Vì sao bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường rất đau đớn?

Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường phải chịu đựng những nỗi đau đớn cả về thể chất lẫn tinh thần. Các cơn đau lâu ngày không được điều trị có thể dẫn tới những ảnh hưởng nghiệm trọng về sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.

1. Đau trong ung thư là như thế nào?

Đau trong ung thư là những cơn đau xảy ra trong thời gian ngắn (đau cấp tính) hoặc kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định (đau mãn tính) do sự chèn ép hay di căn của một khối u sang các bộ phận khác của cơ thể. Thêm vào đó, các phương pháp điều trị (xạ trị, hóa trị, phẫu thuật) và quá trình chẩn đoán; những thay đổi trong cơ thể do mất cân bằng nội tiết tố và đáp ứng miễn dịch cũng có thể là nguyên nhân chính gây ra những cơn đau đớn trong ung thư.

Sự đau đớn của bệnh nhân ung thư có thể xuất hiện liên tục, đôi khi tăng đột ngột về cường độ gây cảm giác đau nhói; hoặc đau gián đoạn. Cơn đau đôi khi cũng chớp nhoáng, bùng phát; đây được gọi là đau đột phá và cần phải sử dụng thuốc giảm đau có tác dụng tức thời để khống chế cơn đau.

Những người bị ung thư thường phải trải qua các cơn đau dữ dội, và khiến họ cảm thấy khó chịu cũng như đau đớn. Tuy nhiên, có thể điều trị thành công tới 95% cơn đau do ung thư. Cơn đau không được điều trị có thể làm cho các khía cạnh khác của bệnh ung thư trở nên tồi tệ hơn. Bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Cơ thể suy nhược
  • Khó thở
  • Buồn nôn
  • Táo bón
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Phiền muộn
  • Lo lắng, bất an
  • Rối loạn tâm thần

Sự đau đớn của bệnh nhân ung thư có thể xuất hiện liên tục
Sự đau đớn của bệnh nhân ung thư có thể xuất hiện liên tục

2. Nguyên nhân gây ra đau trong ung thư

Đau trong ung thư có thể đến từ chính khối u, các phương pháp điều trị ung thư hoặc nguyên nhân không liên quan đến ung thư.

  • Đau do khối u:

Khối u khi thâm nhiễm vào các tổ chức mô có thể gây viêm, nhiễm trùng, làm bệnh nhân cảm thấy đau đớn. Khối u có thể ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn, hoặc gây ra chứng huyết khối tĩnh mạch sâu khi nó đè ép vào tĩnh mạch; gây ra các triệu chứng sưng và đau ở bắp chân. Ngoài ra, những thành phần của hệ thần kinh như não, tủy sống, dây thần kinh, plexa hoặc hạch cũng có thể chịu tổn thương nghiêm trọng khi bị khối u đè ép, xâm lấn.

  • Đau do phẫu thuật:

Thông thường, các bệnh nhân ung thư sau khi phẫu thuật đều có khả năng phải trải qua sự đau đớn. Tuy nhiên, hầu hết các cơn đau sẽ tự biến mất sau một thời gian. Nhưng có một số trường hợp bị đau kéo dài hàng tháng hoặc hàng năm. Sự đau đớn của bệnh nhân ung thư có thể là do các dây thần kinh bị tổn thương vĩnh viễn hoặc sự phát triển của mô sẹo.

  • Đau do xạ trị:

Đau có thể phát triển sau khi xạ trị và tự khỏi. Nó cũng có thể phát triển đến một số bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như ngực, vú hoặc tủy sống sau khi xạ trị vài tháng hoặc nhiều năm.

  • Đau do hóa trị:

Một số hóa trị liệu có thể gây đau và tê ở ngón tay hoặc ngón chân, được gọi là bệnh thần kinh ngoại biên. Thông thường cơn đau này biến mất khi điều trị kết thúc.

  • Các nguyên nhân khác:

Những người bị ung thư vẫn có thể bị đau do các nguyên nhân khác. Chúng bao gồm đau nửa đầu, viêm khớp hoặc đau thắt lưng mãn tính. Những loại đau này không nằm ngoài kế hoạch điều trị giảm đau cho bệnh nhân ung thư, bởi vì bất kỳ loại nỗi đau nào cũng đều làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.


Sự chèn ép của khối u ung thư khiến bệnh nhân càng đau đớn
Sự chèn ép của khối u ung thư khiến bệnh nhân càng đau đớn

3. Chẩn đoán đau trong ung thư

Bệnh nhân ung thư là người phải chịu các cơn đau do ung thư gây ra và không ai có thể hiểu rõ nỗi đau đó như chính bản thân họ. Vì vậy, những người mắc ung thư và đang chung sống từng ngày với các cơn đau nên gặp bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe để nhận được sự tư vấn cũng như giúp người bệnh tìm ra phương pháp điều trị và kiểm soát các cơn đau trong ung thư một cách hiệu quả. Từ đó, giúp người bệnh nâng cao chất lượng cuộc sống và thoải mái tận hưởng phút giây cuối cùng bên cạnh người thân.

Bác sĩ có thể giúp bạn lựa chọn một loại thuốc giảm đau hoặc các phương pháp giảm đau khác phù hợp với tình trạng bệnh của bạn. Để chẩn đoán được cơn đau trong ung thư, bác sĩ có thể yêu cầu bạn cung cấp những thông tin sau:

  • Bạn bị đau ở đâu?
  • Khi nào cơn đau bắt đầu và dừng lại vào lúc nào?
  • Bạn đã bị đau trong bao lâu rồi?
  • Bạn cảm thấy đau như thế nào?

4. Điều trị đau trong ung thư

Để bệnh nhân ung thư có thể cảm thấy thoải mái và đạt được chất lượng cuộc sống tốt trong những ngày tháng cuối đời, điều trị đau trong ung thư được các bác sĩ khuyến cáo. Các phương pháp có thể áp dụng điều trị đau bao gồm sử dụng thuốc giảm đau, phá hủy hoặc kích thích con đường đau, đề nghị bệnh nhân áp dụng lối sống hợp lý, hỗ trợ tâm lý, kết nối xã hội và điều trị tâm linh cho bệnh nhân. Ngoài ra, có thể áp dụng một số phương pháp giảm đau khác như tập thiền, tập thở, đi bộ, tập yoga, hoặc các cách giúp đánh lạc hướng tâm trí bệnh nhân khỏi nỗi đau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cancer.net

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe