Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa I Võ Khắc Khôi Nguyên - Bác sĩ chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Tỷ lệ hiện mắc bệnh đái tháo đường trên toàn cầu đang ngày càng gia tăng. Tổ chức Đái tháo đường Quốc tế (IDF) ước tính tỷ lệ mắc bệnh trên toàn thế giới là 9,9% vào năm 2030. Với sự gia tăng dân số và tuổi thọ con người ngày càng tăng thì số lượng người bị đái tháo đường sẽ là gánh nặng cho ngành y tế. Người đái tháo đường có nhiều khả năng mắc bệnh lý chấn thương cơ xương khớp hơn người bình thường. Theo đó, các vấn đề rối loạn đường huyết ở người bị chấn thương cơ xương khớp cần được chú ý để tránh những biến chứng chu phẫu gây ra.
1. Đường huyết và hoạt động thể thao
Hoạt động thể thao và tập thể dục giúp cải thiện vấn đề kiểm soát đường huyết và có tác động tích cực đến các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch, đái tháo đường. Tập thể dục giúp tăng cường tác dụng của insulin đối với cơ xương, gan và chất béo. Khi dân số đái tháo đường tăng lên, ngày càng có nhiều bệnh nhân tập thể dục như một phương pháp để đạt được trọng lượng cơ thể lý tưởng và kiểm soát đường huyết.
Bệnh nhân đái tháo đường tham gia hoạt động thể thao phải thận trọng khi có dùng insulin, lượng carbohydrate và tác động của hoạt động thể thao đối với mức đường huyết. Trước khi tham gia các môn thể thao, cần phải kiểm tra kỹ lưỡng và có thể phải điều chỉnh liều lượng insulin dựa trên mức độ hoạt động và lượng carbohydrate. Đánh giá rủi ro đối với hạ đường huyết và nhiễm toan ceton là cần thiết.
2. Chấn thương cơ xương khớp gây tăng đường huyết
Nghiên cứu đánh giá các bệnh nhân chấn thương chỉnh hình không đái tháo đường bị thương nặng được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Kết quả tăng đường huyết do stress chấn thương là một yếu tố dự báo nghiêm trọng ở bệnh nhân chấn thương chỉnh hình không mắc bệnh tiểu đường. Bệnh nhân tăng đường huyết (đường huyết> 140mg / dL) có tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ tăng 4,9 lần so với bệnh nhân không tăng đường huyết. Tăng đường huyết do stress ở bệnh nhân chấn thương chỉnh hình còn làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng các cơ quan khác sau phẫu thuật cao hơn. Những bệnh nhân có đường huyết cao hơn 220 mg/dL có tỷ lệ nhiễm trùng 25%, bao gồm nhiễm trùng vết mổ, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng huyết hoặc nhiễm trùng huyết nặng. Mức đường huyết trước phẫu thuật lớn hơn 220 mg/dL làm tăng khả năng nhiễm trùng lên gấp 7 lần ở những bệnh nhân chấn thương chỉnh hình không có tiền sử bệnh đái tháo đường.
Một khi có nhiễm trùng tứ chi xảy ra, các bác sĩ chỉnh hình cần tầm soát vấn đề đái tháo đường chưa được chẩn đoán trước. Bởi lẽ trong số bệnh nhân chấn thương chỉnh hình nhập viện bị tăng đường huyết, chỉ có 45% bệnh nhân đã biết đái tháo đường trước đó. Số còn lại đều mới chẩn đoán đái tháo đường. Trong giai đoạn cơ thể bị stress cao độ như phẫu thuật lớn, chấn thương và nhiễm trùng, cơ thể có thể biểu hiện các thay đổi đáng kể trong chuyển hóa glucose.
3. Ảnh hưởng của phẫu thuật chỉnh hình đến đường huyết
Phẫu thuật và gây mê gây ra phản ứng stress khiến cơ thể có những thay đổi sinh lý thần kinh rõ rệt khi giải phóng adrenaline, noradrenaline, cortisol, glucagon và hormone tăng trưởng. Sự gia tăng các hormone và chất điều hòa này làm tăng lượng glucose và tăng đề kháng insulin. Ở những bệnh nhân nhạy cảm, điều này có thể làm tăng đường huyết đáng kể. Ngoài ra, các yếu tố của quá trình phẫu thuật như chế độ ăn uống bị rối loạn do nhịn ăn hoặc buồn nôn sau phẫu thuật, thiếu insulin hoặc thuốc hạ đường huyết và các biến chứng như nhiễm trùng vết thương đều có thể góp phần làm rối loạn điều hòa cân bằng glucose trong giai đoạn chu phẫu.
Ở người đái tháo đường, các phẫu thuật ở khớp háng, khớp gối, cổ chân và khuỷu tay có nguy cơ cao hơn so với người bình thường. Các biến chứng bao gồm: nhiễm trùng sau phẫu thuật cao hơn, cần truyền máu, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, thời gian nằm viện kéo dài hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Những kết quả kém hơn này một phần là do tỷ lệ các bệnh đồng mắc như thiếu máu cơ tim, suy thận và tăng huyết áp cao hơn ở bệnh nhân đái tháo đường. Nguyên nhân khác là do xuất hiện các rối loạn đường huyết, bao gồm tăng đường huyết, hạ đường huyết, tăng đường huyết do stress và biến đổi glucose quá mức. Quan trọng hơn, các rối loạn đường huyết này xảy ra ở cả ở những người không được chẩn đoán bệnh đái tháo đường trước đó. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã chỉ ra các biến chứng sau phẫu thuật xảy ra thường xuyên hơn ở những người bị tăng đường huyết do stress không có tiền sử bệnh đái tháo đường so với những người có đái tháo đường.
Tóm lại, vấn đề rối loạn đường huyết có liên quan với bệnh lý chấn thương cơ xương khớp. Đái tháo đường chưa được chẩn đoán nói riêng và tình trạng tăng đường huyết nói chung đã được chứng minh là làm tăng nguy cơ biến chứng chu phẫu. Cần theo dõi và kiểm soát đường huyết chặt chẽ để giảm bớt các rủi ro cho người bệnh.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có Gói quản lý ngoại trú tiểu đường, tăng mỡ máu. Quý khách hàng có thể lựa chọn để theo dõi, kiểm soát lượng đường huyết và nhận biết sớm các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra, nhất là các biến chứng về bệnh cơ xương khớp. Bởi người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường thường có nguy cơ cao mắc bệnh lý chấn thương cơ xương khớp hơn người bình thường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.