Vai trò của Glucosamin trong điều trị đau xương khớp

Cơ thể con người có thể tự tổng hợp được Glucosamine nhưng khả năng tổng hợp này giảm dần theo độ tuổi, sẽ dẫn đến mắc các bệnh xương khớp như khô khớp, cứng khớp, viêm khớp. Cần phải bổ sung glucosamine để làm chậm quá trình thoái hóa, biến dạng khớp và tạo chất nhờn giúp các khớp được vận động một cách dễ dàng.

1. Tác dụng của Glucosamin

Glucosamine là một amino-monosaccharide được tổng hợp từ glucose có ở hầu hết các mô của cơ thể, đặc biệt nhiều hơn ở các mô liên kết và mô sụn. Glucosamine dạng dược phẩm là thành phần được dùng để điều chế ra các sản phẩm hỗ trợ điều trị viêm khớp gối mạn tính, giúp giảm triệu chứng của thoái hóa khớp.

Glucosamine là thành phần tham gia cấu tạo nên hyaluronic acid, chondroitin sulfate, keratan sulfate mà các chất này tạo nên sợi collagen trong các mô khớp, sụn. Quá trình tổng hợp sợi collagen ở các mô sụn giúp làm chậm quá trình thoái hóa, biến dạng khớp và tạo chất nhờn giúp các khớp được vận động dễ dàng.

Thuốc glucosamine được sử dụng để thúc đẩy tăng trưởng khớp và kích thích sản xuất sụn, do đó khiến các khớp hồi phục đồng thời glucosamine cũng bảo vệ sụn và ngăn không cho sụn phân hủy.

2. Vai trò của Glucosamin trong điều trị đau xương khớp

Khớp là nơi nối giữa hai đầu xương có cấu tạo gồm sụn khớp, xương dưới sụn, dịch khớp, dây chằng. Theo thời gian hoặc do chấn thương thì các sụn khớp dễ bị vỡ, trở nên mỏng và xù xì. Khi cử động làm hai đầu xương dễ cọ xát vào nhau làm tổn thương dẫn đến đau, sưng, khó cử động hơn gây ra các bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp, đau xương khớp. Để khắc phục vấn đề này, ngoài việc tìm đến các phương pháp điều trị hiệu quả thì người bệnh còn cần bổ sung thêm dưỡng chất quan trọng để tăng khả năng phục hồi sụn khớp, đó chính là Glucosamine.


Lớp sụn khớp bị thoái hóa trở nên xù xì và bị bào mòn
Lớp sụn khớp bị thoái hóa trở nên xù xì và bị bào mòn

Có nhiều loại Glucosamine khác nhau như Glucosamine Sulfate, Glucosamine Hydrochloride và N-Acetyl-Glucosamine. Hầu hết các nghiên cứu đều được thực hiện với Glucosamine Sulfate mà trong thành phần Sulfate của Glucosamine Sulfate đóng vai trò rất quan trọng trong việc tái tạo và sửa chữa các sụn quanh khớp kèm theo nó cũng bảo vệ sụn và ngăn không cho sụn phân hủy bởi các enzym. Ngoài ra, Glucosamine còn có khả năng kích thích sản sinh mô liên kết của xương giúp giảm triệu chứng mất canxi ở xương làm tăng sản sinh chất nhầy của dịch khớp và tăng khả năng bôi trơn ở khớp.

Do đó, các sản phẩm có chứa Glucosamine được sử dụng rộng rãi cho người bệnh viêm khớp mạn tính, đặc biệt là viêm khớp gối. Glucosamine còn có thể làm giảm các triệu chứng đau góp phần làm chậm tiến trình thoái hóa khớploãng xương.

Đối với người mắc bệnh viêm khớp gối, thoái hóa xương khớp nên dùng Glucosamine mỗi ngày để cải thiện triệu chứng và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả hơn. Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc bổ sung Glucosamine đều đặn giúp tăng cường cấu trúc bền vững của khớp, giúp khớp xương thư giãn, duy trì sự linh hoạt. Tác dụng của Glucosamine mang tính tích lũy, thời gian dùng càng kéo dài thì càng nhận thấy kết quả rõ rệt. Người bệnh cần đến bác sĩ để được chỉ định liều lượng cụ thể, phù hợp với thể trạng và độ tuổi của từng người.

3. Chú ý khi uống Glucosamine

Người bệnh cần đặc biệt chú ý vì Glucosamine không phải là thuốc giảm đau nên không thể có tác dụng tức thời, do vậy khi lựa chọn bổ sung các loại thuốc hay thực phẩm chức năng có chứa Glucosamine mà có tác dụng hỗ trợ điều trị nguyên nhân gây thoái hoá, gây đau khớp thì nên dùng trong một thời gian nhất định mới thấy được kết quả tốt. Nếu tình trạng nặng, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thêm các loại thuốc kháng viêm để hỗ trợ điều trị.


Cần duy trì sử dụng Glucosamine trong thời gian nhất định để thấy hiệu quả
Cần duy trì sử dụng Glucosamine trong thời gian nhất định để thấy hiệu quả

Sử dụng Glucosamine với liều lượng không chính xác, thời gian dùng không đủ dài sẽ không mang đến tác dụng. Đồng thời, nếu người bệnh dùng một lượng Glucosamine liên tục mà không kiểm tra, đánh giá tình trạng định kỳ cũng có thể gặp những tác dụng phụ không đáng có khiến bệnh tiến triển nặng hơn. Vì vậy, việc tham khảo ý kiến y bác sĩ hoặc các chuyên gia về cơ xương khớp là việc nên làm.

Mặc dù chưa có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn rằng Glucosamine có thể gây nguy hiểm cho những người có dị ứng với tôm cua, sò, ốc, hến và hải sản nhưng đã có một số khuyến cáo đã được đưa ra cần phải thận trọng trước khi dùng. Để an toàn hơn, bệnh nhân hãy trao đổi với bác sĩ về tình trạng dị ứng của mình khi được khuyên dùng Glucosamine.

Những người có bệnh lý mãn tính về tim mạch, tăng huyết áp hoặc cảm cúm, bệnh nhiễm khuẩn tai mũi họng cần phải thận trọng khi dùng Glucosamine. Glucosamine cũng có thể gây tăng huyết áp tạm thời, gây tăng nhịp tim, nhịp mạch nhanh.

Trường hợp các bệnh nhân bị tiểu đường hoặc người bị hạ đường huyết, khi sử dụng Glucosamine cần theo dõi kiểm tra đường huyết thường xuyên.

Glucosamine có thể tăng nguy cơ chảy máu ở một số bệnh nhân nên những bệnh nhân rối loạn chảy máu, người đang uống thuốc gây loãng máu hoặc người đang uống aspirin hằng ngày nếu đang dùng Glucosamine nên kiểm tra thường xuyên thời gian đông máu để kiểm soát tình hình.

Ngoài ra, khi sử dụng Glucosamine người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn về đường tiêu hóa, đầy hơi, đi ngoài phân mềm, buồn ngủ, mất ngủ, đau đầu, dị ứng da, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, móng trở nên cứng hơn.

Glucosamine không dùng cho người dưới 18 tuổi, đặc biệt phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe