Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Hương - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Sỏi mật là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp nhất. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng giúp đánh giá vị trí, kích thước, số lượng sỏi mật, ảnh hưởng của sỏi mật đến các cơ quan khác. Các kỹ thuật chẩn đoán bệnh sỏi mật được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là siêu âm ổ bụng, chụp CT ổ bụng, chụp MRI.
1. Tổng quan về bệnh sỏi mật
Túi mật bình thường là một túi nhỏ, hình dạng như quả lê nằm phía dưới thùy gan phải, nối với đường mật qua ống túi mật. Nhiệm vụ của túi mật là lưu trữ và cô đặc dịch mật do gan tiết ra. Khi chúng ta ăn, túi mật co bóp đẩy mật qua ống mật chủ vào ruột giúp tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là các chất béo.
Sỏi mật là một trong những bệnh lý hay gặp nhất trong các bệnh lý đường tiêu hóa. Sỏi mật là một thực thể rắn xuất hiện từ mật đã kết tinh, có thể xuất hiện ở túi mật, ống mật chủ hoặc đường dẫn mật trong gan. Ở các nước phát triển, đa số sỏi mật là tập hợp chủ yếu từ cholesterol. Còn ở Việt Nam, đa số là sỏi sắc tố, bắt nguồn từ trứng và xác ký sinh trùng đường ruột.
Sỏi mật có thể rất nhỏ, đường kính chỉ vài milimet hoặc có thể lớn, đường kính vài centimet. Sỏi có thể hình tròn, hình bầu dục hoặc nhiều hình dạng khác. Người bệnh có thể chỉ có một vài sỏi nhưng cũng có người có rất nhiều sỏi. Tỷ lệ bệnh sỏi túi mật ở phụ nữ cao hơn nam giới do hormone sinh dục nữ progesteron làm giảm vận động túi mật, trong khi đó hormone estrogen làm tăng cholesterol và giảm acid mật hòa tan cholesterol. Một số nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ sỏi mật đó là: tình trạng béo phì, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn, mắc bệnh tiểu đường, mắc những bệnh lý làm hạn chế chức năng túi mật hoặc làm chậm nhu động ruột bao gồm cả tình trạng tổn thương tủy sống,...
Sỏi mật có thể gây các biến chứng nghiêm trọng như viêm túi mật, tắc ống mật chủ, tắc nghẽn ống tụy, viêm tụy cấp, ung thư túi mật, tắc ruột do sỏi mật,...Ở giai đoạn đầu khi mắc bệnh sỏi mật, đa số bệnh nhân không có triệu chứng gì, thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm ổ bụng. Khi sỏi làm tắc ống túi mật, người bệnh sẽ gặp những triệu chứng như đau bụng dữ dội, sốt vã mồ hôi, ớn lạnh, vàng da, vàng mắt,...
2. Vai trò của siêu âm ổ bụng, chụp CT ổ bụng, MRI trong chẩn đoán bệnh sỏi mật
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có vai trò vô cùng quan trọng, giúp cung cấp cho bác sĩ các thông tin có giá trị về tình trạng sỏi mật như vị trí, kích thước sỏi, ảnh hưởng của sỏi đến các cơ quan khác. Một số kỹ thuật chẩn đoán bệnh sỏi mật đang được sử dụng phổ biến hiện nay bao gồm:
2.1. Siêu âm ổ bụng
Siêu âm ổ bụng tạo ra hình ảnh của túi mật và đường mật, giúp phát hiện ra sỏi mật với độ nhạy và độ đặc hiệu cao. Siêu âm giúp xác định tính chất của sỏi như số lượng, kích thước, phát hiện dấu hiệu viêm, sự tắc nghẽn dòng chảy của mật, các thông tin giải phẫu như tình trạng gan, đường mật, polyp túi mật,...Siêu âm ổ bụng là phương pháp phổ biến nhất được dùng để đánh giá các bất thường của túi mật hiện nay.
Siêu âm sỏi mật được thực hiện tốt nhất khi bệnh nhân nhịn đói và không dùng các thuốc lợi mật. Hình ảnh sỏi mật điển hình là:
- Sỏi là hình tăng âm tròn hoặc bầu dục, đôi khi có hình vòng cung, kèm bóng cản, di động khi bệnh nhân thay đổi tư thế.
- Thường có bóng cản âm phía sau đối với sỏi trên 3mm, tuy nhiên một tỷ lệ nhỏ sỏi bùn không kèm theo bóng cản.
Hình ảnh sỏi mật không điển hình là:
- Túi mật chứa đầy sỏi, co nhỏ tạo nên hai hình vòng cung. Một vòng cung của thành túi mật và vòng cung thứ hai kèm bóng cản của sỏi.
- Bùn túi mật: một phần hoặc toàn bộ dung tích túi mật chứa đầy bùn mật, đôi khi bùn mật kèm theo nhiều sỏi rất nhỏ không kèm bóng cản.
2.2. Chụp CT ổ bụng
Chụp CT ổ bụng hay còn gọi là chụp cắt lớp ổ bụng, là phương pháp sử dụng tia X quang và hệ thống máy vi tính để tạo ra hình ảnh ba chiều mặt cắt của ổ bụng. Chụp CT ổ bụng nhanh chóng tạo ra các hình ảnh chi tiết của túi mật và đường mật, giúp bác sĩ phát hiện chính xác sỏi mật, dấu hiệu viêm, dấu hiệu tắc nghẽn dòng chảy của mật.
Chụp CT ổ bụng được chỉ định trong trường hợp bác sĩ nghi ngờ có sỏi mật được hình thành hoặc sỏi gây biến chứng như thủng ống mật chủ, ung thư túi mật,...
2.3. Chụp cộng hưởng từ MRI trong đánh giá sỏi mật
Chụp cộng hưởng từ mật tụy là kỹ thuật sử dụng hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) để tạo ra hình ảnh của gan, túi mật, đường mật, tuyến tụy và ống tụy.
Chụp cộng hưởng từ mật tụy rất có giá trị trong khảo sát các bệnh lý đường mật tụy, có thể giúp xác định chính xác sự có mặt và tính chất của sỏi mật, cho thấy tình trạng viêm, tắc nghẽn túi mật hoặc ống mật.
Chụp cộng hưởng từ mật tụy có nhiều ưu điểm như an toàn, không xâm phạm, không gây nhiễm xạ, bệnh nhân không cần gây tê, xác định tốt hơn đường mật phía trên chỗ tắc nghẽn, đánh giá chính xác tổn thương ngoài đường mật,...
Sau khi thăm khám và chỉ định thực hiện các kỹ thuật cận lâm sàng, tùy theo tình trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Sỏi mật không cần điều trị nếu không có các triệu chứng. Người bệnh cần tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ theo dõi sự tiến triển của sỏi. Nếu người bệnh bị viêm túi mật hoặc các biến chứng liên quan đến sỏi mật, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng kháng sinh và cắt bỏ túi mật. Đa số các trường hợp, bác sĩ sẽ cắt bỏ túi mật bằng phẫu thuật nội soi. Nếu sỏi mật gây tắc nghẽn ống dẫn mật, một số thủ thuật khác có thể được thực hiện như: nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP), tán sỏi mật qua da,...
Sỏi mật là bệnh lý khá thường gặp, và thường không gây triệu chứng. Nhứng khi có biến chứng như viêm túi mật – đường mật cấp do sỏi thì sẽ rất nặng. Nên có chế độ ăn uống hợp láy và đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm sỏi giúp theo dõi dễ dàng và biết các dấu hiệu viêm đường mật túi mật cấp do sỏi sớm để đến bệnh viện điều trị kịp thời
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org