Tìm hiểu về gây mê tĩnh mạch toàn bộ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thông - Bác sĩ Gây mê hồi sức - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Vô cảm là phương pháp làm mất hoặc làm giảm, hủy bỏ một phần hay toàn bộ cảm giác, cảm nhận đau đớn của người bệnh một cách tạm thời bằng các tác nhân, thuốc men nhằm thực hiện phẫu thuật. Trong đó gây mê tĩnh mạch là một phương pháp vô cảm toàn thể khá phổ biến thường được sử dụng cho các cuộc mổ ngắn hay điều trị bằng shock điện, phân tích tâm thần kinh.

1. Gây mê tĩnh mạch toàn bộ là gì?

Gây mê tĩnh mạch toàn bộ là phương pháp gây mê toàn thân bằng cách sử dụng phối hợp thuốc mê, thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc giảm đau và thuốc giãn cơ được chích vào đường tĩnh mạch của NB. Phương pháp này rất phổ biến và thuận lợi trong gây mê - phẫu thuật tim, thần kinh do những thuốc gây mê có thời gian tác dụng ngắn và ít gây tác dụng phụ. Bệnh nhân thường tự thở với khí trời hay được cho thở thêm vào dưỡng khí nhưng trong khí thở vào không được lẫn với hơi thuốc mê.

Phương pháp thường được sử dụng trong gây mê tĩnh mạch toàn phần là:

  • Propofol, 0,5-1,5 mg/kg rồi tiếp theo sau 25-100 mcg/kg/phút. Có thể sử dụng máy truyền thuốc mê có kiểm soát nồng độ đích (TCI)
  • Remifentanil, 0,5- 1 mcg/kg rồi tiếp tục truyền liên tục bằng bơm tiêm điện 0,5- 1 mcg/g/phút

Gây mê tĩnh mạch gồm có 2 dạng:

  • Gây mê tĩnh mạch đơn thuần: là gây mê tĩnh mạch chỉ sử dụng một loại thuốc mê
  • Gây mê tĩnh mạch phối hợp: là ngoài thuốc mê còn kết hợp thuốc giảm đau hoặc các loại thuốc mê khác

Thuốc mê Propofol dùng trong gây mê tĩnh mạch toàn thân
Thuốc mê Propofol dùng trong gây mê tĩnh mạch toàn thân

2. Các loại thuốc mê tĩnh mạch và công dụng

Hiện nay có một số thuốc thường dùng để gây mê tĩnh mạch gồm:

  • Thiopental
  • Ketamine
  • Propofol
  • Benzodiazepines
  • Etomidate
  • Gamma hydroxybutyrate

Các thuốc mê tĩnh mạch có các công dụng sau:

  • Đóng vai trò như thuốc an thần giúp bệnh nhân bớt lo lắng, sợ hãi
  • Thuốc dùng để khởi mê, làm người bệnh ngủ nhanh và chịu được hơi thuốc mê
  • Thuốc mê duy nhất dùng cho các cuộc mổ ngắn, điều trị bằng shock điện hoặc phân tích tâm thần kinh

Bên cạnh đó thuốc mê tĩnh mạch chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân dị ứng với thuốc mê
  • Cơ sở y tế không có phương tiện để cấp cứu hô hấp, tuần hoàn
  • Đường truyền tĩnh mạch thiếu chắc chắn
  • Người sử dụng thuốc mê thiếu kinh nghiệm

Không dùng thuốc mê tĩnh mạch với bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc mê
Không dùng thuốc mê tĩnh mạch với bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc mê

3. Các phương pháp gây mê tĩnh mạch thường được sử dụng

Gây mê tĩnh mạch có các phương thức chính sau:

  • Phương thức đơn thuần với Thiopental
  • Phương thức NLA: giúp giữ bệnh nhân ở trạng thái dửng dưng, thờ ơ với ngoại cảnh nhưng vẫn còn ý thức nên cộng tác được và giảm đau tốt
  • Phương thức ANS: là gây mê giảm đau trung ương có ưu điểm ổn định huyết động và có độ mê tốt. Tuy nhiên nhược điểm là bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp nhiều giờ sau mổ
  • Phương thức AAP: là gây mê tăng tiềm lực giảm đau bằng cách phối hợp thêm với thuốc giảm đau và thuốc an thần kinh phù hợp với các cuộc mổ vừa
  • Phương thức đơn thuần với Ketamin: có tác dụng ngủ nông và giảm đau bề mặt tốt, nhược điểm là không ổn định huyết động, tăng tiết, kích thích cơ và ảo giác
  • Phương thức đơn thuần với Propofol: khi dùng phải sử dụng ở nồng độ rất cao mới duy trì được mê đầy đủ dẫn tới thời gian hồi tỉnh kéo dài gây tác dụng phụ
  • Phương thức TIVA: là phương thức tổng hợp các phương thức trên với các thuốc có dược động học ổn định, tác dụng ngắn như propofol, fentanyl, alfentanyl hoặc Remifentanyl là các thuốc chủ lực. Phương pháp này được sử dụng phổ biến và nhiều nhất trong lâm sàng.

Phương thức tổng hợp TIVA được sử dụng phổ biến nhất
Phương thức tổng hợp TIVA được sử dụng phổ biến nhất

4. Đánh giá độ mê trong gây mê tĩnh mạch như thế nào?

Để xác định độ mê trong gây mê tĩnh mạch cần dựa trên những phản ứng của bệnh nhân đối với kích thích của phẫu thuật gồm có 3 mức độ như sau:

  • Mức 1: độ mê nông không đủ phẫu thuật
  • Mức 2: độ mê phẫu thuật
  • Mức 3: ngộ độc thuốc mê

Biểu hiện của gây mê nông:

  • Giãn đồng tử, huyết áp tăng khi chịu kích thích, nhịp tim tăng, co mạch ngoại vi
  • Phản ứng chống đối với đặt Canul hoặc ống nội khí quản
  • Thở nhanh hoặc ngừng thở có kèm tăng trương lực cơ (khác với dùng thuốc quá liều)

Biểu hiện của độ mê phẫu thuật:

  • Huyết động, tim mạch, hô hấp ổn định
  • Không có đáp ứng kích thích trong phẫu thuật, đủ dãn cơ, đồng tử co nhỏ và cố định ở trung tâm

Biểu hiện của gây mê sâu, ngộ độc thuốc:

  • Tụt huyết áp, nhịp tim rối loạn trước khi ngừng tim
  • Suy hô hấp nặng, ngưng thở
  • Da, niêm mạc xanh tím

Ngoài ra, tại hệ thống Vinmec, trong quá trình gây mê, NB được gắn các thiết bị theo dõi về chức năng sống ( nhịp tim, nhiệt độ, huyết áp, bão hòa Oxy trong máu), theo dõi độ mê (Entropy), theo dõi độ mềm cơ (TOF) và đội ngũ nhân viên gây mê chuyên nghiệp theo dõi sát sao và xử trí kịp thời.

Bác sĩ Đức Thông đã có 14 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức. Đặc biệt, với quá trình 12 năm làm việc tại Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện C Đà Nẵng, bác sĩ Thông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Gây mê hồi sức cho người bệnh cao tuổi, có nhiều bệnh kèm, bệnh nặng khi mổ; giúp cho nhiều ca mổ nặng, phức tạp được thành công. Hiện tại, đang là Bác sĩ gây mê Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Để được tư vấn chi tiết, quý khách vui lòng đến hệ thống y tế Vinmec hoặc đặt khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe