Bài viết bởi Dược sĩ Cao Thanh Tú - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Tăng huyết áp là một trong các bệnh tim mạch rất phổ biến hiện nay. Điều trị tăng huyết áp giúp phòng ngừa các biến chứng lâu dài của bệnh như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận...Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng có lợi trên huyết áp, các thuốc điều trị tăng huyết áp cũng có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định.
Việc trang bị những kiến thức cần thiết để giúp nhận biết sớm các tác dụng phụ có thể gặp và có biện pháp hạn chế những tác dụng này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng thuốc.
1. Các tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp
Hiện nay 5 nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị tăng huyết áp là: thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chẹn kênh canxi và thuốc lợi tiểu. Sau đây là một số tác dụng phụ của những nhóm thuốc này:
Thuốc ức chế men chuyển
Các thuốc trong nhóm này có tên kết thúc bằng – pril như captopril, enalapril, lisinopril, perindopril...
Thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho khan dai dẳng, không thể điều trị bằng các loại thuốc ho thông thường mà chỉ có thể khỏi nếu như ngừng thuốc. Một số tác dụng phụ ít gặp hơn gồm khô miệng, buồn nôn, phát ban, đau cơ, tăng lượng kali trong máu. Một tác dụng phụ tuy hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm của các thuốc nhóm này là gây phù mạch, sau vài phút tới vài giờ dùng thuốc bệnh nhân có thể thấy sưng môi, lưỡi, họng dẫn đến khó thở. Đây là những triệu chứng cấp cứu và đòi hỏi phải ngừng sử dụng thuốc.
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin
Các thuốc trong nhóm này có tên kết thúc bằng –sartan như losartan, irbesartan, valsartan, telmisartan.
Thuốc nhóm này có tác dụng phụ tương tự như thuốc ức chế men chuyển tuy nhiên thường ít gây ho và ít gây phù mạch hơn.
Thuốc chẹn beta giao cảm
Các thuốc trong nhóm này có tên kết thúc bằng –lol như atenolol, bisoprolol, nebivolol, carvedilol, metoprolol...
Thuốc chẹn beta thường không thích hợp cho người bị hen hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng như người có bệnh liên quan tới mạch máu ngoài tim vì có thể làm triệu chứng của các bệnh này nặng hơn. Ngoài ra, thuốc cũng che dấu các dấu hiệu của tụt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường phải điều trị bằng insulin. Thuốc còn có thể gây mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, nhịp tim chậm, phát ban, tay chân lạnh do làm giảm lượng máu tới các chi.
Trắc nghiệm: Huyết áp của bạn có đang thực sự tốt?
Huyết áp cao hay thấp đều ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe con người. Để biết tình trạng huyết áp của bạn có thực sự tốt không, hãy làm bài trắc nghiệm sau đây để đánh giá.Thuốc chẹn kênh canxi
Thuốc chẹn kênh canxi như amlodipine, nifedipine, nicardipine, felodipine, diltiazem, verapamil.....có thể gây đau đầu, mặt đỏ bừng, buồn nôn, phù chân, lợi phát triển quá mức, rối loạn nhịp tim, táo bón.
Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu như hydrochlorothiazide, indapamide, chlorthalidone có tác dụng làm giảm lượng chất lỏng trong cơ thể (do tăng cường đào thải nước và muối qua nước tiểu) từ đó làm giảm huyết áp. Chính vì vậy thuốc có thể làm tăng số lần đi tiểu tiện. Do làm giảm kali, natri máu và giảm lượng nước trong cơ thể, người bệnh có thể có triệu chứng mệt mỏi, đau yếu cơ, chuột rút, rối loạn nhịp tim khi sử dụng thuốc. Các tác dụng phụ khác gồm rối loạn cương dương, gây cơn gút cấp. Tuy nhiên, nhìn chung ở mức liều thấp dùng để điều trị tăng huyết áp, các tác dụng phụ thường ít khi xảy ra.
2. Hạn chế tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp bằng cách nào
Như đã nói ở trên, các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp đều có thể gây ra các tác dụng phụ nhất định. Trong nhiều trường hợp, cơ thể sẽ tự điều chỉnh để dần thích nghi với tác dụng của thuốc, do đó các tác dụng phụ sẽ giảm dần và biến mất sau vài tuần sử dụng. Một số tác dụng phụ khác có thể hạn chế được bằng các biện pháp đơn giản.
Với thuốc lợi tiểu, để hạn chế ảnh hưởng của tác dụng lợi tiểu lên giấc ngủ, nên dùng thuốc vào buổi sáng. Trường hợp phải dùng hai lần trong ngày, liều thứ hai nên uống trước bốn giờ chiều.
Các thuốc nhóm ức chế men chuyển hoặc chẹn thụ thể angiotensin có thể gây các khuyết tật cho thai nhi, do đó không sử dụng các thuốc này khi mang thai hoặc có dự định mang thai. Bệnh nhân trong độ tuổi sinh đẻ nếu cần điều trị bằng hai nhóm thuốc này nên sử dụng một phương pháp tránh thai hiệu quả. Do thuốc ức chế men chuyển và chẹn thụ thể angiotensin gây tăng kali máu, không tự ý bổ sung kali khi sử dụng các loại thuốc này (trừ khi được chỉ định bởi bác sĩ). Thông báo ngay với bác sĩ nếu thấy ho khan kéo dài dai dẳng trong quá trình dùng thuốc.
Với các loại thuốc gây giảm lượng kali trong máu, bác sĩ có thể yêu cầu bổ sung kali để đảm bảo đủ lượng kali cần thiết cho hoạt động của cơ và tim. Tuyệt đối không tự ý bổ sung kali vì kali máu quá cao cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng là ngừng tim dẫn tới tử vong.
Với người bệnh đái tháo đường, cần theo dõi đường huyết thường xuyên hơn đặc biệt khi bắt đầu đầu trị với các nhóm thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta giao cảm
Nhiều loại thuốc gây hạ huyết áp tư thế làm cho người bệnh có cảm giác chóng mặt, choáng váng, mất thăng bằng khi ngồi dậy bước ra khỏi giường hoặc đứng lên khi đang ngồi trên ghế. Nếu bạn gặp phải tác dụng này, nên đứng hoặc ngồi dậy từ từ, tránh thay đổi tư thế quá nhanh. Một số thuốc được bào chế đặc biệt, yêu cầu phải uống nguyên viên, không được nhai, nghiền. Nhai, nghiền những viên thuốc này có thể dẫn đến tình trạng một lượng lớn thuốc đi vào máu gây hạ huyết áp quá mức. Nếu đã thực hiện đúng các hướng dẫn trên nhưng triệu chứng hạ huyết áp vẫn lập đi lập lại, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh liều dùng hoặc thay đổi một loại thuốc khác thích hợp hơn..
3. Dùng thuốc điều trị tăng huyết áp thế nào cho an toàn
Để đảm bảo việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp mang lại hiệu quả cao nhất và hạn chế tối đa tác dụng phụ, người bệnh cần lưu ý các vấn đề sau:
- Chỉ sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp khi được kê đơn bởi bác sĩ. Để lựa chọn được loại thuốc huyết áp nào ít tác dụng phụ và hiệu quả nhất cho bệnh nhân, bác sĩ phải cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau như tuổi, giới tính, chủng tộc, mức độ tăng huyết áp, các bệnh mắc kèm. Do vậy một thuốc có thể phù hợp và có lợi với bệnh nhân này nhưng không chắc cũng sẽ tốt cho bệnh nhân khác.
- Sử dụng đúng liều lượng đã được kê. Trong trường hợp quên thuốc, uống ngay khi nhớ ra. Nếu gần đến thời gian uống liều tiếp theo, bỏ qua liều bị quên và uống liều kế tiếp như bình thường, không uống gấp đôi để bù lại liều thuốc đã quên.
- Tái khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ. Điều trị tăng huyết áp là điều trị “cả đời”, trong suốt quá trình này, nhu cầu về chủng loại thuốc và liều dùng có thể khác nhau tùy từng giai đoạn. Tái khám định kỳ giúp điều chỉnh thuốc phù hợp với diễn biến bệnh cũng như phát hiện sớm các biến chứng của tăng huyết áp và tác dụng phụ của thuốc.
- Thông báo kịp thời cho nhân viên y tế khi gặp các tác dụng bất thường trong quá trình dùng thuốc điều trị tăng huyết áp. Gặp bác sĩ ngay nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng: phát ban, khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng
- Thông báo với bác sĩ và dược sĩ tất cả các thuốc đang sử dụng (bao gồm cả thuốc kê đơn hay tự mua không theo đơn) để tránh các tương tác bất lợi.
Để giúp người bệnh xác định nguyên nhân, biến chứng và cấp độ tăng huyết áp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám tăng huyết áp cơ bản và Gói khám tăng huyết áp nâng cao.
Những ưu điểm khi khám sàng lọc tăng huyết áp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec bao gồm: Đội ngũ y - bác sỹ là các chuyên gia giàu kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, tận tụy và hết lòng vì lợi ích của bệnh nhân, mang đến hiệu quả cao trong điều trị khám chữa bệnh; Dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; Hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ chẩn đoán và điều trị hiệu quả; Không gian khám chữa bệnh hiện đại, văn minh, sang trọng và tiệt trùng tối đa.
Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY