Nhiều người bị rối loạn lo âu sợ hãi kéo dài nhưng không biết nguyên nhân tại sao và cũng không biết bản thân đang mắc chứng bệnh này. Từ đó đã chần chừ việc chữa trị và gây ra những biến chứng tâm lý nghiêm trọng gây trầm cảm, rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi.
1. Rối loạn lo âu sợ hãi là gì?
Rối loạn lo âu sợ hãi về bản chất là trạng thái sợ hãi, lo lắng, căng thẳng quá mức trong thời gian dài, gây ra rối loạn lo âu và không thể kiểm soát được. Trong các loại rối loạn tâm thần, rối loạn lo âu là bệnh lý phổ biến nhất nhưng lại thường khó phát hiện và không được điều trị.
2. Vì sao bị rối loạn lo âu sợ hãi kéo dài?
Hiện nay, nguyên nhân gây rối loạn lo âu sợ hãi, rối loạn lo âu hoang tưởng, rối loạn lo âu sợ xã hội chưa được xác định đầy đủ. Các nhà nghiên cứu cho rằng rối loạn lo âu nói riêng và rối loạn tâm thần nói chung thường liên quan đến hóa chất - chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. Tuy nhiên, nguyên nhân gây rối loạn lo âu sợ hãi có thể kết hợp của nhiều yếu tố như quá trình sinh học của cơ thể, di truyền, môi trường sống xung quanh với nhiều tình huống căng thẳng.
>>> Xem thêm: Các triệu chứng do rối loạn lo âu gây nên
Rối loạn lo âu là bệnh lý rối loạn tâm thần phổ biến nhất, trong đó, nỗi sợ hãi, lo âu có thể bắt đầu từ thời thơ ấu và kéo dài đến giai đoạn trưởng thành, cuộc sống hiện tại, người bệnh vẫn bị rối loạn lo âu ám ảnh sợ hãi. Các yếu tố sau được cho là nguy cơ hình thành rối loạn lo âu sợ hãi kéo dài:
- Tổn thương từ thời thơ ấu: Những tổn thương từ thời thơ ấu, tuổi thơ bất hạnh, chứng kiến nhiều hình ảnh làm tổn thương tâm lý.
- Mắc bệnh nan y: Rối loạn lo âu là vấn đề phổ biến ở những bệnh nhân ung thư, người bệnh lo lắng khi khối u, triệu chứng bệnh xuất hiện, sợ hãi về cái chết, lo sợ việc điều trị, khối u tái phát, di căn và cả gánh nặng về tài chính.
- Căng thẳng, stress: Liên tục đối mặt với nhiều tình huống căng thẳng trong cuộc sống có thể là khởi nguồn của nỗi lo lắng, sợ hãi quá mức và dẫn đến rối loạn lo âu sợ hãi kéo dài.
- Rối loạn nhân cách: Rối loạn nhân cách là một trong những dạng nhân cách có thể phát sinh rối loạn lo âu do không được đáp ứng nhu cầu về tâm lý.
- Di truyền: Trong cùng gia đình có thể có nhiều thành viên mắc chứng rối loạn lo âu.
3. Biểu hiện rối loạn lo âu sợ hãi
Khi lo lắng, sợ hãi vượt mức kiểm soát và kéo dài trở thành rối loạn lo âu, người bệnh có biểu hiện sau:
- Lo âu, hoảng sợ xuất hiện đột ngột, kéo dài từ vài phút đến vài ngày, thậm chí vài năm
- Lo âu không rõ ràng, hoảng loạn
- Kèm theo trầm cảm
- Bồn chồn, lo lắng, khó tập trung, nhức đầu
- Mệt mỏi, căng cơ, đổ mồ hôi, cảm thấy nghẹt thở
- Rối loạn giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ, ngủ không ngon giấc
- Đau bụng, tiêu chảy
- Dễ bị kích thích, cáu gắt, khó chịu
4. Chẩn đoán, điều trị rối loạn lo âu sợ hãi kéo dài
Nếu sự lo lắng quá mức trở thành rối loạn lo âu sợ hãi kéo dài và không thể kiểm soát, loại bỏ được, ảnh hưởng đến sinh hoạt, cuộc sống, lúc này người bệnh cần tìm đến sự trợ giúp của các bác sĩ chuyên khoa.
Chẩn đoán rối loạn lo âu sợ hãi dựa vào bệnh sử của bản thân và gia đình, thăm khám sức khỏe và làm xét nghiệm để kiểm tra xem rối loạn lo âu là do vấn đề về sức khỏe hay tâm thần gây ra.
Rối loạn lo âu được chẩn đoán khi người bệnh có đủ những tiêu chí sau:
- Lo âu quá mức diễn ra hàng ngày kéo dài lên đến 6 tháng hoặc hơn.
- Không xác định được nguyên nhân gây lo âu.
- Lo âu không thể kiểm soát được.
- Lo âu gây cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống hàng ngày.
- Lo âu có kèm theo một số triệu chứng đặc hiệu khác như rối loạn giấc ngủ, căng cơ, khó tập trung, ...
Rối loạn lo âu sợ hãi kéo dài nếu không được chữa trị có thể gây biến chứng tâm lý nghiêm trọng như mất ngủ, trầm cảm, nhức đầu, đau dạ dày, lạm dụng chất gây nghiện, tật nghiến răng.
Có nhiều phương pháp điều trị chứng rối loạn lo âu khác nhau, nhưng thường kết hợp liệu pháp tâm lý và dùng thuốc (thuốc chống lo âu, thuốc chống trầm cảm).
Việc dùng thuốc có thể cần thời gian để chọn lựa loại thuốc phù hợp, điều trị hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ ít nhất cho bệnh nhân. Dù sử dụng loại thuốc nào cũng cần lưu ý phải có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh tránh tự ý mua thuốc điều trị rối loạn lo âu sợ hãi.
Liệu pháp tâm lý phổ biến được dùng để điều trị rối loạn lo âu là nhận thức hành vi. Liệu pháp này giúp làm giảm, điều chỉnh, cải thiện suy nghĩ tiêu cực, từ đó hình thành cách ứng xử tích cực, lành mạnh hơn với cả những tình huống khó khăn, không mong muốn. Liệu pháp này thường được áp dụng điều trị trong ngắn hạn.
Nhìn chung, điều trị rối loạn lo âu tùy thuộc vào từng trường hợp bệnh nhân với triệu chứng, mức độ khác nhau. Rối loạn lo âu sợ hãi kéo dài có thể do các tình huống, môi trường xung quanh gây ra căng thẳng, lo lắng quá mức và liên tục trong một thời gian dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.