Bí tiểu cấp tính là một cấp cứu trong chuyên khoa tiết niệu ở người lớn và thường liên quan đến chứng tăng sản lành tính tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, tình trạng bé không tiểu được tương đối hiếm gặp và đã được mô tả chủ yếu thông qua các báo cáo từng trường hợp với nhiều nguyên nhân khác nhau.
1. Bé không tiểu được là như thế nào?
Hệ tiết niệu là một hệ cơ quan bài tiết của cơ thể, bao gồm 2 quả thận, 2 ống niệu quản, 1 bàng quang và 1 niệu đạo. Chức năng của thận là lọc máu để loại bỏ các chất cặn bã và sản xuất nước tiểu. Dòng nước tiểu từ thận xuống qua niệu quản đến bàng quang. Một vòng cơ (gọi là cơ vòng), co bóp để giữ nước tiểu trong bàng quang và thư giãn khi cần đi tiểu. Nước tiểu đi qua một ống khác được gọi là niệu đạo để ra bên ngoài khi đi tiểu.
Bí tiểu xảy ra khi cơ thể không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn hay chỉ một phần theo ý thức. Thay vì tất cả nước tiểu được thải ra ngoài qua niệu đạo, một số vẫn còn trong bàng quang hay hoàn toàn không thể tiểu được. Ở trẻ nhỏ, bé khó đi tiểu có thể là một vấn đề ngắn hoặc dài hạn và có thể xảy ra đột ngột (cấp tính) hay nặng dần (mạn tính).
Nếu nước tiểu đọng lại trong bàng quang kéo dài, bé không tiểu được lâu ngày có thể dẫn đến tiểu không kiểm soát và tăng khả năng nhiễm trùng tiểu. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nước tiểu có thể bắt đầu 'trào ngược' về phía thận, gây tổn thương thận lâu dài.
2. Nguyên nhân nào gây tình trạng bé khó đi tiểu?
Các nguyên nhân khiến bé khó đi tiểu có thể là do:
- Các bất thường trong cấu trúc của niệu đạo như hẹp hoặc tắc nghẽn;
- Các vấn đề về cấu trúc với cổ bàng quang, đôi khi sau khi điều trị một tình trạng bẩm sinh, chẳng hạn như van niệu đạo sau hoặc chứng phình đại bàng quang;
- Cơ bàng quang và sàn chậu yếu;
- Các vấn đề với các đường dẫn truyền thần kinh giữa bàng quang và não bộ;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc, bao gồm cả gây mê;
- Phẫu thuật hệ tiết niệu;
- Táo bón khi đại tiện đầy phân và đè lên bàng quang và niệu đạo.
3. Làm thế nào để cha mẹ có thể phát hiện bé không tiểu được?
Bé khó đi tiểu một cách đột ngột hay bí tiểu cấp tính vô cùng đau đớn và gây chướng bụng.
Tuy nhiên, trẻ có thể không có bất kỳ triệu chứng đáng chú ý nào với tình trạng bí tiểu mãn tính. Dù vậy, các triệu chứng có thể bao gồm:
- Tiểu không kiểm soát và nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại;
- Tăng cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên hơn;
- Khó bắt đầu và tạo ra một dòng nước tiểu yếu hoặc gián đoạn khi đi tiểu;
- Ngoài ra, trẻ cũng có thể có cảm giác khó chịu ở vùng bụng thấp kéo dài.
4. Bí tiểu ở trẻ em được chẩn đoán như thế nào?
Đầu tiên, bác sĩ sẽ cần ghi nhận về thời điểm bắt đầu bé khó đi tiểu hay bé không tiểu được và kiểm tra xem bàng quang của trẻ có cảm thấy cứng vì chứa đầy nước tiểu hoặc có bất kỳ dấu hiệu táo bón nào không. Để xác định rõ ràng, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm bàng quang và thận.
Bên cạnh đó, trẻ có thể được chỉ định đánh giá chức năng bàng quang. Đây là sự kết hợp của các xét nghiệm để kiểm tra hệ thống tiết niệu về cấu trúc và chức năng. Một số trẻ khác có thể cần được chụp cắt lớp vi tính với những hình ảnh quét qua bàng quang của trẻ để tìm kiếm bất thường. Ngoài ra, các xét nghiệm khác để chẩn đoán lý do tại sao bé khó đi tiểu do có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu cũng cần thực hiện.
Một xét nghiệm khác mà bác sĩ có thể đề xuất là nội soi bàng quang. Phương pháp này cho phép quan sát bên trong và xung quanh bàng quang của trẻ bằng cách sử dụng kính soi bàng quang.
5. Trẻ em bị bí tiểu phải làm sao?
Trẻ bị bí tiểu cấp tính cần được cấp cứu dẫn lưu nước tiểu để nhanh chóng giảm áp lực cho bàng quang và ổ bụng. Thông thường, bác sĩ sẽ đưa một ống thông vào niệu đạo để nước tiểu có thể được thoát vào túi đựng bên ngoài. Nếu niệu đạo bị tắc khiến ống thông không thể đi qua, bác sĩ có thể đưa ống thông qua da vào bàng quang và dẫn lưu ngay trên xương mu. Khi bàng quang đã được dẫn lưu, trẻ mới được thực hiện các xét nghiệm khác nhau như đã mô tả ở trên để tìm hiểu nguyên nhân tại sao bé không tiểu được.
Trong trường hợp trẻ bí tiểu mãn tính thường không cần điều trị khẩn cấp nhưng phải đánh giá để giảm nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương thận. Các nghiệm pháp huấn luyện bàng quang cũng như phản xạ sinh lý có thể giúp trẻ hiểu được các thông điệp thần kinh truyền đi giữa bàng quang và não, đồng thời củng cố các cơ vòng để quá trình vận động đường tiểu dưới diễn ra dễ dàng hơn.
Nếu bé không tiểu được là được quy trách cho một loại thuốc gây bí tiểu, trẻ sẽ cần thay đổi đơn thuốc sang loại khác hoặc giảm liều lượng. Đồng thời, bác sĩ cũng có thể kê đơn các loại thuốc khác giúp thư giãn bàng quang và cơ sàn chậu để quá trình đi tiểu dễ dàng hơn.
Nếu bé khó đi tiểu được cho là do bất kỳ vấn đề nào về cấu trúc hệ niệu, trẻ có thể cần phải phẫu thuật. Nếu bị hẹp niệu đạo, niệu đạo kéo căng hoặc giãn ra, trẻ có thể cần một stent (ống nhựa) chèn vào để giữ cho đường tiểu luôn thông thoáng. Nếu niệu đạo bị tắc, bác sĩ sẽ cần thực hiện một cuộc phẫu thuật để giải quyết vấn đề này.
Tóm lại, bí tiểu ở trẻ em là một vấn đề thực thể tương đối hiếm gặp. Thay vì lo lắng “bé không đi tiểu được phải làm sao”, cha mẹ cần bình tĩnh đưa con đến bệnh viện để được giải áp đường tiểu và chẩn đoán nguyên nhân, định hướng khắc phục. Trẻ sẽ được thăm khám cấu trúc và chức năng hệ niệu, kết hợp với các xét nghiệm hình ảnh để điều trị, phòng ngừa các biến chứng về sau.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.