Thuốc được xem là con dao hai lưỡi. Nó sẽ mang lại hiệu quả nếu chúng ta sử dụng đúng thuốc, đủ liều, đúng thời điểm. Tuy nhiên nếu sử dụng tràn lan không tuân thủ theo chỉ dẫn thì có thể gây ra những bất lợi cho cơ thể và nguy hiểm nhất là tình trạng quá liều. Vậy khi uống thuốc quá liều phải làm sao và cần làm gì để hạn chế tình trạng này?
1. Dùng thuốc quá liều là gì?
Dùng thuốc quá liều còn được gọi ngộ độc thuốc là khi bệnh nhân sử dụng thuốc quá mức so với chỉ định của bác sĩ hoặc tự ý sử dụng mà không có đơn kê. Một số trường hợp cơ thể vẫn có thể tự cân bằng được và không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên điều này có thể làm xuất hiện một số hậu quả nghiêm trọng đối với người bệnh và thậm chí đe dọa đến tính mạng. Hậu quả của việc dùng quá liều thuốc phụ thuộc vào thành phần, liều lượng của thuốc cũng như tình trạng thể chất và tiền sử của bệnh nhân.
2. Một số yếu tố nguy cơ dẫn đến quá liều thuốc
Có một số nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan gây ra tình trạng quá liều thuốc như:
- Để thuốc không đúng nơi trong nhà: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng quá liều ở trẻ em. Khi thuốc được để ở những nơi dễ dàng nhìn thấy và trong tầm tay có thể gây kích thích tò mò của trẻ nhỏ dẫn đến chúng tự đưa thuốc vào miệng.
- Không đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc không tuân theo hướng dẫn sử dụng thuốc: Người lớn cũng có thể dùng quá liều thuốc do thiếu thận trọng không đọc kỹ thông tin trước khi sử dụng hoặc không tuân theo sự kê đơn của bác sĩ trong quá trình sử dụng. Điều này làm cho thuốc có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường thay vì giúp ích cho người bệnh.
- Bệnh nhân có tình trạng rối loạn tâm thần: Rối loạn tâm thần là 1 trong những yếu tố có thể dẫn đến tình trạng dùng quá liều thuốc.
3. Dấu hiệu nhận biết người dùng thuốc quá liều
Tùy vào từng loại thuốc khác nhau mà những ảnh hưởng khi dùng quá liều đối với cơ thể sẽ khác nhau. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị tổn thương các cơ quan hoặc mô, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Một số triệu chứng phổ biến của quá liều thuốc như:
- Tăng đột ngột các dấu hiệu sinh tồn của cơ thể như nhiệt độ, nhịp tim, nhịp thở. Huyết áp có thể tăng hoặc giảm.
- Buồn ngủ, lú lẫn, hôn mê. Các triệu chứng này thường gặp và có thể làm bệnh nhân hít chất nôn vào phổi gây nguy hiểm đến tính mạng.
- Da ra nhiều mồ hôi kèm theo khô hoặc nóng.
- Tức ngực, khó thở hoặc hơi thở có thể trở nên nhanh, chậm, sâu hoặc nông.
- Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.
- Nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu.
Khi gặp phải bệnh nhân xuất hiện một trong các triệu chứng trên sau khi sử dụng thuốc, bạn cần nhanh chóng tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Việc phát hiện và sơ cứu kịp thời có thể làm giảm đi các hậu quả do việc sử dụng thuốc quá liều.
4. Uống thuốc quá liều phải làm thế nào?
Khi gặp phải bệnh nhân có biểu hiện quá liều thuốc, bạn cần bình tĩnh và thực hiện các bước sơ cứu theo thứ tự sau:
- Bước 1: Gọi trợ giúp y tế theo số cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất
- Bước 2: Kiểm tra ý thức của người bệnh: Khi thấy bệnh nhân vẫn còn tỉnh táo, cần hỏi ngay xem họ đã dùng thuốc gì và ghi nhớ tên để báo với nhân viên y tế. Nếu bệnh nhân lơ mơ, mất ý thức thì chuyển sang bước 3.
- Bước 3: Kiểm tra mạch và khả năng hô hấp của bệnh nhân: Thực hiện ép tim và thổi ngạt theo quy trình như sau:
- Ép tim ngoài lồng ngực: Bàn tay thuận đặt lên vị trí chính giữa 1⁄3 dưới của xương ức, tay còn lại đặt lên bàn tay trước với tư thế đan xen ngón với bàn tay trước. Dùng lực ép vuông góc xuống ngực sao cho xương ức lún 4 đến 5cm rồi nhấc tay cho lồng ngực nảy lên. Tiếp tục thực hiện như vậy với tần số ép 100 lần/ phút.
- Làm thông thoáng đường thở: Đặt bệnh nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng với tư thế đầu và cổ ở tư thế ưỡn tối đa. Chủ đông mở miệng bệnh nhân để móc sạch đờm dãi hoặc dị vật nếu có thể.
- Thổi ngạt cho người bệnh: Dùng một tay đặt lên phần trán để làm ngửa đầu bệnh nhân đồng thời dùng ngón trỏ và ngón cái bóp chặt mũi họ. Bàn tay còn lại nâng hàm dưới lên trên và ra trước để giúp mở miệng bệnh nhân. Hít thật sâu và thổi toàn bộ không khí qua miệng bệnh nhân làm cho lồng ngực phồng lên. Động tác ép tim và thổi ngạt thực hiện xen kẽ với nhau với chu kỳ cứ 30 lần ép tim thì tới 2 lần thổi ngạt.
- Bước 4: Nếu người bệnh đã có lại mạch và tự hô hấp được thì tiếp tục theo dõi đến khi khi có nhân viên y tế tới.
Trong quá trình sơ cứu cần lưu ý một số điều sau:
- Cố gắng thu thập thông tin về loại thuốc mà bệnh nhân đã sử dụng hoặc quan sát hiện trường xung quanh để xem xét vỏ chai lọ hoặc bao bì thuốc còn sót lại.
- Tuyệt đối không thực hiện các động tác cho bệnh nhân gây nôn.
- Không cho bệnh nhân ngộ độc thuốc ăn uống bất cứ thứ gì
5. Cách chữa uống thuốc quá liều là gì?
Phương pháp chữa quá liều thuốc phụ thuộc vào loại thuốc và thời gian mà bệnh nhân đã sử dụng như:
- Thực hiện rửa dạ dày để loại bỏ các loại thuốc không được hấp thụ ra khỏi cơ thể.
- Sử dụng than hoạt tính để giúp liên kết thuốc và giữ chúng trong dạ dày và ruột nhằm làm giảm lượng thuốc hấp thụ vào máu. Thuốc sau khi liên kết với than sẽ được thải ra ngoài qua phân.
- Khi bệnh nhân rơi vào trạng thái kích động, nhân viên y tế có thể chỉ định dùng thuốc an thần cho đến khi tác dụng của thuốc biến mất.
- Trong trường hợp quá liều do một số thuốc nhất định, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các loại thuốc khác với công dụng làm thuốc giải độc nhằm đảo ngược tác dụng của thuốc ban đầu hoặc để ngăn chặn nhiều tác hại hơn.
6. Phòng ngừa sử dụng thuốc quá liều
Để phòng ngừa sử dụng thuốc quá liều, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:
- Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi dùng cẩn thận và giữ lại trong bao bì. Không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
- Cần ghi nhớ và trình bày cho bác sĩ về tiền sử dị ứng, ngộ độc thuốc của mình trước khi được kê đơn.
- Thuốc và đồ uống có cồn cần để ở nơi an toàn xa tầm tay của trẻ em hoặc người rối loạn tâm thần.
Quá liều thuốc không phải là vấn đề hiếm gặp và có thể xảy ra bất cứ lúc nào với bản thân chúng ta hoặc những người xung quanh. Do đó, mỗi người cần ghi nhớ những nguyên tắc khi dùng thuốc và cách sơ cứu khi gặp phải trường hợp này để đảm bảo an toàn cho mình và cộng đồng.