Lệch hàm méo miệng là một khuyết điểm thường gặp ở nhiều người hiện nay. Vậy vì sao bạn bị lệch hàm và méo miệng? Có biện pháp nào giúp khắc phục khuyết điểm này để sở hữu khuôn hàm đẹp và nụ cười tự nhiên?
1. Nguyên nhân gây lệch hàm méo miệng
Hàm lệch là tình trạng thường gặp ở nhiều người với biểu hiện rõ nhất là phần xương hàm bị lệch sang phải hoặc sang trái, phát triển quá mức về phía trước hoặc lùi về sau. Hàm bị lệch gây hiện tượng méo miệng, mất cân bằng giữa môi trên - môi dưới và tổng thể khuôn mặt. Những biểu hiện trên khiến gương mặt mất đi sự cân đối và tính thẩm mỹ.
Một số nguyên nhân gây lệch xương hàm mặt và méo miệng là:
- Lệch hàm bẩm sinh: Nhiều người bị lệch hàm, méo miệng bẩm sinh. Nếu trong gia đình có nhiều người bị lệch hàm, méo miệng thì các thế hệ sau dễ có tình trạng này;
- Tai nạn: Tai nạn có thể ảnh hưởng trực tiếp tới xương quai hàm, khiến miệng bị méo khi cười. Một số phẫu thuật cắt ghép xương hàm sau khi gặp tai nạn cũng có thể khiến xương hàm không giữ được hình dạng và độ tự nhiên như ban đầu;
- Mất răng: Khi bị mất răng, bạn có xu hướng chuyển sang ăn nhai nhiều hơn ở bên hàm còn lại. Sau một thời gian, các cơ vùng mặt phát triển không đều giữa 2 bên. Đây là nguyên nhân phổ biến khiến khớp cắn bị sai lệch, lệch hàm, miệng trở nên méo mó, mất thẩm mỹ. Ngoài ra, sau khi mất răng khoảng 3 tháng thì mật độ xương hàm đã bắt đầu bị suy giảm. Thời gian càng kéo dài thì tỷ lệ tiêu xương hàm càng lớn. Nếu không áp dụng phương pháp trồng răng Implant thì chỉ sau 3 năm xương hàm sẽ bị tiêu biến tới 45 - 60%. Khi đó, bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng như xô lệch hàm, sai khớp cắn, méo miệng,... khiến gương mặt mất cân đối, biến dạng;
- Thói quen sinh hoạt: Những người chuyển từ môi trường sống có khí hậu nóng sang môi trường sống có khí hậu lạnh có thể bị méo miệng hoặc nặng hơn là bị liệt 1 bên mặt. Bên cạnh đó, thói quen ăn nhai 1 bên, nghiến răng, ngủ nghiêng về 1 bên,... về lâu dài cũng có thể gây lệch hàm và méo miệng.
2. Tác hại của tình trạng lệch hàm méo miệng
Tình trạng lệch hàm méo miệng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Ảnh hưởng tới thẩm mỹ: Phần cơ hàm bị lệch sẽ phát triển về 1 bên, phần cơ bên kia do ít được vận động nên bị co lại. Điều đó khiến gương mặt bị biến dạng, mất cân đối. Từ đó, người bệnh mất tự tin khi giao tiếp với mọi người xung quan;
- Gặp khó khăn khi ăn nhai: Lệch hàm méo miệng khiến tương quan giữa 2 hàm mất cân đối. Tạo ra những điểm vướng, cộm, gây cản trở sự chuyển động bình thường của xương hàm. Từ đó, bệnh nhân ăn nhai khó khăn hơn, bị cấn cộm khi nhai, ăn không ngon và bị đau nhức hàm. Hệ lụy là cơ thể bệnh nhân sẽ bị gầy yếu, thiếu dinh dưỡng,...;
- Dễ mắc bệnh răng miệng và các bệnh lý liên quan: Phần cơ hàm bị lệch cần phải làm việc nhiều hơn, khiến răng bị mài mòn nhiều, men răng nhanh bị hỏng. Từ đó, nó dẫn đến tình trạng sâu răng, thậm chí là viêm tủy hoặc hoại tử tủy. Còn với hàm bên kia thì tổ chức quanh răng rất mỏng, yếu do ít được vận động. Do đó, người bệnh dễ gặp các bệnh lý về răng miệng và các bệnh liên quan tới đường tiêu hóa, đau mỏi khớp thái dương,...
3. Méo miệng lệch hàm và cách khắc phục
Hiện có nhiều phương pháp điều trị lệch hàm méo miệng. Tuy nhiên, không phải phương pháp nào cũng mang lại hiệu quả cao như người bệnh mong đợi. Do vậy, để tránh tình trạng đưa ra những lựa chọn sai lầm thì người bệnh cần căn cứ vào từng tình trạng cụ thể. Đó là:
- Trường hợp méo miệng lệch hàm do răng: Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân niềng răng chỉnh nha để nhanh chóng khắc phục khuyết điểm. Với phương pháp này, răng hàm đang phát triển lệch lạc sẽ được nắn chỉnh từng chút để về đúng vị trí khớp cắn, cho hàm răng đều, đẹp tự nhiên, không bị sai lệch. Hiện có 2 phương pháp niềng răng cho hàm lệch đang được áp dụng rộng rãi là niềng răng mắc cài và niềng răng không mắc cài. Tùy sở thích và điều kiện tài chính mà bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp;
- Trường hợp lệch hàm do cấu trúc xương hàm: Với bệnh nhân bị lệch hàm méo miệng do cấu trúc xương hàm thì phương án khắc phục tốt nhất là phẫu thuật cắt và trượt xương hàm. Phương pháp chỉnh xương hàm bị lệch này được thực hiện bằng cách đường rạch mổ bên trong, không để lại sẹo, đảm bảo an toàn và mang lại kết quả nhanh, không mất nhiều thời gian thực hiện và thời gian nghỉ dưỡng;
- Trường hợp lệch hàm và méo miệng do cả răng và hàm: Cần áp dụng cả phẫu thuật và niềng răng chỉnh hàm để mang lại hiệu quả cao. Thông thường, người bệnh được chỉ định niềng răng trước rồi phẫu thuật để hoàn tất quá trình điều trị.
Ngoài ra, nếu bị lệch hàm méo miệng do thói quen xấu hằng ngày bạn nên thay đổi ngay. Trước tiên cần nhai thức ăn ở 2 bên luân phiên để tạo sự cân bằng cho hàm trên và hàm dưới, hàm trái và hàm phải. Đồng thời, không nên chỉ nằm nghiêng về 1 phía khi ngủ mà cần thay đổi tư thế linh hoạt để cơ thể không bị mỏi, tuần hoàn máu tốt hơn, hàm răng cân đối hơn.
Bên cạnh đó, bạn cần từ bỏ những thói quen xấu như nghiến răng (vì có thể khiến xương hàm bị lệch sang 1 phía) hay có những biểu cảm gương mặt không phù hợp, gây ảnh hưởng tới cấu trúc xương hàm và sức khỏe răng miệng. Đặc biệt, một số biện pháp như xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu, thư giãn tinh thần,... cũng có hiệu quả hỗ trợ giúp hàm, miệng trở nên cân đối hơn.
Tình trạng lệch hàm méo miệng hoàn toàn có thể can thiệp, khắc phục được. Quan trọng là khi có những dấu hiệu đầu tiên, người bệnh nên đi thăm khám, điều trị thật sớm. Căn cứ vào từng nguyên nhân và mức độ nặng của bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp can thiệp thích hợp nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.