Vai trò quan trọng của người cha trong việc chăm sóc trẻ sinh non

Sự tham gia và ảnh hưởng của người cha đối với sức khỏe và sự phát triển của con cái đã tăng lên theo nhiều cách trong 10 năm qua, đặc biệt là trong việc chăm sóc trẻ sinh non. Vai trò và những tác động của người cha đối với kết quả của trẻ được thấy rõ trong mỗi giai đoạn phát triển của trẻ.

Một đứa trẻ sinh non cần nhận được sự chăm sóc đặc biệt. Việc trẻ sinh non, ốm yếu đều có thể dẫn đến căng thẳng và khó khăn cho không chỉ cha mẹ mà tất cả các thành viên trong gia đình. Hơn nữa, những người đàn ông, ngoài việc lo lắng cho vợ và con mới sinh thì còn phải lo lắng tới những đứa trẻ khác ở nhà, những yêu cầu về công việc và gánh nặng về mặt tài chính.

1. Mong đợi những cảm xúc mãnh liệt

Nhiều người cha sẽ có những cảm xúc lẫn lộn sau khi con mình được sinh ra trong tình trạng thiếu tháng. Những cảm xúc này cũng có thể đến một cách mãnh liệt. Tất cả những cảm xúc được liệt kê dưới đây là rất bình thường và hầu hết những người đàn ông có con sinh non cũng đã đều trải qua những cảm xúc đó. Một số cảm xúc tiêu cực sẽ giảm đi khi bé lớn lên.

  • Lo lắng và sợ hãi về tình trạng sức khỏe của bé khi sinh thiếu tháng và lo sợ về tương lai sau này của bé.
  • Cảm giác đau buồn khi em bé sinh ra thiếu tháng, yếu ớt và phải nhận được sự chăm sóc y tế đặc biệt.
  • Phẫn nộ trước những thay đổi trong cuộc sống.
  • Bất lực và thất vọng vì không thể giúp được gì cho bé trong giai đoạn này

Nhiều người cha sẽ cảm thấy bất lực và thất vọng vì không thể giúp được gì cho bé
Nhiều người cha sẽ cảm thấy bất lực và thất vọng vì không thể giúp được gì cho bé

  • Căng thẳng từ nhiều phía khác nhau khi cố gắng hỗ trợ người bạn đời của mình đối phó với những lo lắng về tài chính, quản lý các công việc ở cơ quan cũng như công việc tại nhà và dành thời gian cho những đứa con khác (nếu có) cũng như cho vợ và em bé mới sinh.
  • Tình yêu và niềm tự hào ngập tràn về đứa con mới chào đời của mình
  • Kinh ngạc về sự phát triển của bé và những trở ngại đầu đời mà bé đã phải tự mình vượt qua.
  • Cầu mong bé sẽ có một tương lai tươi sáng mà mình hằng mơ ước.
  • Luôn muốn khoe với tất cả mọi người về bé và nghị lực phi thường của bé.

Việc sinh một đứa trẻ thiếu tháng có thể dẫn đến những căng thẳng trong mối quan hệ giữa hai vợ chồng cũng như mối quan hệ của người cha với các thành viên trong gia đình. Điều quan trọng là phải chia sẻ những cảm xúc tiêu cực lẫn cảm xúc tích cực đó với bạn đời cũng như gia đình của mình để hỗ trợ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn về cảm xúc này. Cần nhớ rằng:

  • Đàn ông và phụ nữ có những cách đối phó với áp lực và các cảm xúc tiêu cực khác nhau. Một số người đàn ông có xu hướng kìm nén cảm xúc của riêng mình để không khiến người bạn đời của mình thêm lo lắng trong khi phụ nữ lại cảm thấy hành động đó của người đàn ông thể hiện sự thiếu quan tâm hay thậm chí thiếu tin tưởng.

  • Một cặp vợ chồng có thể trải qua nhiều cảm xúc giống nhau nhưng không phải lúc nào chúng cũng diễn ra đồng thời. Và điều cần làm là phải chấp nhận điều đó, nghĩa là không phải lúc nào hai vợ chồng cũng có thể có chung cách nhìn về một vấn đề xảy ra.
  • Người chồng, vợ và gia đình họ có thể phản ứng khác nhau với cùng một tình huống.
  • Cố gắng thảo luận về lý do tại sao người đàn ông cảm thấy như vậy và lắng nghe, đồng cảm với cảm xúc của vợ mình.
  • Người đàn ông, bạn đời và gia đình của họ có thể có nhu cầu khác nhau về lượng thông tin cần chia sẻ của bé. Đôi khi, một người phụ nữ có thể muốn chia sẻ ít chi tiết hơn về quá trình điều trị và phát triển của bé sinh non so với chồng của mình bởi họ có thể cảm thấy phải chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe và nhu cầu của trẻ sinh non. Điều quan trọng là phải tôn trọng những sự khác biệt này và tôn trọng những gì cả hai cảm thấy thoải mái khi chia sẻ.

2. Những điều người cha có thể làm cho bé sinh non của mình


Người cha có thể tìm hiểu về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ sinh non
Người cha có thể tìm hiểu về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ sinh non

Người cha đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của trẻ sơ sinh nói chung và trẻ thiếu tháng nói riêng. Dưới đây là một số cách người đàn ông có thể làm để hỗ trợ chăm sóc bé:

  • Dành thời gian cho bé: Hãy làm quen với các nhân viên trong khoa chăm sóc đặc biệt. Tìm hiểu về nhu cầu chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ sinh non. Càng dành nhiều thời gian cho con, người cha sẽ càng cảm thấy thoải mái hơn về tình trạng cũng như sự chăm sóc mà bé nhận được. Chia sẻ bất kỳ mối quan tâm nào về việc chăm sóc trẻ với nhân viên y tế và tin tưởng vào bản năng của người cha.
  • Đưa ra những câu hỏi: Hãy hỏi các nhân viên càng nhiều câu hỏi càng tốt về việc chăm sóc bé. Không có bất kỳ câu hỏi nào một người cha đưa ra là thừa thãi cả.
  • Thảo luận và đưa ra các quyết định về việc chăm sóc trẻ với bạn đời của mình
  • Hãy chạm và bế trẻ vào lòng ngay khi được bác sĩ cho phép
  • Mặc dù bé sinh non trông có vẻ yếu ớt nhưng cần biết rằng bé sẽ nhận ra giọng nói cũng như xúc giác khi được người cha bế và trò chuyện cùng.

3. Chấp nhận sự giúp đỡ từ người khác

Một người không thể có mặt ở khắp mọi nơi cùng lúc, vì vậy hãy sắp xếp các thứ tự ưu tiên công việc của mình và để những người khác hỗ trợ thực hiện công việc đó. Điều này giúp mỗi người cha có thể dành nhiều thời gian hơn để ở bên con cũng như vẫn giải quyết được các công việc khác.


Bạn cần nói chuyện với sếp về tình trạng của bé trong trường hợp cần nghỉ việc đột xuất hoặc không thể hoàn thành một khối lượng công việc nhất định giúp giảm bớt rất nhiều áp lực
Bạn cần nói chuyện với sếp về tình trạng của bé trong trường hợp cần nghỉ việc đột xuất hoặc không thể hoàn thành một khối lượng công việc nhất định giúp giảm bớt rất nhiều áp lực

  • Hãy cố gắng dành thời gian cho cả những đứa con khác. Đảm bảo rằng chúng luôn nhận được sự quan tâm chia sẻ từ người cha. Đôi khi chúng cũng lo lắng cho mẹ và em mình như cha của chúng.
  • Yêu cầu và chấp nhận sự giúp đỡ. Có nhiều thành viên khác trong gia đình và cả những người bạn rất muốn giúp đỡ nhưng không biết phải làm sao. Do đó hãy lập danh sách những việc cần thiết mà mọi người có thể hỗ trợ, tư nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, cắt cỏ, đi chợ, đưa trẻ đến trường....
  • Cân bằng các lĩnh vực trong cuộc sống. Khi trở lại làm việc, hãy cố gắng hạn chế tối đa giờ làm để có thể dành khoảng thời gian quý báu đó để ở bên con, bên vợ mình. Thông báo với người sử dụng lao động về tình trạng của bé trong trường hợp cần nghỉ việc đột xuất hoặc không thể hoàn thành một khối lượng công việc nhất định, điều đó sẽ giúp giảm bớt rất nhiều áp lực
  • Bất cứ khi nào có thể, hãy cố gắng vui vẻ và trêu đùa mọi người một chút. Sự hài hước có thể khiến những người xung quanh trở nên lạc quan hơn.

4. Hỗ trợ bạn đời của mình

Những người lần đầu làm mẹ nhưng lại rơi vào tình trạng sinh non thường cảm thấy rất sợ hãi. Họ có thể cần thêm sự hỗ trợ và thấu hiểu đến từ chính người chồng của mình trong những ngày đầu sau sinh. Đây là những cách mà các ông chồng có thể cân nhắc thực hiện để hỗ trợ vợ mình:

  • Trong những ngày đầu, người vợ có thể cảm thấy mệt mỏi, không thoải mái hoặc buồn ngủ khi dành quá nhiều thời gian trong phòng chăm sóc đặc biệt. Hoặc có thể là do bé đã được chuyển đến một bệnh viện khác với điều kiện chăm sóc cũng như trang thiết bị tốt hơn. Khi đó công việc của người chồng là chia sẻ toàn bộ thông tin về bé mà mình biết được với vợ, thậm chí có thể cho họ xem ảnh của bé cũng như các công đoạn chăm sóc mà các nhân viên y tế thực hiện đối với trẻ để người vợ có thể yên tâm hơn.
  • Kiên nhẫn: Những nỗi sợ hãi, đau đớn, mệt mỏi và tình trạng thay đổi nội tiết tố có thể khiến những người vợ trở nên dễ xúc động và cáu kỉnh hơn bình thường. Hãy hiểu, thông cảm và sẻ chia cùng cô ấy.
  • Nhiều bà mẹ sinh non cảm thấy có trách nhiệm và cảm thấy tội lỗi về tình trạng của bé. Hãy lắng nghe, thông cảm và trấn an cô ấy rằng đó hoàn toàn không phải lỗi của cô ấy.
  • Khuyến khích các bà mẹ chăm sóc bản thân nhiều hơn. Đôi khi vì lo lắng cho em bé mà các bà mẹ không được nghỉ ngơi đầy đủ hoặc ăn uống không đúng cách do đó các ông chồng cần hỗ trợ vợ của mình trong tất cả các hoạt động sinh hoạt hàng ngày mà họ có thể làm được.
  • Khích lệ vợ mình khi cô ấy đã dành nhiều thời gian cho em bé. Tinh thần cô ấy sẽ thực sự tốt lên khi nghe được những lời động viên từ chồng.

5. Tự chăm sóc bản thân


Hãy cố gắng tham gia các hoạt động nhằm giải tỏa căng thẳng như chơi thể thao để thư giãn
Hãy cố gắng tham gia các hoạt động nhằm giải tỏa căng thẳng như chơi thể thao để thư giãn

Mỗi người đàn ông dù có mạnh mẽ thế nào đi nữa cũng không thể là siêu nhân. Và để duy trì đủ sức khỏe nhằm hỗ trợ người vợ trong việc chăm sóc con các, các ông chồng cũng đừng quên tự chăm sóc bản thân:

  • Ngủ đủ giấc và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh
  • Thư giãn: Dù thời gian có hạn, hãy cố gắng tham gia các hoạt động nhằm giải tỏa căng thẳng như tập thể dục, chơi thể thao, đi xem phim cùng những đứa con khác. Một người đàn ông sẽ chăm sóc con và vợ mới sinh tốt hơn nếu thi thoảng được thư giãn như vậy.
  • Tìm kiếm sự hỗ trợ từ người thân và bạn bè để giảm thiểu gánh nặng cũng như áp lực.

Dù có thể không biết những mỗi người cha đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của trẻ nói chung và trẻ sinh non nói riêng. Làm cha của những đứa trẻ sinh non có thể khó khăn, đặc biệt là đối với những trẻ mắc thêm các bệnh lý khác. Nhưng hãy tự hào về tất cả những việc mình đã làm để giúp em bé và người bạn đời của mình đồng thời chính những thứ tưởng chừng nhỏ nhặt nhất lại có thể khiến người cha trở nên khác biệt.

Trẻ sinh non nhìn chung dễ gặp bệnh về đường hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa nếu bé ăn dặm sớm hoặc việc lưu trữ và pha chế sữa không đảm bảo. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên thực hiện tốt việc cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (nếu được) và tiêm vắc-xin đúng lịch.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, raisingchildren.net.au

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe