Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Hải - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Hải đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, đặc biệt trong lĩnh vực cắt lớp vi tính đa dãy, cộng hưởng từ.
Siêu âm là kỹ thuật xét nghiệm quan trọng trong chẩn đoán các bệnh lý tiền liệt tuyến ở nam giới. Dựa vào các triệu chứng lâm sàng, qua thăm khám tuyến tiền liệt, nếu thấy có các dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được chỉ định siêu âm tiền liệt tuyến để xác định chính xác bệnh lý.
1. Siêu âm tiền liệt tuyến
Tiền liệt tuyến có hình nón, được bao bọc bằng vỏ xơ, đáy tiền liệt tuyến tựa vào cổ bàng quang, đỉnh tiền liệt tuyến ở dưới dính vào cân sinh dục tiết niệu.
Ở người khỏe mạnh, tiền liệt tuyết ở vị trí dọc trên xương mu, mặt cắt ngang có hình tam giác, cao khoảng 3 - 3,5cm, chiều ngang khoảng 2,5 - 3cm, trọng lượng khoảng 15 - 25 gram. Nam giới khi bước vào tuổi trung niên, ngoài 40 tuổi thường dễ phát sinh các bệnh lý tiền liệt tuyến. Để có thể chẩn đoán chính xác được bệnh, bác sĩ phải dựa vào hình ảnh siêu âm tiền liệt tuyến.
Có hai kỹ thuật siêu âm tiền liệt tuyến gồm:
- Siêu âm tiền liệt tuyến qua đường bụng
- Siêu âm tiền liệt tuyến qua đường trực tràng
Mỗi kỹ thuật siêu âm lại có yêu cầu, quy trình thực hiện nhất định, phù hợp với từng bệnh lý. Các bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định kỹ thuật siêu âm phù hợp.
Siêu âm tiền liệt tuyến là phương pháp được áp dụng rộng rãi, có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp khác như: cho hình ảnh sắc nét, trực quan theo thời gian thực, hình ảnh cân đối, chi phí thấp.
2. Vai trò của siêu âm trong chẩn đoán các bệnh lý tiền liệt tuyến
Siêu âm là phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn, nhanh chóng, chi phí thấp, có nhiều ưu điểm. Siêu âm được áp dụng rất rộng rãi trong y học, được chỉ định cho nhiều đối tượng, nhiều độ tuổi, áp dụng với nhiều bệnh lý.
Trong việc chẩn đoán các bệnh lý tiền liệt tuyến, siêu âm đóng vai trò vô cùng quan trọng, cụ thể:
- Ghi lại hình ảnh cấu trúc tiền liệt tuyến
- Xác định khối lượng tiền liệt tuyến, hình dạng, mật độ của tiền liệt tuyến
- Xác định lượng nước tiểu còn tồn dư
- Xác định tình trạng nhu mô giúp chẩn đoán phân biệt bệnh lý tiền liệt tuyến với ung thư hoặc áp xe tiền liệt tuyến
- Xác định tình trạng các biến chứng do tăng sản lành tính tiền liệt tuyến ở bàng quang và đường dẫn niệu trên
- Xác định thể tích tiền liệt tuyến. Từ đó có định hướng trong việc điều trị bệnh
- Theo dõi quá trình tiến triển của bệnh, hỗ trợ quá trình điều trị
- Kiểm tra các bệnh lý kết hợp.
3. Một số bệnh lý tiền liệt tuyến thường gặp
3.1. Nang tiền liệt tuyến
Nang tiền liệt tuyến hình thành do cơ chế tắc và giãn các ống hoặc do thoái hóa nang mô tuyến. Có rất nhiều nguyên nhân gây nang tiền liệt tuyến, một trong số đó là nang tiền liệt tuyến bẩm sinh. Nhiều nguồn gốc bệnh khác nhau như: ống dẫn tinh, ống phóng tinh, ống Muller, túi bầu dục tiền liệt tuyến, ống tuyến của tiền liệt tuyến.
Thời gian đầu mắc nang tiền liệt tuyến, bệnh nhân có thể không gặp các triệu chứng nào. Đôi khi cảm thấy đau tức khu vực tiền liệt tuyến, tiểu khó.
Siêu âm sẽ thấy cấu trúc dạng nang điển hình.Tùy từng vị trí của nang mà sẽ có phương hướng điều trị nhất định.
3.2. Phì đại tiền liệt tuyến
Phì đại tiền liệt tuyến thường gặp ở đàn ông trung niên trên 40 tuổi, trong đó phổ biến nhất là trên 80 tuổi (chiếm 85%). Phì đại tiền liệt tuyến là những nhân tăng sản của mô tuyến trong vùng chuyển tiếp, quanh niệu đạo, dần nhân tăng sản lớn.
Triệu chứng của phì đại tiền liệt tuyến gồm: tiểu khó, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, tiểu ra tia nhỏ giọt, tiểu đêm... Đây là các biểu hiện khi nhân tăng sản chèn ép vào đường đi của niệu đạo và cổ bàng quang. Khi sư tắc nghẽn này tăng lên sẽ dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng hơn như: trào ngược bàng quang - niệu quản, ứ nước niệu quản - thận.
Hình ảnh siêu âm phì đại tiền liệt tuyến ở giai đoạn đầu sẽ thấy các nhân tăng sản có cấu trúc giảm âm kích thước nhỏ, nằm trong vùng chuyển tiếp. Ở giai đoạn muộn hơn, hình ảnh siêu âm thu được sẽ thấy các nhân tăng sản tăng kích thường và số lượng, càng ngày càng đội vào lòng bàng quang khiến cho tuyến tăng kích thước.
3.3. Viêm tiền liệt tuyến
Nguyên nhân gây viêm tiền liệt tuyến là do vi khuẩn hoặc không vi khuẩn. Có 2 dạng viêm tiền liệt tuyến là viêm tiền liệt tuyến cấp tính và viêm tiền liệt tuyến mãn tính.
Triệu chứng của viêm tiền liệt tuyến gồm: sốt, đau nhức vùng tầng sinh môn, đau lưng, người mệt mỏi, tiền liệt tuyến bị sưng, khi ấn vào sẽ có cảm giác đau.
Hình ảnh siêu âm viêm tiền liệt tuyến cấp cho thấy xuất hiện những vùng giảm âm ở phần mô bao bọc quanh niệu đạo, nhu mô tuyến giảm âm, tăng hiện tượng tăng cường âm qua mô tuyến.
Viêm tiền liệt tuyến có thể phát triển thành áp xe tiền liệt tuyến. Khi đó, hình ảnh siêu âm sẽ thấy dịch trống âm hoặc giảm âm, ổ áp xe lớn sẽ làm biến đổi cấu trúc giải phẫu của tiền liệt tuyến.
3.4. Ung thư tiền liệt tuyến
Triệu chứng của ung thư tiền liệt tuyến gồm: suy nhược, mệt mỏi, đau xương, thiếu mẫu, tiểu rắt, tiểu bí, tiểu đêm, tiểu nhiều lần...
Trường hợp ung thư tiền liệt tuyến thường được chỉ định siêu âm tiền liệt tuyến qua trực tràng để thu được hình ảnh chi tiết, cụ thể nhất của phần tổn thương.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.