Van niệu đạo sau là bệnh lý bẩm sinh xảy ra do có sự rối loạn trong hình thành ống niệu – sinh dục của trẻ ở thời kỳ bào thai. Tần suất xảy ra bệnh lý này ở bé trai từ từ 1/5000 đến 1/25.000.
1. Van niệu đạo sau là gì?
Ở bé trai, niệu đạo chia làm 2 phần đó là niệu đạo trước và niệu đạo sau (tương ứng là phần trong vật xốp của dương vật và phần nằm ngoài vật xốp).
Van niệu đạo sau chính là tình trạng xuất hiện một màng ngăn ở niệu đạo sau khiến cho nước tiểu lưu khó lưu thông và có thể chảy ngược lại bàng quang thậm chí là chảy ngược lại niệu quản và thận. Việc ứ đọng và chảy ngược nước tiểu sẽ gây ra những biến chứng vô cùng nguy hiểm cho trẻ.
2. Dấu hiệu của van niệu đạo
Van niệu đạo sau xảy ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh nên việc chẩn đoán và điều trị sẽ có phần khó khăn hơn.
Trẻ bị van niệu đạo thường có biểu hiện quấy khóc vì không tiểu được, có trường hợp còn kèm theo sốt, khó thở, chướng bụng. Trẻ thường chậm lớn, thiếu máu. Khám thấy có cầu bàng quang, có thể thấy thận to. Với trẻ lớn hơn thì dấu hiệu rõ ràng hơn như: Khó tiểu, són tiểu, đi tiểu nhiều lần...
Do không thể tiểu hết nên việc rặn tiểu nhiều cũng gây ra tăng áp lực lên phần ổ bụng. Điều này có thể gây ra một số bệnh lý như sa trực tràng, dò bàng quang hay xuất hiện những khối thoát vị...
Để phát hiện ra van niệu đạo sau phụ nữ mang thai nên đi siêu âm thường xuyên trong thai kỳ để theo dõi. Có thể chẩn đoán trước sinh bệnh van niệu đạo sau vào khoảng tuần thứ 12 của thai kỳ.
3. Van niệu đạo có nguy hiểm không?
Sự tắc nghẽn đường ra của niệu đạo sẽ gây ra sự ứ đọng nước tiểu, khiến lòng bàng quang và đoạn đầu của niệu đạo sau bị giãn rộng. Sự ứ đọng nước tiểu sẽ dẫn đến nhiễm trùng, hậu quả của quá trình viêm nhiễm lâu dài sẽ khiến thành bàng quang và hai lỗ niệu quản bị biến dạng.
Do ảnh hưởng của sự tăng áp lực xảy ra trong lòng bàng quang dẫn đến trào ngược nước tiểu đi qua 2 lỗ niệu quản. Đôi khi, tình trạng trào ngược vẫn có thể tiếp diễn ngay cả sau khi đã cắt van niệu đạo, đó là do sự dị dạng của vùng tam giác bàng quang. Van niệu đạo sau cũng là nguyên nhân tắc nghẽn hàng đầu có thể gây ra suy thận.
Sự trào ngược bàng quang niệu đạo nếu kéo dài sẽ dẫn đến giãn niệu quản, giãn đài – bể thận và các bệnh lý cũng khó hồi phục ngay cả khi đã cắt bỏ van niệu đạo. Chính vì thế, cần đưa trẻ bị van niệu đạo sau đi khám và tiến hành cắt bỏ sớm nhất có thể trước khi xảy ra những biến chứng xấu.
4. Chẩn đoán van niệu đạo sau
4.1 Chẩn đoán trước sinh
Van niệu đạo sau có thể được chẩn đoán từ trong thai kỳ. Đó là vào khoảng tuần thứ 12, khi thai nhi bắt đầu có thể lọc nước tiểu. Những dấu hiệu nhận biết đầu tiên với bệnh van niệu đạo sau đó là giãn đài bể thận và thiếu ối.
4.2 Chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng
4.2.1 Trẻ sơ sinh
Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng khá nặng do tuổi còn nhỏ. Những triệu chứng toàn thân có thể kể đến hạ thân nhiệt, thiếu máu, mất nước, vàng da... Sự suy hô hấp và tràn dịch phúc mạc cũng là triệu chứng nhưng ít được chú ý hơn. Trong khi đó những triệu chứng đường tiết niệu lại quá mơ hồ.
4.2.2 Trẻ tuổi nhũ nhi
Ở tuổi này, triệu chứng đường tiết niệu đã rõ ràng hơn. Trẻ có những triệu chứng như thận lớn, tiểu khó, tiểu rỉ, cầu bàng quang...
4.2.3 Trẻ lớn
Những dấu hiệu ở trẻ lớn rất rõ nét nhưng việc rặn tiểu nhiều cũng có thể gây ra những bệnh lý khác cho trẻ. Nhìn chung, những triệu chứng khá đặc thù cho bệnh van niệu đạo sau bao gồm:
- Tiểu khó
- Tiểu rỉ
- Cầu bàng quang
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Để biết được chính xác bệnh tình, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm những kiểm tra như siêu âm bụng, chụp bàng quang ngược dòng khi rặn tiểu, chụp hệ tiết niệu qua đường tĩnh mạch, thận đồ. Một số xét nghiệm chức năng thận như thử máu và nước tiểu, xét nghiệm nhiễm trùng đường tiểu hay nhiễm trùng máu cũng có thể diễn ra.
4.3 Điều trị van niệu đạo sau
Tùy vào mức độ và tình trạng của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có phương án điều trị thích hợp.
4.3.1 Trẻ sơ sinh và nhũ nhi
Ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi, thông thường khi hiện bệnh đã trở nặng và gây ra những triệu chứng toàn thân nặng nề. Chính vì thế, cần phải tập trung điều trị toàn thân trước rồi mới điều trị chuyên khoa.
Điều trị toàn thân gồm có:
- Hồi sức tim mạch, hô hấp
- Thăng bằng kiềm toan
- Sử dụng kháng sinh để chống nhiễm trùng
- Bù nước và điện giải
- Nâng cao thể trạng bệnh nhân
Sau khi đã được hồi phục thể trạng, các bác sĩ mới bắt đầu đi vào điều trị chuyên khoa. Tùy vào từng trường hợp mà những phương án điều trị có thể khác nhau nhưng nhìn chung gồm có:
- Xông tiểu, dẫn lưu bàng quang
- Đưa niệu quản ra da
- Nếu tình trạng sức khỏe tốt có thể tiến hành nội soi cắt van niệu đạo
4.3.2 Trẻ lớn
Ở trẻ lớn, tình trạng toàn thân thường ổn định và khẩu kính niệu đạo cũng tương đối lớn so với trẻ sơ sinh và nhũ nhi. Chính vì thế, trường hợp trẻ lớn bị van niệu đạo sau sẽ được cắt van qua nội soi niệu đạo. Van sẽ được cắt bằng dao điện. Sau khi cắt, nếu kiểm tra chưa đạt yêu cầu hay vẫn còn cản trở đường tiểu thì cần làm phẫu thuật cắt van lần 2.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.