Xạ trị ung thư phổi là một phương pháp điều trị quan trọng, giúp tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách sử dụng bức xạ năng lượng cao. Với sự tiến bộ của công nghệ y khoa, xạ trị ngày càng trở nên hiệu quả hơn và được áp dụng rộng rãi, đặc biệt trong những trường hợp ung thư phổi ở giai đoạn sớm hoặc khi phương pháp phẫu thuật không khả thi.
Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi các bác sĩ làm việc tại Trung tâm Ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
1. Tổng quan về ung thư phổi
Ung thư phổi chiếm hơn một phần tư tổng số các bệnh ung thư được chẩn đoán. Hiện nay, ung thư phổi nguyên phát vẫn đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho cả nam và nữ trên toàn thế giới. Năm 2018, ung thư phổi ước tính đã cướp đi sinh mạng của hơn 150.000 người.
Tuy nhiên, ung thư phổi có thể được phòng ngừa. Việc hít phải các chất gây ung thư như khói thuốc lá và bụi ô nhiễm từ môi trường có thể dẫn đến những thay đổi trong mô phổi ngay sau khi tiếp xúc, được gọi là những thay đổi tiền ung thư. Bệnh ung thư phổi thường phát triển dần dần trong nhiều năm và nếu được phát hiện sớm, bệnh có thể được điều trị thành công bằng nhiều phương pháp khác nhau.
Xạ trị ung thư phổi hiện nay đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc, được xem như một phương pháp hiệu quả để kiểm soát bệnh khi ung thư còn khu trú tại chỗ hoặc vùng.
Khi bệnh tiến triển và di căn, các liệu pháp điều trị nhắm trúng đích và điều trị miễn dịch đang đem lại những kết quả tích cực và dần thay thế cho liệu pháp hóa trị truyền thống.
Vậy nếu chẳng may người bệnh hoặc người thân mắc ung thư phổi thì nên lựa chọn phương pháp điều trị nào?

2. Đánh giá trước điều trị
Trước khi bắt đầu điều trị, bệnh nhân thường cần thực hiện sinh thiết để xác định có mắc ung thư phổi hay không và nếu có và xác định loại ung thư cụ thể.
Các xét nghiệm cần thiết nhằm đánh giá giai đoạn bệnh của khối u. Các xét nghiệm này thường bao gồm xét nghiệm máu và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực và chụp PET-CT (trong một số trường hợp). Việc xác định giai đoạn khối u sẽ giúp lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và dự đoán kết quả điều trị.
Ngoài ra, xét nghiệm đột biến gen cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định đặc điểm sinh học của khối u và giúp lựa chọn liệu pháp điều trị sao cho hiệu quả nhất.
Nhiều câu hỏi cần được giải đáp để đảm bảo lên phác đồ điều trị phù hợp, bao gồm:
- Phương pháp điều trị có phụ thuộc vào loại ung thư phổi không?
- Giai đoạn bệnh có hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị ung thư phổi phù hợp hay không?
- Có thể điều trị ung thư phổi mà không cần phẫu thuật không?

3. Tổng quan về những lựa chọn điều trị ung thư phổi
Khoảng một phần ba bệnh nhân ung thư phổi được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, khi bệnh còn khu trú tại chỗ, có thể điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u. Đối với những bệnh nhân không phù hợp với phẫu thuật (do tuổi cao, mắc các bệnh lý nội khoa kèm theo hoặc từ chối phẫu thuật), xạ trị triệt để có thể là một phương pháp thay thế hiệu quả.

Trong khi đó, khoảng một phần ba bệnh nhân ung thư phổi khác có bệnh đã lan đến các hạch bạch huyết. Ở giai đoạn này, xạ trị kết hợp với hóa trị và đôi khi phẫu thuật sẽ được áp dụng để kiểm soát bệnh.
Nhóm một phần ba còn lại gồm các bệnh nhân có khối u đã di căn đến các cơ quan khác thông qua hệ thống tuần hoàn. Đối với nhóm bệnh nhân này, điều trị chủ yếu bằng hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch. Xạ trị cũng có thể được sử dụng để giảm triệu chứng trong một số trường hợp.
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thùy phổi chứa khối u là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn đầu có sức khỏe tổng thể tốt. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn các tế bào ung thư. Tuy nhiên, phần lớn các bệnh nhân ung thư phổi là người trên 50 tuổi, có tiền sử hút thuốc và thường mắc các bệnh lý phổi hoặc tình trạng y tế nghiêm trọng khác, làm tăng nguy cơ trong quá trình phẫu thuật. Vị trí và kích thước của khối u sẽ quyết định phạm vi phẫu thuật. Đối với một số bệnh nhân phù hợp, phẫu thuật mở lồng ngực hoặc phẫu thuật ít xâm lấn với các vết mổ nhỏ hơn có thể được khuyến nghị.
Cắt thùy phổi - tức là loại bỏ toàn bộ thùy phổi - là một phương pháp phổ biến để điều trị ung thư phổi trong trường hợp phổi vẫn hoạt động tốt. Nguy cơ tử vong trong phẫu thuật này dao động từ 3% đến 4%, đặc biệt cao hơn ở bệnh nhân lớn tuổi. Nếu chức năng phổi của bệnh nhân suy giảm và không đủ điều kiện để thực hiện cắt thùy, các khối u nhỏ có thể được loại bỏ cùng một phần mô phổi xung quanh. Phương pháp này được gọi là cắt bỏ một phần, bao gồm cắt hình nêm hoặc cắt phân thùy. Tuy nhiên, so với cắt thùy, các phương pháp phẫu thuật hạn chế hơn sẽ có nguy cơ tái phát ung thư cao hơn. Cắt phân thùy gây mất ít chức năng phổi hơn vì chỉ loại bỏ một phần nhỏ của phổi, nguy cơ tử vong trong quá trình phẫu thuật chỉ khoảng 1,4%.
Trong trường hợp cần phải cắt bỏ toàn bộ phổi, phẫu thuật này có nguy cơ tử vong từ 5% đến 8%. Nguy cơ này đặc biệt cao ở những bệnh nhân lớn tuổi và tỉ lệ tái phát ung thư trong nhóm này cũng rất phổ biến. Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân không thể tiến hành phẫu thuật hoặc không thể loại bỏ hoàn toàn khối u do kích thước hoặc vị trí của khối u.
4. Xạ trị ung thư phổi
Xạ trị ung thư phổi sử dụng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư, đặc biệt là những tế bào đang phân chia nhanh chóng. Xạ trị có nhiều vai trò trong điều trị ung thư phổi, bao gồm:
- Sử dụng như phương pháp điều trị chính và triệt để
- Thực hiện trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u
- Thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại
- Điều trị ung thư phổi đã di căn đến não hoặc các bộ phận khác trong cơ thể.
Ngoài việc tấn công khối u, xạ trị ung thư phổi còn có thể giúp giảm triệu chứng khó thở và các triệu chứng khác do khối u gây ra. Khi xạ trị được sử dụng thay cho phẫu thuật ở giai đoạn đầu, bác sĩ có thể áp dụng xạ trị đơn độc hoặc kết hợp với hóa trị.
Hiện nay, đối với các bệnh nhân ung thư phổi có khối u nhỏ nhưng không phù hợp với phẫu thuật, một kỹ thuật xạ trị ung thư phổi tiên tiến gọi là xạ trị định vị thân (SBRT) đang được áp dụng. Nhóm bệnh nhân này bao gồm người cao tuổi, người mắc bệnh suy tim mãn tính và những người đang sử dụng thuốc làm loãng máu khiến họ có nguy cơ cao bị chảy máu trong quá trình phẫu thuật.
SBRT sử dụng nhiều chùm tia phóng xạ nhỏ, tập trung vào khối u phổi và điều chỉnh theo chuyển động của khối u trong quá trình hô hấp. Phương pháp này giúp tiêu diệt khối u trong khoảng ba đến năm lần điều trị, mang lại liều xạ trị cao cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật. SBRT chủ yếu được áp dụng cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm khi khối u còn khu trú tại chỗ.
Với các trường hợp ung thư phổi tiến triển tại chỗ, xạ trị ung thư phổi thường được thực hiện bằng kỹ thuật chùm tia bên ngoài, chiếu trực tiếp chùm tia vào khối u. Quá trình điều trị được chia thành nhiều đợt, thường là 5 ngày mỗi tuần, thường được gọi là phân liều, kéo dài nhiều hơn các phương pháp điều trị thông thường khoảng 6 đến 7 tuần.
Các kỹ thuật xạ trị ung thư phổi mới hiện nay bao gồm xạ trị phù hợp ba chiều (3D), xạ trị ung thư phổi điều biến cường độ (IMRT) và xạ trị ung thư phổi điều biến thể tích (VMAT) giúp điều trị chính xác hơn. Các kỹ thuật này dựa trên hình ảnh 3D của khối u được chụp qua CT scan hoặc PET-CT, cho phép chùm tia bức xạ được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với hình dạng và kích thước khối u. Điều này giúp giảm thiểu sự phơi nhiễm bức xạ cho các mô phổi lành xung quanh.

5. Hóa trị ung thư phổi
Ngoài xạ trị ung thư phổi, hoá trị cũng là một phương pháp có thể được sử dụng trong quá trình điều trị. Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư. Thông thường, các thuốc hóa trị được đưa vào cơ thể qua đường tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch hoặc qua ống thông đặt vào một tĩnh mạch lớn. Sau phẫu thuật, hóa trị được sử dụng nhằm loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại và cũng có thể giúp làm chậm sự phát triển của khối u, giảm triệu chứng cho những bệnh nhân không thể phẫu thuật.
Một số thuốc hóa trị còn có tác dụng tăng hiệu quả của xạ trị lên khối u. Những thuốc này giúp duy trì các tế bào ung thư trong giai đoạn mà chúng nhạy cảm với bức xạ hoặc giảm khả năng tự sửa chữa của tế bào ung thư sau xạ trị. Nghiên cứu cho thấy sự kết hợp của hóa trị với xạ trị mang lại hiệu quả cao hơn so với xạ trị ung thư phổi đơn thuần, mặc dù có thể kèm theo các tác dụng phụ đáng kể.
Hóa trị thường gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn và làm giảm lượng bạch cầu, ảnh hưởng đến khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều biện pháp hỗ trợ để kiểm soát và điều trị hiệu quả hầu hết các tác dụng phụ này.
6. Các tác nhân sinh học mới: điều trị nhắm trúng đích và điều trị miễn dịch
Các loại thuốc mới như liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch có thể ít gây tác dụng phụ hơn so với hóa trị truyền thống và trong một số trường hợp, có hiệu quả điều trị cao hơn. Những phương pháp này được sử dụng cho tất cả các giai đoạn ung thư phổi, đặc biệt là khi bệnh đã di căn. Các loại thuốc này được đánh giá là có khả năng kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân, bao gồm cả người cao tuổi nếu sức khỏe tổng thể của họ vẫn tốt.
Hiện nay, các liệu pháp này đang được tiếp tục nghiên cứu và từng bước ứng dụng vào thực tế điều trị, đòi hỏi thêm thời gian và dữ liệu để có thể đánh giá toàn diện về hiệu quả lâu dài và khả năng duy trì đáp ứng ổn định của thuốc.
7. Điều trị ung thư phổi không thể phẫu thuật có hiệu quả không?
Đối với ung thư phổi, điều quan trọng bệnh nhân cần hiểu rõ là “không thể phẫu thuật” không đồng nghĩa với “không thể điều trị được”. Ngày nay, nhiều bệnh nhân đang được điều trị hiệu quả bằng các phương pháp không phẫu thuật ở tất cả các giai đoạn của bệnh. Hiệu quả của các phương pháp điều trị phụ thuộc vào giai đoạn bệnh.
Ở giai đoạn sớm, khi bệnh không thể phẫu thuật nhưng có thể xạ trị, hiệu quả kiểm soát bệnh bằng xạ trị đơn thuần có thể tương đương với phẫu thuật. Với bệnh ở giai đoạn tiến triển, phương pháp kết hợp hóa trị và xạ trị được áp dụng nhằm mục tiêu chữa khỏi, dù tỷ lệ chữa khỏi thấp hơn nhưng vẫn có thể đạt được ngay cả khi ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết trong ngực.
Khi việc chữa khỏi không còn là mục tiêu chính trong giai đoạn di căn xa, điều trị giảm nhẹ triệu chứng sẽ được khuyến nghị. Điều trị giảm nhẹ sẽ sử dụng thuốc, hóa trị, xạ trị hoặc các biện pháp khác để giảm các triệu chứng của bệnh mà không loại bỏ khối u. Liều xạ trị ung thư phổi được sử dụng thấp hơn để hạn chế tác dụng phụ.
Tại một số thời điểm, nếu người bệnh và bác sĩ điều trị thống nhất rằng điều trị tích cực không còn phù hợp, chăm sóc giảm nhẹ có thể mang lại cho bệnh nhân cảm giác thoải mái và sự hỗ trợ.
Kiểm soát đau là một phần rất quan trọng trong điều trị ung thư phổi. Mặc dù có nhiều phương pháp kiểm soát đau hiệu quả và các thiết bị giúp cung cấp thuốc giảm đau một cách an toàn, nhiều bệnh nhân ung thư vẫn chưa được giảm đau đầy đủ. Việc truyền đạt rõ ràng nhu cầu của bệnh nhân giúp các bác sĩ cung cấp chăm sóc giảm đau thích hợp hơn.
8. Điều gì xảy ra trong quá trình xạ trị ung thư phổi?
Xạ trị ung thư phổi là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao (photon), tia gamma hoặc các hạt nguyên tử để điều trị ung thư phổi. Tia bức xạ tác động mạnh lên các tế bào phân chia nhanh (như tế bào ung thư) nhiều hơn là các tế bào bình thường. Hầu hết các loại ung thư, bao gồm các khối u phổi, được tạo ra từ các tế bào phân chia nhanh hơn so với các tế bào trong mô phổi lành, do đó khối u có thể được tiêu diệt mà không gây tổn thương lớn cho mô bình thường xung quanh.

Xạ trị ung thư phổi hoạt động bằng cách phá hủy DNA trong các tế bào ung thư, khiến những tế bào này không thể tiếp tục phát triển và nhân lên. Mặc dù các tế bào bình thường cũng có thể bị ảnh hưởng nhưng chúng có khả năng tự sửa chữa và phục hồi chức năng bình thường. Chiến lược điều trị là cung cấp liều phóng xạ hàng ngày đủ lớn để tiêu diệt hiệu quả các tế bào ung thư đang phân chia nhanh, đồng thời giảm thiểu tác động lên các tế bào bình thường phân chia chậm hơn trong cùng khu vực.
9. Chỉ định của xạ trị ung thư phổi
Xạ trị ung thư phổi thường được chỉ định cho bệnh nhân ở giai đoạn đầu khi khối u chưa xâm lấn và di căn đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể.
Ngoài ra, xạ trị cũng được chỉ định ở các giai đoạn sau nhằm thu nhỏ khối u, hỗ trợ cho các biện pháp khác như phẫu thuật để loại bỏ khối u và giúp giảm bớt các triệu chứng đau đớn, khó chịu cho người bệnh.
10. Tác dụng phụ của xạ trị ung thư phổi
Hầu hết bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi sau những lần xạ trị đầu tiên. Cảm giác mệt mỏi này thường tăng dần theo quá trình điều trị, làm hạn chế khả năng tham gia vào các hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, tình trạng mệt mỏi này thường giảm dần sau khi liệu trình xạ trị ung thư phổi kết thúc từ 1 đến 2 tháng. Nghỉ ngơi đầy đủ là điều cần thiết khi bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi.
Kích ứng da là tác dụng phụ thường gặp sau vài tuần xạ trị. Vùng da chịu ảnh hưởng có thể bị đỏ, khô, đau và ngứa. Trong quá trình điều trị kéo dài, tình trạng này có thể trở nên khá nghiêm trọng. Để bảo vệ da, bệnh nhân nên:
- Giữ vùng điều trị sạch sẽ bằng xà phòng dịu nhẹ và nước ấm, tránh tắm nước quá nóng.
- Nếu da vùng điều trị tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, bệnh nhân nên thoa kem chống nắng.
- Tránh sử dụng nước hoa, mỹ phẩm và chất khử mùi trong khu vực xạ trị.
- Bệnh nhân có thể bôi kem dưỡng không mùi sau mỗi buổi điều trị.
Xạ trị ung thư phổi cũng có thể gây mất cảm giác ngon miệng tạm thời.

Viêm thực quản, tức là viêm đường dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày, thường gặp sau xạ trị ung thư phổi và có thể khá nghiêm trọng, đặc biệt ở những bệnh nhân kết hợp với hóa trị. Tình trạng này gây khó nuốt, khiến một số bệnh nhân có thể giảm hơn 10% trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, viêm thực quản thường giảm trong vòng ba tuần sau khi điều trị kết thúc, khi đó, bệnh nhân có thể bắt đầu lấy lại cân nặng.
Viêm phổi do phóng xạ, một tình trạng viêm phổi có thể xảy ra từ ba đến sáu tháng sau khi xạ trị ung thư phổi kết thúc, gây ra các triệu chứng như ho, khó thở và sốt. Trong hầu hết trường hợp, viêm phổi do phóng xạ sẽ tự cải thiện sau hai đến bốn tuần mà không cần điều trị đặc biệt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.