Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Ngày nay số người mắc các bệnh lý liên quan đến thận, đường tiết niệu ngày càng gia tăng. Để phát hiện sớm các bệnh lý liên quan đến thận thì siêu âm là một phương pháp cực kỳ hữu hiệu. Kỹ thuật siêu âm thận được dùng để xác định vị trí, hình dạng, cấu trúc, kích thước và sự liên quan giữa thận với các tạng khác.
1. Tổng quan về thận
Thận là một trong số những cơ quan đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong đường tiết niệu. Thận nằm trong ổ bụng ngay phía sau phúc mạc kết nối phía trước với động mạch chủ bụng. Mỗi người có 2 quả thận đối xứng qua hai bên cột sống thắt lưng ngang đốt sống ngực từ T1 đến đốt sống thắt lưng T3. Ở cực trên và lệch vào trong hai thận liên quan với tuyến thượng thận, ở cực dưới hai thận liên quan với đại tràng. Ngoài ra thận trái liên quan tới lá lách còn thận phải liên quan với gan.
2. Siêu âm thận là gì?
Siêu âm là kỹ thuật sử dụng sóng siêu âm để tạo ra hình ảnh về kích thước, cấu trúc, cũng như các dấu hiệu bệnh lý của nhiều vùng cơ quan, nội tạng của cơ thể, trong đó có thận. Siêu âm thận được dùng để xác định vị trí, hình dạng, kích thước, cấu trúc và đánh giá sự liên quan giữa thận với các cơ quan khác. Siêu âm thận có giá trị cao trong chẩn đoán các bệnh lý ở thận như: Sỏi thận, nang thận, áp xe thận, thận ứ nước, u thận...
Đây là phương pháp không xâm lấn, không gây đau với mức độ chính xác cao và an toàn cho người bệnh.
3. Siêu âm thận phát hiện ra những bệnh lý nào?
Phương pháp siêu âm thường cho kết quả mơ hồ trong đánh giá các bệnh lý thận lan toả như: hội chứng thận hư, viêm cầu thận (cấp và mãn tính), nhiễm tinh bột thận. Tuy nhiên, khi các bệnh trên đã tiến triển tới giai đoạn suy thận và gây ảnh hưởng tới kích thước thận, thì siêu âm lại cho kết quả rất rõ ràng. Bởi khi ấy hình ảnh thận nhỏ hơn bình thường rất dễ nhận biết. Như vậy, để chẩn đoán chính xác các bệnh lý và tình trạng diễn biến bệnh thì cần phải kết hợp các xét nghiệm về thận - tiết niệu và siêu âm nhiều lần (nếu cần) để giúp đạt hiệu quả cao trong đánh giá điều trị.
4. Khi nào cần siêu âm thận?
Siêu âm được chỉ định vào các trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu: Tiểu ra máu, khó tiểu, bí tiểu, bị chấn thương thận; đau vùng thận, niệu quản, suy thận (cấp và mãn tính); không thấy bóng thận trên X-quang, tăng huyết áp đột ngột hoặc tăng huyết áp ở người trẻ tuổi, hoặc nghi ngờ có dấu hiệu thận đa nang.
5. Dấu hiệu và nguyên nhân thận nhỏ
5.1 Thận bình thường trên siêu âm
Thận có hình bầu dục, rốn thận ở phía trong. Đặc điểm về kích thước thận:
● Thay đổi tùy theo giới: nam giới có kích thước thận lớn hơn nữ giới.
● Thay đổi tùy theo độ tuổi: tình trạng giảm kích thước thận theo độ tuổi còn gọi là “mỏng vỏ liên quan đến tuổi”, đôi khi kèm theo tăng mỡ xoang thận.
● Kích thước 2 quả thận thường không giống nhau, có thể chênh lệch từ 1-1,5cm.
● Ở người trưởng thành thận phải thường có vị trí thấp hơn thận trái. Chiều cao trung bình: 9-12cm; chiều rộng 4-8cm; chiều dày 3-5cm. Nếu kích thước thận nhỏ hơn mức như trên gọi là tình trạng thận nhỏ.
Khi siêu âm thận bình thường, ta thấy đường bờ đều, phía bên trái có lách đè vào nền nhu mô thận có hình tam giác, ngoài ra cũng có thể thấy rõ động, tĩnh mạch thận.
5.2 Nguyên nhân thận nhỏ
● Thận nhỏ bẩm sinh: Người mắc chứng thận nhỏ bẩm sinh thường có thận có dáng vẻ bình thường nhưng chiều cao dưới 5cm, thận bên đối xứng phì đại bù trừ. Nguyên nhân có thể do thiếu máu cục bộ hoặc sẹo nhu mô toàn bộ.
● Thiếu máu cục bộ: hẹp động mạch thận dẫn đến giảm kích thước thận. Thận bị thiếu máu cục bộ thường nhỏ nhưng có bờ nhẵn và cấu trúc âm bình thường.
● Teo thận sau chấn thương: Đa phần các chấn thương thận sau một thời gian sẽ phục hồi tốt trở lại mà không cần can thiệp, tuy nhiên vẫn có thể để lại sẹo. Teo thận thường do thiếu máu cục bộ do tổn thương mạch cuống thận, hoặc do máu tụ mạn tính quanh thân chèn ép khiến thận có xu hướng teo lại.
● Thận nhiễm mỡ: là một bệnh liên quan đến vấn đề miễn dịch của cơ thể. Thường lúc ban đầu siêu âm kích thước thận còn bình thường, cấu trúc vỏ tủy còn nhìn rõ được nhưng khi bệnh kéo dài, chức năng thận dần suy giảm khiến tình trạng hư hoại chủ mô thận càng nhiều, thận sẽ có kích thước nhỏ dần và giai đoạn cuối sẽ mất cấu trúc vỏ tủy.
● Viêm đài bể thận mạn: Nguyên nhân chính là do nhiễm trùng ngược dòng mạn tính thời gian dài khiến xơ hóa các đài thận, lâu dần sẽ suy thận và gây tăng huyết áp. Hình ảnh thận nhỏ trên siêu âm là một phần phản ánh các hiện tượng trên, các tổn thương xơ hóa có thể thấy ở những vùng có cấu trúc siêu âm dày, thận bị teo nhỏ, các đài thận bị co kéo sẽ thấy trên siêu âm như những nang nhỏ ở vùng ngoại vi. Tuy nhiên những dấu hiệu này cũng có thể thấy ở bệnh lý viêm vi cầu thận mạn.
● Bệnh thận trào ngược: là bệnh lý có thể dẫn tới sẹo vỏ thận và giảm kích thước thận. Tình trạng sẹo vỏ thận có thể diễn ra ở một thận hoặc toàn bộ. Trường hợp này gọi là sẹo toàn bộ, vỏ mỏng, kích thước thận giảm, hình ảnh thận nhỏ nhưng bờ thận có thể nhẵn.
● Tiểu đường: cũng có thể là bệnh lý khiến siêu âm thấy hình ảnh thận nhỏ, cấu trúc thận tăng âm chỉ xuất hiện ở giai đoạn muộn mà nguyên nhân có thể do bệnh lý về mạch máu hay nhiễm trùng.
Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác gây giảm kích thước thận như: Mức độ giảm biến đổi ở vỏ (Hoại tử vỏ thận, mỏng vỏ..), viêm thận bể thận mạn tính, bệnh thận do gout, bệnh nang tủy thận, bệnh thận do tăng huyết áp, Xơ cứng bì giai đoạn muộn, nhiễm độc chì mãn tính..
Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Văn Hương từng là Giảng viên bộ môn hình ảnh Y tại Trường đại học kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, nhiều năm kinh nghiệm công tác tại các bệnh viện như: Bệnh viện Ung thư; Bệnh viện Đà Nẵng; Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng.
Với sự tận tụy với công việc của mình, cống hiến hết sức cho ngành y nói chung và chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh nói riêng, bác sĩ Hương luôn được các bệnh nhân yêu mến và tin tưởng.
Video đề xuất:
Người bị sỏi thận nên ăn gì?
XEM THÊM
- Hội chứng thận hư trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị
- Hướng dẫn cách chăm sóc & ăn uống cho người rối loạn chức năng thận
- Mắc hội chứng thận hư nên ăn gì cho tốt?