Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Viết Thụ - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Các loại thuốc cản quang được sử dụng rất rộng rãi trong công nghệ chẩn đoán hình ảnh. Đây là thuốc có liều lượng khi tiêm qua đường tĩnh mạch lớn hơn so với rất nhiều các thuốc điều trị khác, do đó nguy cơ dị ứng thuốc cản quang là một vấn đề đáng chú ý trong y khoa. Vậy tiêm thuốc cản quang có ảnh hưởng gì không?
1. Thuốc cản quang là thuốc gì?
Thuốc cản quang là thuốc sử dụng trong quá trình chụp của các máy chụp phát ra tia X (như máy X quang, chụp cắt lớp vi tính CT, chụp mạch số hóa xóa nền DSA). Đây là những thuốc có tác dụng làm tăng độ tương phản của cấu trúc hoặc chất lỏng bên trong cơ thể. Vì vậy, các loại thuốc cản quang sẽ làm hiện rõ các cấu trúc của những cơ quan có lượng thuốc tập trung nhiều, từ đó hỗ trợ cho việc chẩn đoán bệnh của các cơ quan này.
Thuốc cản quang thường được sử dụng để cải thiện khả năng hiển thị của mạch máu, đường tiêu hóa, đường tiết niệu, các tạng cơ thể, các tổn thương u, một số thuốc thải qua đường mật giúp chẩn đoán các bệnh lý liên quan đường mật....
Thuốc cản quang ngày càng được sử dụng rộng rãi trong kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, trong đó các loại thuốc cản quang có chứa thành phần iod được sử dụng phổ biến nhất. Mặc dù các loại thuốc cản quang chứa iod được xem là nhóm thuốc tương đối an toàn, tuy nhiên những phản ứng dị ứng thuốc cản quang lại xảy ra trên một số lượng khá lớn bệnh nhân.
XEM THÊM: Quá trình đào thải thuốc cản quang
2. Các phản ứng dị ứng thuốc cản quang
Phản ứng dị ứng thuốc cản quang có thể xảy ra ngay lập tức hoặc bị trì hoãn.
● Các phản ứng ngay lập tức: xảy ra trong vòng 1 giờ sau khi tiêm thuốc cản quang. Các phản ứng này có thể nhẹ (buồn nôn, nôn, mày đay nhẹ, xanh xao), vừa (nôn nhiều, mày đay lan rộng, khó thở, nặng, phù nề thanh quản) hoặc nặng (phù phổi, loạn nhịp tim hoặc ngừng đập, trụy tuần hoàn, co thắt mạch vành là một biến chứng nặng của dị ứng thuốc cản quang khi chụp mạch vành). Tỷ lệ phản ứng ngay lập tức với thuốc cản quang dao động từ 0,01 – 0,04% đối với phản ứng nặng và 3% đối với phản ứng nhẹ. Đây là phản ứng dị ứng thuốc cản quang chủ yếu xảy ra với bệnh nhân ngay tại các cơ sở chẩn đoán hình ảnh.
● Các phản ứng chậm, xảy ra vài giờ đến vài tuần sau khi tiêm thuốc cản quang, thường tự giới hạn và chỉ biểu hiện trên da (phát ban, ban đỏ, mày đay, phù mạch), có thể kèm theo sốt.
Dị ứng thuốc cản quang có thể liên quan hoặc không liên quan đến hóa chất trung gian IgE. Một số giả thuyết từ các nghiên cứu cho thấy cơ chế của phản ứng dị ứng là do có sự hoạt hóa trực tiếp tế bào Mast (còn được gọi là mastocyte hoặc labrocyte), hoạt hóa con đường đông máu, kinin và bổ thể, ức chế ngưng tập tiểu cầu, tăng giải phóng serotonin và ức chế các enzyme cholinesterase.
XEM THÊM: Tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn và dị ứng khi dùng thuốc cản quang
3. Các yếu tố nguy cơ làm gia tăng tỉ lệ dị ứng thuốc cản quang
Nhìn chung các phản ứng không mong muốn xảy ra do thuốc cản quang rất khó dự đoán trước. Tuy nhiên, các yếu tố nguy cơ dẫn đến tỷ lệ xảy ra phản ứng có hại của thuốc cao hơn trên một số bệnh nhân nhất định như:
● Trước đây đã từng phản ứng với thuốc cản quang chứa Iod: có 21 - 60% nguy cơ bệnh nhân tái phản ứng khi dùng lặp lại một thuốc hay thuốc khác trong nhóm thuốc cản quang chứa Iod.
● Tiền sử dị ứng: Hen suyễn là tình trạng ảnh hưởng quan trọng nhất.
● Bệnh tim mạch: đặc biệt là bệnh lý suy tim.
● Mất nước.
● Bệnh thận.
● Tuổi: Trẻ sơ sinh, người cao tuổi.
● Bệnh lý về huyết học, bệnh chuyển hóa (hồng cầu hình liềm, đa hồng cầu).
● Bệnh nhân mắc chứng lo âu, trầm cảm.
● Sử dụng thuốc: Thuốc chẹn beta (atenolol, metoprolol, propranolol...), interleukin-2, Aspirin hay các thuốc giảm đau NSAIDs. Do đó cần phải ngừng sử dụng thuốc hoàn toàn trước khi tiêm thuốc cản quang.
● Vào mùa: Thời kỳ dị ứng phấn hoa.
Vậy tiêm thuốc cản quang có ảnh hưởng gì không? Như đã đề cập ở trên, không phải bệnh nhân nào tiêm thuốc cản quang cũng gặp phải tình trạng dị ứng (Tỷ lệ dị ứng thuốc cản quang từ 0,01 – 0,04% xảy ra phản ứng nặng và 3% xảy ra phản ứng nhẹ).
Dị ứng thuốc cản quang thường hay gặp ở độ tuổi khoảng 20 - 50 tuổi, ít gặp hơn ở trẻ em. Tuy nhiên, số liệu này có thể bị ảnh hưởng bởi tần suất cần sử dụng các loại thuốc cản quang trong chẩn đoán hình ảnh, 1/3 số ca dị ứng thuốc cản quang gặp ở bệnh nhân lần đầu dùng thuốc và người già có nguy cơ tử vong cao hơn khi tai biến do thuốc cản quang xảy ra.
XEM THÊM: Chụp X - quang đường tiêu hóa có thuốc cản quang
4. Xử trí dị ứng thuốc cản quang
Ngay khi nghi ngờ phản ứng dị ứng thuốc cản quang cần phải ngừng thuốc, các bước xử trí tiếp theo dựa vào mức độ nặng nhẹ của phản ứng dị ứng. Hồi sức tim phổi khi có suy hô hấp, trụy tim mạch.
Phác đồ điều trị sốc phản vệ của Bộ Y tế sẽ được áp dụng trong trường hợp phản ứng phản vệ trung bình hoặc nặng bao gồm: thuốc adrenalin, thở oxy, truyền dịch, thuốc kháng histamin, thuốc glucocorticoid. Theo dõi người bệnh trong vòng 72 giờ sau khởi phát triệu chứng dị ứng thuốc phản quang, đối với bệnh nhân đang dùng thuốc chẹn beta cần phải được theo dõi lâu hơn.
Các trường hợp dị ứng thuốc phản quang nhẹ như nổi ban, mày đay, ban đỏ ngứa,... có thể không cần điều trị hoặc có thể sử dụng thuốc kháng histamin. Tuy nhiên, cần theo dõi chặt chẽ trong trường hợp các triệu chứng nhẹ nhưng xuất hiện nhanh sau khi dùng thuốc, rất có thể đây là những triệu chứng ban đầu của tình trạng sốc phản vệ.
5. Phòng ngừa dị ứng thuốc cản quang
Chọn loại thuốc cản quang phù hợp giúp hạn chế dị ứng, các nghiên cứu cho kết quả các loại thuốc cản quang nonionic (không ion) đẳng trương hoặc nhược trương có tỉ lệ dị ứng ít hơn so với các thuốc khác, đây là lựa chọn thích hợp cho những bệnh nhân có tiền sử hen phế quản, bệnh nhân đang sử dụng thuốc chẹn beta, IL-2 hoặc thuốc giảm đau NSAIDs, bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc cản quang.
Tuy nhiên cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc cản quang thông qua bơm tiêm áp lực. Các loại thuốc cản quang ngoại mạch ít có nguy cơ dị ứng hơn, tuy nhiên đối với bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng thuốc cản quang thì nên sử dụng thuốc dự phòng: corticosteroid (Methylprednisolone - Medrol 32mg uống trước 12 giờ và 2 giờ trước khi tiêm thuốc) và thuốc kháng histamin.
Dùng thuốc dự phòng dị ứng thường cho hiệu quả cao nhất ở những bệnh nhân có tiền sử phản ứng dị ứng nhẹ với thuốc cản quang. Tuy nhiên với những bệnh nhân đã gặp phải phản ứng phản vệ hay dị ứng nghiệm trọng với thuốc cản quang thì nên cân nhắc sử dụng các liệu pháp thay thế không dùng đến thuốc cản quang.
Hiện nay, khoa chẩn đoán hình ảnh của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec được trang bị các máy chụp CT đa dãy hai mức năng lượng, MRI từ lực cao, tân tiến nhất để phục vụ quá trình thăm khám. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện thăm khám, chẩn đoán hình ảnh, tại Vinmec còn sử dụng các loại thuốc cản quang mới nhất, an toàn và có tỷ lệ dị ứng thấp nhất để phục vụ người bệnh. Toàn bộ quy trình thăm khám đều được thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và ngoài nước, sẽ trực tiếp tư vấn, thăm khám và điều trị sẽ mang lại sức khỏe tốt cho người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.