Khi được 6 tháng tuổi cũng là thời điểm trẻ bắt đầu làm quen với các loại thực phẩm ngoài sữa mẹ. Giai đoạn ăn dặm của trẻ được xem như bước đánh dấu sự phát triển ở một giai đoạn mới. Tuy nhiên việc thực hiện ăn dặm cho trẻ như thế nào để hợp lý thì không phải cha mẹ nào cũng biết. Đặc biệt mỗi phương pháp ăn dặm luôn tồn tại những ưu nhược điểm riêng.
1. Thời điểm thực hiện cho trẻ ăn dặm
Cha mẹ cần lưu ý và nắm rõ thời điểm bắt đầu thực hiện cho trẻ ăn dặm. Bởi thời điểm phù hợp sẽ giúp trẻ hấp thu dưỡng chất từ thức ăn được tốt hơn. Trong một số trường hợp, cha mẹ chưa có đầy đủ kiến thức cho trẻ ăn dặm có thể cho trẻ ăn sớm nhằm cải thiện tình trạng của trẻ. Tuy nhiên, điều này lại phản tác dụng gây ra một số vấn đề ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của trẻ:
- Trẻ ăn dặm quá sớm sẽ khiến cho dạ dày và thận của trẻ dễ dàng bị tổn thương do các cơ quan này chưa phát triển hoàn thiện đồng thời lại phải hoạt động quá mức. Hơn nữa, nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm, lúc đó hệ tiêu hoá của trẻ chưa tiết đủ chất nhầy cũng như các loại enzyme giúp phân cắt đạm, chất béo và dẫn đến tình trạng các cơ quan làm việc quá sức
- Cho trẻ ăn dặm sớm khiến trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh rối loạn tiêu hoá, đi ngoài hoặc táo bón do hệ tiêu hoá còn non nớt.
- Khi trẻ ăn dặm sớm thì dạ dày của trẻ phải co bóp mạnh mẽ trong khi đó lớp niêm mạc bề mặt và lớp dịch nhầy còn mỏng gây nên tổn thương dạ dày và dẫn tới nguyên nhân khiến trẻ mắc các bệnh về dạ dày khi trẻ lớn lên.
- Trẻ ăn dặm sớm quá cũng có thể khiến cho trẻ lười bú sữa mẹ dẫn đến tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng và các chất thiết yếu có trong sữa mẹ, khi đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức đề kháng cũng như sự phát triển của trẻ.
- Do cơ hàm và lưỡi của trẻ ở giai đoạn mới sinh còn chưa có khả năng phối hợp nhịp nhàng, nếu cho trẻ ăn dặm quá sớm sẽ khiến trẻ có thể dễ bị sặc hoặc nghẹn.
Qua phân tích ở trên có thể thấy cách cho trẻ ăn dặm cũng như thời điểm ăn dặm hợp lý cho trẻ rất quan trọng. Và theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO trẻ chỉ nên ăn dặm khi tròn 6 tháng tuổi. Bởi lúc này hệ tiêu hoá của trẻ đã phát triển tương đối hoàn chỉnh và có thể hấp thu được các dưỡng chất phức tạp.
2. Phân tích ưu nhược điểm của các phương pháp ăn dặm của trẻ
2.1. Phương pháp truyền thống áp dụng cho trẻ ăn dặm
Ăn dặm truyền thống được xem như phương pháp cho bé ăn dặm lâu đời nhất sử dụng tại VIệt Nam. Khi trẻ chuyển sang giai đoạn ăn dặm, trẻ bắt đầu ăn bằng bột xay nhuyễn chung với các loại thức ăn như rau củ, cá, thịt... Khi trẻ bước vào độ tuổi mọc răng thì con có thể chuyển sang ăn cháo hoặc các loại thực phẩm có thể xay nhuyễn.
Phương pháp ăn dặm truyền thống được rất nhiều cha mẹ cho rằng cách này không còn phù hợp với xu hướng hiện đại. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trẻ được áp dụng ăn dặm theo kiểu truyền thống.
Ưu điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống là giúp cha mẹ tiết kiệm thời gian bởi vì quá trình chế biến đồ ăn cho trẻ khá đơn giản và phù hợp với nhiều cha mẹ bận rộn. Đồng thời thức ăn của trẻ sau khi xay nhuyễn giúp quá trình tiêu hoá thức ăn của trẻ tốt hơn, không ảnh hưởng đến khả năng tiêu hoá cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng vào cơ thể trẻ.
Nhược điểm của phương pháp ăn dặm truyền thống là trẻ ăn thức ăn xay nhuyễn nhiều, do đó có thể không phát triển được khả năng ăn thức ăn thô cũng như khả năng nhai và nuốt của trẻ. Ngoài ra, với phương pháp ăn dặm truyền thống sẽ dựa trên sự chế biến thức ăn chung với nhau nên khiến cho trẻ khó cảm nhận được mùi vị riêng của từng loại thực phẩm, từ đó không kích thích trẻ ăn uống, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng trẻ biếng ăn và kén chọn thực phẩm sau này.
2.2. Phương pháp ăn dặm theo Nhật
Cha mẹ Việt Nam đều ưa chuộng xu hướng áp dụng các phương pháp nuôi dạy con thông minh đặc biệt theo phương pháp của người Nhật. Áp dụng phương pháp này sẽ thực hiện với trẻ bắt đầu ăn dặm sớm khoảng 5 đến 6 tháng tuổi. Tỷ lệ cháo pha loãng trong chế độ ăn 1/10, độ thô của cháo được tăng dần lên theo tuổi của trẻ. Đồng thời các loại thực phẩm như thịt, cá, rau xanh sẽ được chế biến với độ thô phù hợp với giai đoạn bắt đầu ăn dặm của trẻ
Khi trẻ ăn dặm theo phương pháp Nhật trẻ có thể sẽ được ăn riêng nhiều loại thức ăn với khay thức ăn có đủ 3 nhóm thực phẩm chính: tinh bột, vitamin, khoáng chất, protein theo tiêu chuẩn vàng - đỏ - xanh. Các loại thức ăn trong bữa ăn này không bị trộn lẫn vào nhau mà được chế biến riêng để giúp trẻ cảm nhận được hương vị của từng loại thức ăn.
Hơn nữa, cha mẹ cũng tập cho trẻ ăn nhạt, ăn các loại rau củ rồi ăn đến thịt cá để trẻ làm quen dần với các loại thực phẩm. Và trẻ sẽ tập trung vào bữa ăn hơn không bị ép buộc khi ăn.
Ưu điểm của phương pháp cho bé ăn dặm kiểu Nhật là giúp trẻ có khả năng sử dụng các loại thức ăn thô sớm hơn so với các phương pháp khác bao gồm cả phương pháp ăn dặm truyền thống. Khi trẻ ăn riêng các thực phẩm giúp trẻ làm quen hương vị của món ăn, giúp kích thích vị giác của trẻ cũng nhưng hạn chế được tình trạng biếng ăn hoặc kén ăn của trẻ sau này.
Áp dụng phương pháp ăn dặm của Nhật giúp trẻ ăn nhạt hơn và tạo điều kiện cho thận của trẻ không phải làm việc quá tải. Bên cạnh đó, khi ăn theo cách cho trẻ ăn dặm kiểu nhật này trẻ sẽ có tâm lý thoải mái ăn uống, không áp lực và có thể ăn được nhiều hơn.
Nhược điểm của phương pháp ăn dặm theo Nhật là cha mẹ sẽ mất thời gian để dạy trẻ cầm thìa, muỗng, chuẩn bị thực phẩm cho trẻ. Do vậy, phương pháp này không khả thi với những cha mẹ bận rộn do yêu cầu thời gian nhiều, tỉ mỉ trong việc chế biến đồ ăn cho trẻ...
2.3. Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy BLW cho trẻ
Ăn dặm tự chỉ huy sẽ cho phép trẻ tự trải nghiệm các loại thức ăn, các hương vị, kích thước và hình dạng của thực phẩm khác nhau. Trẻ được tập ăn thô như người lớn ngay từ lần đầu tiên trẻ thực hiện ăn dặm. Mục đích chính của phương pháp này giúp trẻ rèn luyện được khả năng nhai, nuốt và cảm nhận hương vị từ thực phẩm. Trẻ vẫn được cung cấp chất dinh dưỡng từ sữa mẹ.
Phương pháp ăn dặm tự chỉ huy sẽ không thực hiện quấy bột, hay cháo loãng, trẻ cũng không sử dụng muỗng, dĩa... mà trẻ sẽ sử dụng chính đôi tay của trẻ để cầm nắm và cảm nhận loại thức ăn trẻ sử dụng. Khi đó, trẻ có thể sử dụng loại thực phẩm nào mà trẻ thích.
Ưu điểm của phương pháp cho trẻ ăn dặm blw giúp trẻ khám phá mùi vị, kết cấu cũng như màu sắc của thực phẩm. Đồng thời, phương pháp này cũng giúp trẻ tăng phản xạ và kỹ năng nhai nuốt. Một điểm đáng chú ý của phương pháp này trẻ có thể ăn theo sở thích và nhu cầu của trẻ. Hơn nữa, cha mẹ cũng không cần tốn quá nhiều thời gian để chuẩn bị thực đơn hàng ngày cho trẻ.
Nhược điểm của phương pháp ăn dặm tự chỉ huy là trong một vài tháng đầu trẻ sẽ ăn rất ít thức ăn. Những thức ăn thô cũng có thể khiến cho trẻ bị hóc, nghẹn hoặc khó nuốt... cho nên khi trẻ ăn theo phương pháp này cha mẹ cần ngồi cùng và theo dõi trẻ ăn. Đặc biệt cách ăn này sẽ làm cha mẹ mất thời gian dọn dẹp vệ sinh do trẻ làm rơi vãi thức ăn khắp nơi.
Tóm lại, mỗi phương pháp ăn dặm đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định vì vậy thay vì gượng ép trẻ ăn theo một phương pháp nhất định thì cha mẹ nên áp dụng linh hoạt các phương pháp cho trẻ ăn dặm theo khả năng cũng như sở thích của trẻ để có hứng thú với việc ăn uống hơn.
Giai đoạn trẻ ăn dặm là giai đoạn vô cùng quan trọng giúp trẻ tăng trưởng toàn diện. Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.