Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bình - Khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ Nguyễn Bình đã có hơn 20 năm kinh trong lĩnh vực gây mê- hồi sức.
Gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích là kỹ thuật chính trong phương pháp gây mê toàn thân qua đường tĩnh mạch. Gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp truyền thống. Người bệnh ít gặp phải tác dụng phụ và giảm nguy cơ ngộ độc thuốc. Các thuốc mê được sử dụng trong phương pháp gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích bao gồm propofol, sufentanil, remifentanil và alfentanil.
1. Trường hợp nào được áp dụng phương pháp gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích?
Gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích là phương pháp mới có nhiều ưu điểm cho người bệnh. Phương pháp này được chỉ định hầu như trong mọi trường hợp. Những ưu điểm của gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích được phát huy tối đa trong những trường hợp bệnh lý sau:
- Phẫu thuật các bệnh lý thần kinh
- Bệnh lý yêu cầu người bệnh khôi phục các hoạt động của hệ thần kinh sớm
- Phẫu thuật chọc hút trứng
- Các phẫu thuật ngoại trú, thực hiện đơn giản và người bệnh có thể trở về trong ngày
- Các trường hợp đánh giá người bệnh có khả năng tăng thân nhiệt ác tính khi phẫu thuật
- Nguy cơ xuất hiện nôn và buồn nôn cao sau phẫu thuật
- Phẫu thuật các bệnh lý liên quan đến lồng ngực như cắt phổi toàn bộ hoặc cắt thùy phổi.
2. Nguyên tắc cơ bản của gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích
Để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả gây mê khi tiến hành phẫu thuật, quá trình thực hiện gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích cần tuân thủ các nguyên tắc cơ bản sau:
- Lựa chọn đúng loại thuốc và sử dụng với liều phù hợp với từng bệnh nhân. Các bác sĩ gây mê cần nắm rõ dược lực học và dược động học của thuốc, đảm bảo mục tiêu gây mê hiệu quả và thoát mê nhanh.
- Theo dõi sát tình trạng mê của người bệnh và điều chỉnh độ sâu gây mê kịp thời khi có các bất thường. Đây cũng là cách để phòng tránh và phát hiện kịp thời các tác dụng phụ do quá liều thuốc gây mê.
- Phối hợp chỉ định các thuốc giảm đau và thuốc ức chế thần kinh một cách liên tục hoặc gián đoạn tùy theo từng tình huống lâm sàng của người bệnh. Duy trì các thuốc giảm đau sau khi phẫu thuật kết thúc.
- Theo dõi các chỉ số sinh tồn của người bệnh bao gồm mạch, huyết áp, nhiệt độ, nước tiểu. Nhanh chóng tiến hành bù dịch có hoặc không có kết hợp với các thuốc vận mạch để khôi phục giá trị bình thường nếu huyết áp giảm. Ngược lại, sử dụng các thuốc hạ áp khi huyết áp tăng cao quá ngưỡng.
- Thuốc giãn cơ cần được sử dụng đủ liều để đảm bảo hiệu quả gây mê trong suốt phẫu thuật.
3. Gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích ở một số trường hợp đặc biệt
Bệnh nhân thừa cân, béo phì
Phương pháp gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích là một lựa chọn thích hợp với những bệnh nhân béo phì. Tuy nhiên, các thông số được cài đặt cố định trong máy bơm kiểm soát cố định không phù hợp với những người thừa cân. Giới hạn trọng lượng tối đa là 150kg với chỉ số khối cơ thể (BMI) lớn nhất dao động từ 42-43 đối với bệnh nhân nam và 35-36 đối với bệnh nhân nữ. Những mô hình hoạt động của các thiết bị máy móc này thường được xây dựng từ nguồn dữ liệu của những người bình thường vì thế chúng không thích hợp ở người thừa cân. Các thuốc gây mê như propofol là những hoạt chất tan tốt trong mỡ nên tai biến đáng sợ khi tiến hành gây mê ở những bệnh nhân béo phì là ngộ độc thuốc. Trong khi lựa chọn thuốc gây mê, các bác sĩ sẽ ưu tiên sử dụng những loại có độ hòa tan trong mỡ thấp như remifentanil để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Bên cạnh đó, phương pháp đặt ống nội khí quản không sử dụng thuốc giãn cơ không thuận lợi ở những bệnh nhân béo phì nên không được ưu tiên lựa chọn.
Bệnh nhân lớn tuổi
Bệnh nhân lớn tuổi với nhiều bệnh lý nội khoa mãn tính luôn là đối tượng được chú ý khi tiến hành bất kì thủ thuật nào, bao gồm cả gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích. Động học và tác dụng của các thuốc sử dụng trong gây mê như thuốc an thần, giãn cơ, giảm đau, mê thay đổi ở từng người bệnh. Những bệnh nhân lớn tuổi có các đáp ứng với thuốc khó lường trước được và được đánh giá là đối tượng nhạy cảm trong gây mê. Một trong những lưu ý quan trọng khi tiến hành gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích là việc kiểm soát nồng độ thuốc ổn định trong máy. Tiến hành tính toán và bắt đầu sử dụng thuốc mê ở nồng độ thấp nhất có hiệu quả và tăng dần lên. Bệnh nhân lớn tuổi cũng cần được theo dõi trị số huyết áp một cách cẩn thận. Huyết áp tâm thu và tâm trương cần được giữ ở mức giới hạn bình thường, cần tránh hạ huyết áp và không gây thiếu máu não. Thuốc được lựa chọn khi gây mê tĩnh mạch ở bệnh nhân lớn tuổi là remifentanil vì nó ổn định được các trị số huyết động của người bệnh.
Bệnh nhân gây tê vùng
Chỉ định gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích cho những bệnh nhân gây tê vùng vì có nhiều điểm phù hợp như:
- Giúp bệnh nhân nhanh an thần và cũng phục hồi ý thần kinh nhanh sau thoát mê
- Liều thuốc, nồng độ thuốc trong huyết tương và các tác dụng của nó được kiểm soát tốt
- Phương pháp tiến hành đơn giản
- Bệnh nhân ít phải chịu cảm giác đau đớn nhiều vì triệu chứng đau được kiểm soát tốt
Gây mê tĩnh mạch có kiểm soát nồng độ đích là kỹ thuật gây mê khá phổ biến trong phẫu thuật nhưng để đạt kết quả tốt nhất thì người bệnh phải được điều trị bởi các bác sĩ có chuyên môn, giàu kinh nghiệm với hệ thống trang thiết bị y tế đầy đủ, đáp ứng các yêu cầu vật dụng trong ca phẫu thuật.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.