như một giải pháp giúp mẹ bầu an tâm vì đã có sự đồng hành của đội ngũ y bác sĩ trong suốt thai kỳ. Khi lựa chọn Thai sản trọn gói, thai phụ được:

  • Quá trình mang thai được theo dõi bởi đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn
  • Thăm khám đều đặn, phát hiện sớm các vấn đề bất thường
  • Thai sản trọn gói giúp thuận tiện cho quá trình sinh đẻ
  • Trẻ sơ sinh được chăm sóc toàn diện

XEM THÊM:

Video đề xuất:

Ngân hàng máu cuống rốn Vinmec - giải pháp cho bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe