Vai trò của siêu âm trong đánh giá các biến chứng sau ghép thận

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Xuân Thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Hiện nay, ghép thận đã trở thành kỹ thuật phổ biến cho bệnh nhân mắc bệnh thận ở giai đoạn cuối. Siêu âm là một biện pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn, đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá bệnh nhân sau ghép thận, có thể phát hiện được các biến chứng về giải phẫu, chức năng và mạch máu.

1. Siêu âm thận ghép

Ghép thận là một phương pháp điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Ghép thận là lấy một quả thận của người khỏe mạnh hoặc một quả thận còn tốt của người đã bị chết não để ghép vào bụng, và vẫn giữ nguyên không cắt bỏ thận cũ của bệnh nhân. Vị trí thuận lợi nhất để đặt thận mới là vùng hố chậu bên phải, cũng có một số trường hợp đặt ở bên trái. Động mạch và tĩnh mạch chậu cùng bên sẽ được nối với động mạch thận và tĩnh mạch thận ghép, niệu quản thận ghép sẽ được khâu nối vào bàng quang. Người ta chỉ cắt bỏ 1 hoặc 2 thận bệnh lý trong một số trường hợp đặc biệt như: thận bệnh bị viêm mãn tính nặng, thận đa nang quá to, hẹp động mạch thận nặng,... Một bệnh nhân có thể được ghép thận được nhiều lần, nếu thận ghép bị hỏng.

Siêu âm thận có sử dụng các sóng siêu âm với tần số lớn nằm ngoài ngưỡng nghe được của tai người, nhằm tạo ra các hình ảnh về kích thước, cấu trúc của thận. Từ đó có thể đánh giá được các dấu hiệu bệnh lý của thận, hay các biến chứng sau ghép thận.

Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn không xâm lấn, có thể thực hiện được ngay tại buồng bệnh và được sử dụng rộng rãi trong việc đánh giá bệnh nhân sau ghép thận. Siêu âm có thể phát hiện các biến chứng sau ghép thận bao gồm biến chứng về giải phẫu, chức năng và về mạch máu.


Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn không xâm lấn, có thể thực hiện được ngay tại buồng bệnh và được sử dụng rộng rãi trong việc đánh giá bệnh nhân sau ghép thận
Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn không xâm lấn, có thể thực hiện được ngay tại buồng bệnh và được sử dụng rộng rãi trong việc đánh giá bệnh nhân sau ghép thận

2. Biến chứng sau ghép thận

2.1 Biến chứng về giải phẫu

Biến chứng về giải phẫu bao gồm dịch quanh thận, thận ứ nước và các tổn thương trong nhu mô thận.

  • Dịch quanh thận: Bao gồm tụ máu, nước tiểu, nang bạch huyết và abces. Đây là những biến chứng gặp khoảng dưới 50% trong các trường hợp ghép thận. Siêu âm thấy xuất hiện khối dịch quanh thận, tùy thuộc vào vị trí và kích thước khối dịch sẽ có ảnh hưởng đến thận ghép, niệu quản hay các cấu trúc quanh thận. Hậu quả có thể gây ứ nước ở thận, xoắn mạch, phù chân, thành bụng và bộ phận sinh dục.
  • Khối tụ máu thường xuất hiện trong giai đoạn hậu phẫu thuật ngay trong thời gian hai tuần đầu sau phẫu thuật. VỊ trí khối máu tụ thường nằm ở mô dưới da hoặc xung quanh thận ghép. Hình ảnh siêu âm tùy thuộc vào giai đoạn bệnh, với tụ máu cấp tính sẽ có hình ảnh là một khối dịch trống âm, giai đoạn muộn sẽ có hình ảnh một khối hỗn hợp âm có thể có vách bên trong.
  • Nang niệu: Là một túi nước tiểu cạnh thận thông với đường bài xuất nước tiểu. Đây là một biến chứng nghiêm trọng, xuất hiện trong 2 tuần đầu sau phẫu thuật. Hình ảnh siêu âm là một khối trống âm đồng nhất trừ khi có nhiễm khuẩn hoặc có máu bên trong.
  • Nang bạch huyết: Là một biến chứng muộn hơn xảy ra trong thời gian 4 đến 8 tuần sau ghép thận. Vị trí thường nằm giữa bàng quang và thận ghép. Nguyên nhân xuất hiện nang bạch huyết là do sự gián đoạn của các kênh bạch huyết xung quanh. Hình ảnh siêu âm sẽ thấy một khối có cấu trúc dạng nang hình trong hay hơi lõm, phần lớn có vách bên trong.
  • Abces quanh thận: Là một biến chứng hiếm gặp nhưng có thể xảy ra trong giai đoạn đầu sau ghép thận do viêm hoặc do nhiễm khuẩn nang niệu, nang bạch huyết hay khối máu tụ. Hình ảnh siêu âm có thể thấy một khối trống âm hay hỗn hợp âm quanh thận.
  • Thận ứ nước: Do chèn ép từ bên ngoài hoặc do sỏi thận, phù nề miệng nối, cục máu động và hẹp niệu quản.
  • Các khối tổn thương khu trú: Xuất hiện trong nhu mô thận ghép có thể giảm âm, tăng âm hay hỗn hợp âm. Nguyên nhân có thể do viêm thận, bể thận khu trú, nhồi máu thận, khối abces.

Biến chứng về giải phẫu bao gồm dịch quanh thận, thận ứ nước và các tổn thương trong nhu mô thận
Biến chứng về giải phẫu bao gồm dịch quanh thận, thận ứ nước và các tổn thương trong nhu mô thận

2.2 Biến chứng về chức năng thận

Các biến chứng về chức năng thận sau ghép thận bao gồm: thải ghép thận, nhiễm độc thuốc và hoại tử ống thận cấp.

  • Thải ghép thận cấp diễn ra sau ghép vài ngày và đạt đỉnh điểm vào khoảng 1-3 tuần sau ghép. Hình ảnh siêu âm cho thấy thận được cấp ghép trở nên phù nề, hình cầu, toàn bộ thận giảm âm, phân biệt tủy vỏ kém, tăng cao chỉ số RI.
  • Thải ghép thận mãn bắt đầu 3 tháng sau khi cấy ghép. Siêu âm thấy thận ghép có nhu mô mỏng, ứ nước nhẹ, các xoang thận tăng âm, vôi hóa nhu mô, giảm tưới máu, RI bình thường hoặc tăng.
  • Hoại tử ống thận cấp: thường gặp hơn thải ghép thận, ít gây thay đổi về hình dạng trong nhu mô thận. Hoại tử ống thận cấp xảy ra trong giai đoạn đầu cấy ghép ngay sau khi hậu quả của thiếu máu. Siêu âm thấy chỉ số RI tăng cao.

2.3 Các biến chứng về mạch máu

Các biến chứng về mạch máu bao gồm biến chứng sớm là huyết khối trong động mạch và tĩnh mạch thận, biến chứng muộn là hẹp động mạch và tĩnh mạch, biến chứng sau sinh thiết bao gồm thông động - tĩnh mạch thận và phình mạch. Các biến chứng về mạch máu trong ghép thận xảy ra dưới 10% các trường hợp. Đây là những biến chứng có thể chữa được và siêu âm đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định các biến chứng mạch máu của ghép thận.

  • Huyết động mạch thận và huyết khối tĩnh mạch thận: Là những biến chứng nguy hiểm, thường gặp ở giai đoạn hậu phẫu thuật sớm, có thể dẫn tới hỏng thận nhanh.
    • Huyết khối động mạch là biến chứng sớm hiếm gặp, nguyên nhân do sự thải ghép nghiêm trọng và hoạt tử ống thận cấp hoặc do kỹ thuật phẫu thuật. Siêu âm doppler cho thấy không có dòng chảy của động mạch và tĩnh mạch thận.
    • Huyết khối tĩnh mạch thận phổ biến hơn, thường xảy ra giữa ngày thứ ba và thứ sáu sau khi cấp ghép thận, nguyên nhân có thể do tĩnh mạch thận bị chèn ép bởi các khối dịch, kỹ thuật phẫu thuật kém,... Siêu âm cho hình ảnh thận to, giảm âm, không có tín hiệu Doppler trong tĩnh mạch thận, chỉ số RI động mạch thận tăng cao, thường có dòng chảy tâm trương đảo ngược.
  • Hẹp động mạch thận: Thường xảy ra trong 3 năm đầu sau phẫu thuật ghép thận.Đây là một biến chứng mạch máu phổ biến, vị trí hẹp 50% trường hợp xuất hiện chỗ nối. Siêu âm doppler cho thấy tại chỗ hẹp có hình ảnh aliasing màu với vận tốc tâm thu cao nhất trên 200cm/s. Phổ doppler trong nhu mô thận với dạng sóng có đỉnh cong do tăng thời gian đạt đỉnh, chỉ số RI giảm.
  • Hẹp tĩnh mạch thận: Thường do chèn ép từ bên ngoài bởi các khối dịch hoặc xơ hóa khoang quanh tĩnh mạch. Siêu âm doppler có hiện tượng aliasing tại chỗ hẹp, tăng ba đến bốn lần vận tốc.
  • Thông động - tĩnh mạch và phình mạch thận: Là biến chứng có thể xảy ra sau sinh thiết thận ghép qua da. Phần lớn các tổn thương nhỏ và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, các shunts lớn có thể dẫn tới thiếu máu thận, vỡ tại chỗ thông động - tĩnh mạch và phình mạch có thể gây ra tiểu máu hoặc chảy máu quanh chỗ phình.

Các biến chứng về mạch máu trong ghép thận xảy ra dưới 10% các trường hợp
Các biến chứng về mạch máu trong ghép thận xảy ra dưới 10% các trường hợp

Tóm lại siêu âm là một phương tiện chẩn đoán nhanh, có thể thực hiện lặp đi lặp lại ngay tại buồng bệnh. Đây là phương pháp chẩn đoán đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá bệnh nhân sau ghép thận. Độ nhạy và độ đặc hiệu của siêu âm được cải thiện bằng cách tối ưu hóa các thông số quét. Siêu âm có thể phát hiện được các biến chứng về giải phẫu, chức năng và mạch máu sau khi ghép thận.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe