Vết loét lạnh là gì?

Một vị trí trên da vài ngày trước bắt đầu ngứa ran và hơi tê, sau đó trở thành sang thương tấy đỏ, phồng rộp và vỡ ra là biểu hiện thường gặp của vết loét lạnh. Đây là một dạng tổn thương hầu hết mọi người từng gặp ít nhất một lần trong đời. Vậy vết loét lạnh là gì và nguyên nhân gây ra chúng không phải ai cũng biết.

1. Vết loét lạnh là gì?

Vết loét lạnh còn được gọi là mụn nước hay mụn rộp, đây là một dạng sang thương da do bệnh nhiễm vi rút rất phổ biến. Biểu hiện ban đầu của chúng là những mụn nước nhỏ, chứa đầy chất lỏng bên trong và phân bố ở trên, xung quanh môi. Những mụn nước này thường được nhóm lại với nhau thành từng mảng; sau khi mụn nước vỡ ra, vảy có thể tồn tại vài ngày. Hầu hết các vết loét lạnh thường lành sau 2-3 tuần mà không để lại sẹo.

Vết loét lạnh có tác nhân gây bệnh là do herpes simplex loại 1 (HSV-1) gây ra và ít phổ biến hơn là vi rút herpes simplex loại 2 (HSV-2). Bệnh lây từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như hôn hoặc quan hệ tình dục bằng miệng. Cả hai loại vi-rút này đều có thể ảnh hưởng đến miệng hoặc bộ phận sinh dục và có thể lây lan khi quan hệ tình dục bằng miệng. Thậm chí, vết loét lạnh vẫn có thể có khả năng lây lan mạnh ngay cả khi chưa nhìn thấy vết loét. Việc dùng chung dụng cụ ăn uống, dao cạo râu và khăn tắm, quần áo cũng có thể gây lây lan vi-rút.

Cho đến nay, vẫn chưa có cách chữa trị vết loét lạnh hoàn toàn. Tuy nhiên, các biện pháp can thiệp điều trị ngay giai đoạn sớm được quan sát thấy có thể giúp kiểm soát các đợt bùng phát. Thuốc hoặc kem chống vi-rút bôi ngoài da có thể giúp vết loét lạnh mau khô và lành hơn. Đồng thời, chúng có thể làm giảm tần suất, thời gian diễn tiến bệnh và mức độ nghiêm trọng của các đợt bùng phát trong tương lai.


Vết loét lạnh có thể do virus herpes simplex gây ra
Vết loét lạnh có thể do virus herpes simplex gây ra

2. Các triệu chứng của vết loét lạnh như thế nào?

Sự xuất hiện của vết loét lạnh thường trải qua các giai đoạn nhất định như sau:

  • Ngứa ran và tê: Nhiều người cảm thấy ngứa, rát hoặc ngứa ran xung quanh môi trong một vài ngày trước khi xuất hiện các nốt nhỏ, cứng, đau và các mụn nước bắt đầu bùng phát.
  • Nổi rộp: Các mụn nước nhỏ chứa đầy chất lỏng thường bùng phát dọc theo viền môi. Đôi khi chúng xuất hiện xung quanh mũi hoặc má hoặc bên trong miệng.
  • Rỉ nước và đóng vảy: Các mụn nước nhỏ có thể hợp lại và sau đó vỡ ra, để lại các vết loét hở nông rỉ nước và đóng vảy.

Các dấu hiệu và triệu chứng có thể khác nhau theo từng người cũng như theo vị trí trên cơ thể. Ngoài môi, vùng chuyển tiếp bán niêm mạc và niêm mạc của cơ quan sinh dục cũng là nơi thường mắc phải vết loét lạnh. Ngoài ra, mức độ biểu hiện của vết loét lạnh còn tùy thuộc vào việc đây là đợt bùng phát đầu tiên hay đợt tái phát. Theo đó, trong lần đầu tiên bị vết loét lạnh, các triệu chứng có thể có thời gian ủ bệnh lên đến tối đa 20 ngày sau tiếp xúc với vi rút. Lúc này, các vết loét có thể kéo dài vài ngày và các mụn nước có thể mất từ ​​hai đến ba tuần cho đến khi vùng da được chữa lành hoàn toàn. Tuy nhiên, trong các đợt tái phát nếu tại cùng một vị trí, triệu chứng có xu hướng ít nghiêm trọng hơn đợt bùng phát đầu tiên và thời gian toàn phát cũng rút ngắn hơn.

Ngoài các biểu hiện tại chỗ, người bệnh cũng có thể bị sốt, đau họng, đau đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết... kèm theo. Trong trường hợp trẻ em dưới 5 tuổi, sang thương của vết loét lạnh bên trong miệng thường bị nhầm lẫn với bệnh mụn rộp. Đó là các vết loét chỉ liên quan đến màng nhầy mà không phải do vi rút herpes simplex gây ra.


Vết loét lạnh có thể xuất hiện tình trạng rỉ nước và đóng vẩy
Vết loét lạnh có thể xuất hiện tình trạng rỉ nước và đóng vẩy

Khi một người đã bị một đợt nhiễm herpes, virus sẽ nằm yên trong các tế bào thần kinh trên da và có thể nổi lên thành một vết loét lạnh khác ở cùng một vị trí như trước đó. Sự tái diễn có thể được kích hoạt bởi:

  • Nhiễm virus hoặc sốt
  • Thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như những thay đổi liên quan đến kinh nguyệt
  • Căng thẳng, mệt mỏi
  • Tiếp xúc với nắng và gió hay môi trường bên ngoài
  • Suy giảm trong hệ thống miễn dịch
  • Tổn thương da sẵn có

3. Làm cách nào để chẩn đoán và điều trị vết loét lạnh?

Việc chẩn đoán vết loét lạnh có thể chỉ cần quan sát các biểu hiện đặc trưng của chúng. Nếu có yếu tố gây nghi ngờ, để củng cố xác định chẩn đoán hơn, bác sĩ có thể lấy mẫu từ dịch rỉ để xét nghiệm.

Về điều trị vết loét lạnh thường khỏi mà không cần điều trị trong vòng 2-4 tuần. Một số loại thuốc kháng vi-rút theo toa có thể giúp thúc đẩy nhanh quá trình lành sang thương, bao gồm: Acyclovir, Valacyclovir, Famciclovir, Penciclovir. Các thuốc này được bào chế dưới dạng viên uống. Một số khác là kem bôi lên vết loét nhiều lần trong ngày. Nhìn chung, thuốc viên có hiệu quả được quan sát thấy là tốt hơn kem bôi. Thậm chí, đối với những trường hợp nhiễm trùng rất nặng, một số loại thuốc kháng vi-rút có thể được tiêm bằng đường tiêm nhằm nhanh chóng đem lại hiệu quả toàn thân.


Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh uống thuốc để điều trị vết loét lạnh
Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh uống thuốc để điều trị vết loét lạnh

4. Các biến chứng có thể mắc phải do vết loét lạnh

Mặc dù sang thương da có thể tự khỏi mà không để lại sẹo, ở một số người, vi-rút gây vết loét lạnh có thể gây ra các vấn đề nặng nề ở các vùng khác của cơ thể, bao gồm:

  • Bàn tay: Cả HSV-1 và HSV-2 đều có thể lây lan sang lòng bàn tay, trên các ngón tay. Loại nhiễm trùng này thường được gọi là herpes whitlow. Trẻ em mút ngón tay cái có thể truyền nhiễm trùng từ miệng sang ngón tay cái.
  • Kết mạc mắt: Vi-rút đôi khi có thể gây nhiễm trùng mắt. Nhiễm trùng lặp đi lặp lại có thể gây sẹo hay các dạng tổn thương vĩnh viễn, dẫn đến các vấn đề về thị lực hoặc mất thị lực.
  • Các vùng da lan rộng: Những người đã bị bệnh ngoài da được gọi là viêm da dị ứng (chàm) có nguy cơ cao bị vết loét lạnh lan rộng khắp cơ thể nếu vào đợt bùng phát. Đây là một tình trạng nặng và cần theo dõi nội trú.

Vết loét lạnh có thể gây một số biến chứng ở mắt
Vết loét lạnh có thể gây một số biến chứng ở mắt

5. Phòng ngừa các đợt bùng phát của vết loét lạnh như thế nào?

Để phòng ngừa, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng vi-rút để người bệnh dùng thường xuyên nếu bị vết loét lạnh hơn chín lần trong một năm hoặc nếu người bệnh có các nguy cơ cao bị những biến chứng nghiêm trọng. Một số các quan sát cho thấy ánh sáng mặt trời có thể là yếu tố kích hoạt các đợt tái phát. Vì thế, bệnh nhân cần chú ý thoa kem chống nắng vào vị trí vết loét lạnh, để tránh nguy cơ bùng phát.

Để tránh lây lan vết loét lạnh cho người khác hoặc trên các bộ phận khác của cơ thể, bản thân cần tuân thủ theo một số biện pháp phòng ngừa sau:

  • Tránh hôn và tiếp xúc da với người khác khi đang có mụn nước: Vi-rút dễ lây lan nhất khi các mụn nước đang trong giai đoạn rỉ dịch.
  • Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân: Đồ dùng, khăn tắm, son dưỡng môi và các vật dụng cá nhân khác có thể lây lan vi-rút khi có mụn nước.
  • Giữ bàn tay luôn sạch sẽ: Khi bị vết loét lạnh, hãy rửa tay cẩn thận trước khi chạm vào mình và người khác, đặc biệt là trẻ sơ sinh hay người có sức đề kháng kém.

Luôn đảm bảo giữ vệ sinh cho bàn tay
Luôn đảm bảo giữ vệ sinh cho bàn tay

Tóm lại, vết loét lạnh do herpes là một dạng tổn thương da thường gặp trong đời sống hằng ngày. Dù đa số các trường hợp thường tự khỏi mà không cần điều trị đặc hiệu, bệnh vẫn có thể gây ra các biến chứng nặng nề, nhất là trên các cơ địa suy yếu. Điều quan trọng là cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa mắc bệnh hay tái hoạt vi-rút cho bản thân mình và cả người xung quanh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe