Ure được tổng hợp tại gan, là sản phẩm quan trọng từ quá trình chuyển hóa nitơ, có nguồn gốc chủ yếu từ quá trình thoái hóa protein trong cơ thể người. Ure được đào thải ra ngoài chủ yếu qua thận và một phần qua đường tiêu hóa. Xét nghiệm ure máu có công dụng đánh giá chức năng gan, thận và một số bệnh lý khác.
1. Xét nghiệm Ure máu là gì?
Ure trong máu được tổng hợp chủ yếu ở gan và đây là sản phẩm cuối cùng của quá trình chuyển hóa chất đạm (protein) trong cơ thể, được đào thải ra ngoài cơ thể qua thận là chủ yếu.
Xét nghiệm ure máu có công dụng đánh giá khả năng lọc của thận, xét nghiệm máu để xác định chỉ số Ure máu. Trong trường hợp chỉ số ure trong máu càng cao thì chức năng lọc của thận càng kém, hàm lượng protein trong cơ thể quá cao hay tình trạng cơ thế thiếu nước dẫn đến quá trình lưu thông kém hiệu quả. Thông thường, chỉ số ure trong máu vào khoảng 2,5-7,5mmol/l.
Ure là thành phần luôn có trong cơ thể và thường xuyên được bổ sung bằng chất đạm (protein) mà chúng ta bổ sung hàng ngày theo đường ăn uống. Đó là các protein ngoại sinh và được các protease của đường tiêu hóa chuyển hóa thành các axit amin. Sản phẩm chuyển hóa cuối cùng là NH3 và CO2.
Ngoài ra, chúng ta cần lưu ý đến các trường hợp khiến chỉ số ure tăng cao như:
- Chế độ dinh dưỡng hàng ngày dư thừa protein.
- Người bị ngộ độc thủy ngân.
- Người bị suy thận, tắc nghẽn đường niệu hay mắc bệnh vô niệu,...
- Các trường hợp tăng dị hóa protein: sốt, bỏng hay suy dinh dưỡng...
- Nhiễm trùng nặng, xuất huyết tiêu hóa,...
Đồng thời, để có thể chẩn đoán bệnh chính xác hơn, bác sĩ điều trị sẽ chỉ định thực hiện thêm một số các xét nghiệm cận lâm sàng khác. Bởi nếu chỉ thực hiện xét nghiệm ure máu thì không đủ để sàng lọc, chẩn đoán hay theo dõi các bệnh lý liên quan đến gan hay thận.
2. Chỉ số ure trong máu ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Chỉ số ure trong máu tăng hay giảm đều ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
2.1. Ảnh hưởng đến hệ tim mạc
- Mạch nhanh, nhỏ, yếu và khó bắt; tăng huyết áp.
- Ở giai đoạn cuối của bệnh suy thận có thể gây ra tình trạng trụy mạch, rất nguy hiểm đến tính mạng.
2.2. Ảnh hưởng đến hệ thần kinh
- Mức độ nhẹ: chóng mặt, đau nhức đầu, hoa mắt, có thể thấy xuất hiện ruồi bay trước mặt và tình trạng mất ngủ kéo dài.
- Mức độ trung bình: Mơ màng, mê sảng hay vật vã.
- Mức độ nặng hơn như hôn mê, co giật, đồng tử co lại, phản ứng ánh sáng kém.
2.3. Ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa
- Mức độ nhẹ: Ăn không ngon miệng, đầy bụng, chướng hơi.
- Mức độ nặng hơn: lưỡi đen, viêm họng, viêm loét miệng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng, xuất hiện những màng giả mạc có màu xám.
2.4. Ảnh hưởng đến hệ hô hấp
- Hơi thở có mùi Amoniac hoặc tình trạng rối loạn nhịp thở.
- Có thể xuất hiện tình trạng hôn mê kèm theo hơi thở chậm và yếu.
2.5. Ảnh hưởng đến thân nhiệt
Thông thường, thân nhiệt có thể giảm.
2.6. Ảnh hưởng đến huyết học
Thiếu máu thường xảy ra đối với những người bị tăng ure máu, tùy theo từng giai đoạn mà sự ảnh hưởng sẽ khác nhau. Nếu thiếu máu càng nặng thì nguy cơ bị suy thận càng nặng.
3. Ure máu giảm trong trường hợp nào?
Chỉ số ure máu giảm trong trường hợp cụ thể như sau:
- Những người phụ nữ đang trong thời gian có thai.
- Người có chế độ ăn kiêng hoặc chế độ dinh dưỡng hàng ngày nghèo protein.
- Xơ gan, suy gan, viêm gan thể cấp hoặc mạn tính.
- Hội chứng thận hư hoặc chứng giảm hấp thu.
- Người mắc hội chứng tăng tiết ADH bất thường.
4. Quy trình xét nghiệm ure máu
Xét nghiệm ure máu thì không cần nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm mà chỉ cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có chứa quá nhiều protein. Thời điểm thực hiện xét nghiệm ure máu thích hợp nhất là vào buổi sáng. Thời gian để thực hiện xét nghiệm có thể kéo dài trong khoảng 1 giờ.
Mẫu bệnh phẩm xét nghiệm ure máu thường là máu tĩnh mạch. Để thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm thì nhân viên y tế sử dụng kim tiêm và lấy một lượng máu vừa đủ (khoảng 2ml) và cho vào trong ống nghiệm vô trùng để bảo quản.
Sau khi hoàn tất quá trình lấy máu xét nghiệm ure máu thì vị trí tiêm sẽ được thoa bông gòn tẩm cồn và băng lại giúp cầm máu. Người bệnh nên lưu ý tránh vận động quá mạnh sau khi lấy mẫu.
Mẫu máu sau khi lấy sẽ được gửi nhanh chóng đến phòng xét nghiệm để tiến hành thực hiện đo lường và phân tích. Trong quá trình thực hiện nếu có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào về “ Ure máu giảm trong trường hợp nào?” thì bạn nên tham khảo ý kiến hay sự tư vấn từ các bác sĩ điều trị để được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.